- Vương quốc thiên đàng - https://www.angospel.com -

Chối bỏ sự sống tâm hồn

Trong phần trước [1], chúng ta đã thấy rằng Phi-e-rơ ngay từ đầu đã phải học để chối bỏ chính mình (sự sống tâm hồn). Ông mới vừa nhận được khải thị rằng Chúa Giê-su là Đấng Christ, thì chính Sa-tan đã nói qua ông. Sa-tan biết cách sử dụng tâm trí sa ngã của Phi-e-rơ. Ngay lập tức, Chúa Giê-su nhận thấy Sa-tan đang nói thông qua Phi-e-rơ, nên Ngài trả lời: „Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đằng sau Ta! Ngươi là một chướng ngại cho Ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ đến việc của loài người“ (Ma-thi-ơ 16:23).

Thật ra Phi-e-rơ chỉ đưa ra một đề nghị “tốt”. Nhưng lời đề nghị này nảy sinh từ tâm trí sa ngã của ông, tức là từ sự sống tâm hồn của Phi-e-rơ. Nếu Chúa Giê-su chấp nhận lời đề nghị này, ý định của Đức Chúa Trời sẽ không thành hiện thực.

Chúng ta phải rút ra bài học từ sự việc này: những đề xuất và ý tưởng của chúng ta, cho dù có vẻ tốt đến đâu, thì chúng vẫn cản trở ý định của Đức Chúa Trời. Nếu Sa-tan có thể sử dụng tâm trí sa ngã của Phi-e-rơ, thì hắn còn có thể sử dụng tâm trí của chúng ta nhiều như thế nào nữa? Cái tôi của chúng ta (sự sống tâm hồn) là vấn đề lớn nhất trong Hội Thánh [2]. Nếu chúng ta không học cách từ chối nó, Hội Thánh sẽ bị phá hủy.

Các trưởng lão ở Ê-phê-sô

Ngay cả những trưởng lão trong Hội Thánh cũng có nguy cơ với tâm hồn sa ngã của họ. Phao-lô nói với các trưởng lão ở Ê-phê-sô rằng những con sói sẽ dấy lên từ giữa họ, không buông tha cho bầy chiên (xem Công Vụ 20:29). Những con sói này là ai? Họ là những trưởng lão đang sống trong tâm hồn sa ngã của mình, nhưng không muốn chối bỏ nó. Ngày nay cũng không có gì khác biệt: không phải những người mới tin Chúa hoặc những người trẻ tuổi gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong Hội Thánh, mà là những người được gọi là lãnh đạo, những người phụ trách, các trưởng lão và mục sư. Cũng như Phi-e-rơ, họ không thể từ bỏ sự sống tâm hồn của họ!

Phao-lô cũng nhận thức được rằng sự sống tâm hồn của mình là mối nguy hiểm cho chương trình của Đức Chúa Trời. Ông nói với các trưởng lão ở Ê-phê-sô: „nhưng tôi chẳng kể sự sống tâm hồn của mình là quý, miễn sao hoàn tất cuộc đua và chức vụ tôi đã nhận lãnh nơi Chúa Giê-su, để sốt sắng làm chứng về Phúc Âm của ân điển Đức Chúa Trời“ (Công Vụ 20:24).
Không ngạc nhiên khi ông làm chứng rằng ông không có lòng tin vào bản thân (xem 2.Cô-rinh-tô 1:9; Phi-líp 3:3-4). Nếu một trưởng lão không chối bỏ sự sống tâm hồn của mình, người đó sẽ trở thành một con sói, cho dù người đó có là giám mục của Hội Thánh đi nữa! Chúng ta đừng quá vội vàng phán xét, bình luận hoặc chỉ trích bất cứ điều gì trong Hội Thánh. Đúng hơn, chúng ta hãy đặt tâm hồn hồn mình vào sự chết [3] và đi theo Chúa.

Lễ Hòa Giải

Lễ Hòa Giải diễn ra mỗi năm một lần (xem Lê-vi Ký 16). Vào ngày lễ này, thầy tế lễ thượng phẩm đi vào nơi Chí Thánh để chuộc tội cho cả dân. Cùng lúc đó, dân Israel nhóm lại xung quanh Đền Tạm. Mọi người phải làm gì trong ngày lễ trọng đại này? Họ phải ép tâm hồn mình (còn có nghĩa là „làm khổ tâm hồn mình“): „Ngày mồng mười tháng bảy này là ngày lễ chuộc tội; các ngươi sẽ có sự nhóm họp thánh; hãy ép tâm hồn mình và dâng các của lễ dùng lửa cho CHÚA“ (Lê-vi Ký 23:27).

Từ „ép“ (hay „làm khổ“) trong Kinh Thánh bản gốc có một nghĩa rất mạnh. Nó có nghĩa là “hạ mình bằng cách kiêng ăn” và thậm chí là “làm nhục”. Điều này hoàn toàn tương ứng với việc chối bỏ sự sống tâm hồn trong Tân Ước. Nếu hôm nay chúng ta không làm nhục sự sống tâm hồn của mình, chúng ta sẽ mất nó sau này. Lê-vi Ký 23:29 thậm chí còn nói rằng mọi người không làm nhục tâm hồn mình thì sẽ bị loại khỏi dân Chúa. Lời Đức Chúa Trời nghiêm trọng biết bao! Hôm nay chúng ta hãy học cách chối bỏ sự sống tâm hồn của mình để đạt được mục tiêu của đức tin: sự cứu rỗi tâm hồn của chúng ta.

(Dịch từ bài „Das Seelenleben verleugnen [4]“ của Himmlisches-Jerusalem.de)