- Vương quốc thiên đàng - https://www.angospel.com -

Con đường của sự sống

Lời mở đầu

Ba lời chia sẻ này ở Hội Thánh [1] Singapore vào tháng 12 năm 2009, đặc biệt hướng tới các thanh thiếu niên, chỉ cho chúng ta thấy con đường không thay đổi của Đức Chúa Trời cho việc thực hiện mục tiêu của Ngài với chúng ta: bởi Lời hằng sống và trường tồn của Đức Chúa Trời, bởi Cây Sự Sống và bởi tâm linh của con người. Nguyện xin Chúa cho chúng ta kinh nghiệm được hiện thực của những lời này.

Lời sống và trường tồn của Đức Chúa Trời

Lời Chúa, Kinh Thánh, là điều gì đó rất đặc biệt. Nó là Lời phán hằng sống của Đức Chúa Trời. Ai muốn làm quen với Đức Chúa Trời hằng sống thì phải quan tâm đến Kinh Thánh, vì nếu không có quyển sách này thì không thể biết Đức Chúa Trời được. Đừng nghĩ Lời Chúa không quan trọng. Lời của con người cũng đã quan trọng rồi. Nếu tôi muốn làm quen với anh em thì tôi phải nói chuyện với anh em, nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ thực sự quen biết nhau. Anh em, nếu chúng ta không ngồi kế nhau dùng bữa trưa và cùng trò chuyện với nhau, chúng ta đâu thể quen nhau. Tôi có thể nhớ mặt anh em, nhưng anh em phải nói mình tên gì. Nghĩa là anh em phải mở miệng ra nói vài lời với tôi. Nếu không thì làm sao tôi có thể biết được là anh em từ đâu đến, sống ở đâu, làm gì và bao nhiêu tuổi. Nếu anh em không bao giờ mở miệng ra thì tôi không bao giờ làm quen với anh em được. Đối với Đức Chúa Trời cũng vậy; nếu không có Lời hằng sống của Chúa, anh em không thể biết Chúa được. Kinh Thánh, Lời Chúa, là Lời phán của Đức Chúa Trời cho loài người.Vì thế, đến với quyển sách này rất quan trọng, nếu anh em muốn làm quen với Đức Chúa Trời.

Hai cây trong vườn Ê-đen

Kinh Thánh nói gì về Lời hằng sống? Tôi muốn bắt đầu với Sáng Thế Ký 2:9. Mặc dù anh em có lẽ đã biết câu này rồi, nhưng anh em đừng coi thường nghĩa của nó. “Chúa, Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại có Cây Sự Sống cùng Cây Biết Thiện Ác“. Có hai cây được nhắc đến một cách đặc biệt trong vườn Ê-đen. Một trong hai cây là Cây Sự Sống. Anh em phải nhận ra được sự quan trọng của cây này. Nó rất đặc biệt; được gọi là “Cây Sự Sống”. Đức Chúa Trời đã đặt con người vào trong vườn Ê-đen vì Ngài muốn con người ăn trái của cây này. Nhưng còn có một cây khác, Cây Biết Thiện Ác. “Rồi, Chúa, Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về Cây Biết Thiện Ác thì không được ăn; vì ngày nào ngươi ăn trái đó chắc chắn ngươi sẽ chết” (câu 16-17).

Ngay đầu Kinh Thánh, chúng ta đã thấy một nguyên lý quan trọng: nguyên lý của sự sống, được tượng trưng bằng Cây Sự Sống. Trong Sáng Thế Ký 1:31, chúng ta đọc thấy mọi điều Đức Chúa Trời đã tạo nên đều rất tốt, thế nhưng tại sao A-đam lại không đủ tốt? Bởi vì con người còn phải tiếp nhận sự sống của Đức Chúa Trời vào bên trong mình. Kinh Thánh gọi sự sống này là sự sống vĩnh hằng. Ngay từ đầu Kinh Thánh, chúng ta thấy sự sống này cũng chính là Đức Chúa Trời và con người phải tiếp nhận sự sống này vào.

Cây còn lại có nghĩa nghịch lại với sự sống, cho nên chúng ta gọi nó là Cây Sự Chết! Nhưng Kinh Thánh gọi nó là Cây Biết Thiện Ác. Việc cây này mang tên Cây Biết Thiện Ác đã chỉ cho chúng ta thấy rằng nó không thật sự “đứng đắn” lắm. Nó không nêu lên bản chất thật của nó, chính là sự chết. Sự chết ẩn dấu bên dưới một cái tên khác và cái tên khác này là Hiểu Biết Thiện Ác. Nhiều người không chấp nhận điều này vì họ nghĩ rằng hiểu biết là một điều gì đó tích cực. Nhưng Đức Chúa Trời đã cảnh báo con người đừng ăn trái của cây này, vì ngày nào ăn trái của cây này, con người chắn chắn sẽ chết!

Ảnh hưởng của sự chết trong xác thịt của chúng ta

Nếu Cây Sự Sống là sự sống của Đức Chúa Trời và cũng chính là Đức Chúa Trời thì cây còn lại phải có nghĩa là tội lỗi, tức là bản chất của Sa-tan, cũng chính là Sa-tan, kẻ cầm quyền sự chết (Hê-bơ-rơ 2:14). Khi con người ăn từ nó, tội lỗi cùng với sự chết thâm nhập vào trong mình. “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Sự chết này có nghĩa không chỉ là cái chết về mặt thể chất mà còn cả về mặt tâm linh. Sự chết này có liên quan đến Sa-tan, kẻ cầm quyền sự chết. Hắn nuốt chửng con người dần dần, cho đến cuối cùng thì ở trong hồ lửa với hắn. Hồ lửa là cái chết thứ hai. Do đó, không chỉ tội lỗi ở trong xác thịt của chúng ta mà đồng thời sự chết cũng ngự trị ở đó. Từ lý do này mà loài người sa ngã cũng không khao khát Đức Chúa Trời. Hãy nói với tôi rằng anh em có thực sự vì Chúa không? Tôi không khẳng định rằng anh em không vì Chúa, nhưng cuộc sống hằng ngày của anh em chỉ ra rằng anh em không có sở thích lớn dành cho Đức Chúa Trời. Nhưng khi chơi trò chơi vi tính thì anh em lại hoàn toàn sốt sắng. Nhưng đối với việc đọc Kinh Thánh, anh em có sốt sắng như vậy không?

Tại sao chúng ta đột nhiên như bị liệt khi liên quan với việc cầu nguyện, đi nhóm, thông công, đọc Lời Chúa hay giảng Phúc Âm? Chúng ta không có sở thích hay hứng thú gì cả. Đơn giản là chúng ta mệt mỏi và không có năng lượng để làm những điều trên. Tại sao? Tại vì sự chết ngự trị trong xác thịt của chúng ta. Đừng nghĩ rằng chúng ta, là những Cơ Đốc nhân, thì không có nan đề này. Vì thế, những gì chúng ta cần gấp chính là sự sống trong tâm linh mình! Và quyển sách này, Kinh Thánh, chính là sách sự sống, sách ban cho chúng ta sự sống của Đức Chúa Trời!

Hiểu biết Kinh Thánh không mang lại sự sống

Nguyên lý sự sống trong Sáng Thế Ký 2 là nền tảng cho toàn bộ Kinh Thánh. Khi anh em đọc Kinh Thánh, anh em phải nói với Chúa rằng: “Chúa ơi, con không muốn có hiểu biết, con muốn có sự sống”. Tôi đã làm điều này từ nhiều năm rồi. Tại sao tôi nói câu này thường xuyên? Một khi hiểu biết đã vào trong chúng ta, chúng ta sẽ bị nghiện vì chúng ta yêu mến sự hiểu biết. Dù là hiểu biết gì đi nữa thì chúng ta cũng giữ chặt nó. Cả thế giới được thiết lập trên sự hiểu biết. Mọi người đều yêu mến nó. Đối với khoa học và xã hội, chúng ta cần sự hiểu biết. Nhưng khi chúng ta đến với Đức Chúa Trời hằng sống và Lời của Ngài thì điều này không liên quan gì đến hiểu biết cả. Hiểu biết về Kinh Thánh không mang lại cho anh em sự sống! Anh em có thể có kiến thức về Kinh Thánh nhưng không có sự sống.

Toàn bộ Do Thái giáo vào thời Chúa Giê-su chứng minh cho chúng ta thấy rằng, hiểu biết không đem lại lợi ích gì. Mọi người Pha-ri-si và Sa-đu-sê, thầy tế lễ thượng phẩm và cả dân sự đều có hiểu biết về Kinh Thánh. Họ là những thầy dạy Kinh Thánh, họ rành các sách Ngũ Kinh Môi-se và các sách tiên tri, họ hiểu biết lịch sử và là những chuyên gia về Kinh Thánh. Thậm chí, chính Chúa đã nói với họ rằng, họ nghiên cứu Kinh Thánh nhưng lại chẳng muốn đến với Ngài để nhận sự sống đời đời [2] (Giăng 5:39-40); bởi vì chính Đức Chúa Trời là sự sống. Anh em có thể biết toàn bộ Kinh Thánh, tuy nhiên chẳng có sự sống. Để nhận được sự sống, anh em phải đến với Đức Chúa Trời hằng sống. Anh em phải thực sự rõ về điều này. Ngay từ đầu Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một lời cảnh báo nghiêm trọng: Đức Chúa Trời là sự sống! Do đó, anh em phải là người khao khát sự sống, vì nếu không có sự sống thì anh em chẳng có gì cả.

Ngôi Lời chính là Đức Chúa Trời

Dựa trên nền tảng này, chúng ta đọc tiếp trong Giăng 1: “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (câu 1). Thời còn trẻ, khi đọc Kinh Thánh tôi đã nghĩ, câu này sao lạ quá. Ai có thể hiểu câu này được? Nhưng một thời gian sau tôi nhận ra rằng, không cần phải có nhiều giải thích cho nó. Lời mà không có Đức Chúa Trời thì không có giá trị. Những gì mà chúng ta cần không phải là Lời nói về Đức Chúa Trời mà là Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Nếu thiếu Đức Chúa Trời thì Lời không có chức năng gì cả. Như vậy khi anh em đến với Lời Chúa, anh em phải ý thức rằng mình phải chạm đến Đức Chúa Trời. Tôi không muốn hiểu biết điều gì về Đức Chúa Trời, tôi muốn chính Đức Chúa Trời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời! Mỗi khi đến với Lời Chúa, tôi luôn ý thức rằng Lời ở cùng Đức Chúa Trời.

Nhưng Lời không chỉ ở cùng Đức Chúa Trời mà Lời còn là chính Đức Chúa Trời! Điều này có lạ không? Thật ra nó rất tuyệt vời. Tôi tin Đức Chúa Trời ban cho chúng ta câu này để cảnh báo chúng ta, vì hoàn toàn có khả năng là chúng ta đến với Lời nhưng Đức Chúa Trời lại không có ở đó. Ban đầu đã có Ngôi Lời. Như vậy đã đủ chưa? Vẫn chưa! Anh em phải đi tiếp. Lời Chúa phải là Đức Chúa Trời. Lời Chúa là gì đối với anh em? Anh em có thể đọc Lời Chúa mỗi ngày, nhưng Lời Chúa có phải là Đức Chúa Trời hằng sống đối với anh em không? Hay anh em chỉ muốn có sự dạy dỗ và kiến thức về Chúa mà thôi? Anh em có thật lòng chỉ muốn Đức Chúa Trời hằng sống không? Lời Chúa đối với anh em phải là chính Đức Chúa Trời hằng sống. Nghĩa là anh em phải đi xuyên qua Lời để chạm đến Đức Chúa Trời hằng sống. Chỉ có khi đó, Lời mới có quyền năng và là sự sống cho anh em.

Trong câu 3 Giăng nói: “Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài“. Ngôi Lời thật là đầy quyền năng! Mọi vật đều được tạo ra bởi Ngài, bởi Lời Chúa. Lời của Ngài đã làm mọi vật trở nên hiện hữu, vì Lời là chính Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa của mọi vật! Tuy nhiên, chúng ta thiếu thốn rất nhiều đặc tính thuộc linh. Ví dụ, hiểu biết của anh em về tình yêu, về sự nhẫn nại, hay sự nên thánh không mang lại cho anh em hiện thực về những đặc tính này. Làm thế nào mà chúng ta nhận được nó? Chỉ khi anh em tự mình chạm được Đức Chúa Trời trong Lời Chúa thì những đặc tính này mới trở thành hiện thực trong anh em. Sự sống trong Lời Chúa làm nên hiện thực, gọi hiện thực trở nên hiện hữu.

Lời của sự sống ban cho ánh sáng

Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người. Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề thắng được sự sáng” (câu 4-5). Có thật nhiều tối tăm bên trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Nếu không có ánh sáng [3], anh em chẳng thắng được bóng tối. Hiểu biết không thể thắng bóng tối, không có quyền năng đối với bóng tối. Chỉ có ánh sáng mới đẩy lùi được bóng tối. Anh em đừng bị nhầm lẫn về điều này! Anh em phải nói với Chúa bằng cả tấm lòng: “Lạy Chúa, con cần sự sống của Ngài, ngoài ra con không cần gì cả”.

Tôn giáo (Cơ Đốc giáo) ngày nay đang ở trong hiểm họa giống như Do Thái giáo thời Chúa Giê-su vậy. Họ đã từng dạy Kinh Thánh, thậm chí họ là những chuyên gia Kinh Thánh, nhưng họ lại thiếu sự sống đích thật. Sự sống này là chính Đức Chúa Trời – sự sống mà cũng đồng thời là ánh sáng.

Trong 1.Giăng 1:1 chúng ta đọc: “Điều có từ trước hết, là điều chúng tôi đã nghe, điều mắt chúng tôi đã thấy, điều chúng tôi đã ngắm và tay chúng tôi đã chạm, về Lời sự sống [4]“. Khi Chúa xuống thế gian, nhiều người đã thấy Ngài, đã nghe Ngài, nhưng họ lại bỏ qua sự sống vĩnh hằng. Họ đã chạm được bề ngoài của người này, nhưng họ không nhận ra được chính người này là sự sống của Đức Chúa Trời. Chỉ một số ít nhận ra được vua của sự sống; Giăng là một trong đó. Ông nói: “vì sự sống đã bày tỏ ra, chúng tôi có thấy, và đang làm chứng cho, chúng tôi rao truyền cho anh em sự sống đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Cha và đã bày tỏ ra cho chúng tôi rồi” (1.Giăng 1:2). Trong Phúc Âm của mình, Giăng nói rằng, Lời đã trở nên xác thịt và sống giữa họ trong Chúa Cứu Thế Giê-su. Nghĩa là, Chúa Giê-su chính là sự sống của Đức Chúa Trời và các môn đệ đã thực sự kinh nghiệm sự sống ấy. Họ đã nhận ra được con người này chính là Đức Chúa Trời hằng sống. Mỗi lần Ngài làm hay nói điều gì đó, quyền năng đã phát ra từ Ngài. Sự sống của Đức Chúa Trời đã được biểu lộ một cách hoàn toàn. Các môn đệ đã thấy được sự thánh thiện, sự công chính, quyền năng thiên thượng và sự vinh hiển của Ngài. Mọi điều liên quan đến sự sống đã được biểu lộ trong con người của Chúa Cứu Thế Giê-su. Tôi tin nhiều người trong chúng ta không thể nào tưởng tượng được rằng Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta, chính là sự sống. Tuy nhiên các môn đệ đã thấy tất cả mọi điều mà Chúa Giê-su biểu lộ là sự sống.

Anh em phải thật sự nhận ra được điều mà Kinh Thánh muốn ban cho mình. Lời Chúa ban cho anh em điều gì khi anh em đọc trong lúc tĩnh nguyện buổi sáng? Lời Chúa có soi sáng anh em không? Lời Chúa có làm anh em mạnh mẽ không? Lời Chúa có tác động đến anh em và làm anh em mạnh mẽ cả ngày không? Xin đừng đọc Kinh Thánh chỉ như một thói quen: Anh em đọc Kinh Thánh xong, đóng lại, nói “Amen” và đó là tất cả. Xin đừng quên rằng: Anh em phải chạm đến Chúa trong lúc đọc!

Chúa Giê-su là bánh của sự sống

Trong Giăng 6, Chúa phán về bánh từ trời xuống: “Bởi vì bánh Đức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian. Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin ban bánh đó cho chúng tôi luôn luôn! Đức Chúa Giê-su phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng Ta chẳng hề đói, và ai tin Ta chẳng hề khát” (câu 33-35). Sự sống này không tách rời khỏi Chúa. Ngài chính là bánh của sự sống mà chúng ta phải ăn mỗi ngày. Chúng ta khó có thể giải thích được điều này. Thật ra không ai có thể giải thích được; chính anh em phải “thấy”. Khi anh em nhận ra rằng, Chúa cũng như Lời Đức Chúa Trời là bánh của sự sống thì anh em cũng sẽ đến với Lời với thái độ đúng đắn. Anh em phải có sự đói khát và phải sử dụng tâm linh và đức tin để chạm đến Lời hằng sống. Đừng sử dụng cái đầu của mình để học Lời Chúa như những người dạy Kinh Thánh. Tôi biết tất cả chúng ta đều rất thích học. Vì thế, người ta cũng thích gọi một số buổi nhóm là “học Kinh Thánh”. Ai cũng thích đến buổi học Kinh Thánh. Một số nơi lại gọi là “học sự sống”. Dù anh em có gọi nó là gì đi nữa, thì nó chỉ liên quan đến sự học thôi. Mọi người đều thích học Kinh Thánh, nhưng còn việc ăn Lời Chúa thì sao? Khi anh em nói với người ta là anh em có buổi học Kinh Thánh thì ai cũng thích đến. Nhưng nếu anh em bảo họ là anh em ăn Lời Chúa trong buổi nhóm, thì họ không hiểu được anh em ám chỉ gì. Có lẽ, người ta không thích đến dự một buổi nhóm mà trong đó ai cũng ăn Lời Chúa. Trong trường hợp họ hỏi anh em ám chỉ điều gì với việc ăn Lời Chúa, anh em có một cơ hội tốt để chia sẻ với họ về Giăng 6 – Chúa là bánh của sự sống và chúng ta thưởng thức Chúa Giê-su như là thức ăn của chúng ta.

Chúa Giê-su phán rằng: Ta là bánh của sự sống“. Mỗi khi anh em đến với Lời Chúa, anh em phải thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, con muốn ăn bánh từ trời xuống”. Anh em cần phải có thói quen ăn Chúa trong Lời để có sự khát khao sự sống. Như vậy anh em sẽ có được mối quan hệ sống với Chúa, và Ngài sẽ nói với anh em, Thánh Linh của Ngài sẽ ban cho anh em quyền năng và sức mạnh, và anh em sẽ nhận ra rằng Lời Ngài hiệu nghiệm, nuôi dưỡng anh em và ban cho anh em sự sống vĩnh hằng.

Nếu không làm như vậy thì chúng ta chỉ dùng lý trí để đọc Lời Chúa theo cách tự nhiên để mở rộng hiểu biết thôi. Khi đọc Kinh Thánh, anh em rất muốn biết điều này, điều kia có nghĩa là gì, phải diễn dịch như thế nào, trong bản gốc tiếng Hy Lạp nói sao, và người khác nghĩ như thế nào. Nhưng mọi điều trên không ban cho anh em sự sống được. Một số người nói là nếu anh em không hiểu Kinh Thánh thì tại sao anh em phải đọc nó? Dĩ nhiên là có một số điều anh em hiểu và cũng có một số điều không hiểu. Nhưng tôi e rằng anh em không nhận được sự sống. Thật đơn giản để có hiểu biết, nhưng để có sự sống thì chính anh em phải đến với Chúa. Anh em phải ăn Ngài, phải giải thoát chính mình ra khỏi những văn tự trống rỗng, và phải vượt qua Lời đến với Chúa để chạm lấy Ngài. Tất cả những điều này chỉ tùy thuộc vào việc anh em muốn làm hay không. Điều này có thể kỳ lạ đối với chúng ta, nhưng nếu ăn Lời Chúa theo cách trên, chúng ta sẽ nhận được hiểu biết chân thật bởi ánh sáng và khải thị của Ngài.

Anh em đang tìm kiếm một phương pháp để đọc Kinh Thánh? Tôi chỉ có thể bảo anh em điều này: Chính xác là anh em muốn điều gì? Anh em có muốn chạm đến chính Đức Chúa Trời trong Lời Chúa không? Nếu thế thì Ngài sẽ đến với anh em và soi sáng anh em, vì Ngài chính là Đức Chúa Trời hằng sống. Thật lạ khi Kinh Thánh không chỉ cho chúng ta một cách thức nào cả. Nó chỉ tùy thuộc vào chuyện anh em đến với Lời Chúa như thế nào. Chính anh em phải đến với Chúa để nhận sự sống, phải thưa với Ngài rằng anh em không muốn điều gì khác ngoài việc chạm đến chính Ngài và nhận lãnh sự sống. Hãy cầu xin Chúa soi sáng và ban thức ăn cho anh em. Hãy nghĩ đến Lời của Chúa trong Ma-thi-ơ 7:7-8: “Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Bởi vì, hễ ai xin thì được; ai tìm thì gặp; ai gõ cửa thì được mở“.

Sống bởi mọi Lời của Đức Chúa Trời

Ma-thi-ơ 4 có mối liên hệ với Giăng 6, chỗ mà Chúa trích dẫn trong chương 8 sách Phục Truyền Luật Lệ Ký và nói về Ma-na: “Đức Chúa Giê-su đáp: Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). “Vậy, Ngài có hạ ngươi xuống, làm cho ngươi bị đói, đoạn cho ăn ma-na mà ngươi và tổ phụ ngươi chưa hề biết, để khiến ngươi biết rằng loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Chúa mà ra” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 8:3).

Trong đời sống hằng ngày và trong nếp sống Hội Thánh, anh em có sống bởi Lời Chúa không? Anh em có thể sống thiếu tiếng phán của Ngài không? Mỗi ngày Ngài có nói với anh em không? Lời Chúa cũng giống như ba buổi ăn hằng ngày mà nhờ đó mà anh em sống. Nếu không ăn, anh em sẽ có nhiều khó khăn khi làm việc. Còn đối với lĩnh vực tâm linh thì sao? Anh em có sống bởi Lời phán của Chúa không? Hay anh em có thể sống được khi thiếu Lời Ngài? Anh em phải ăn Lời Chúa trong đời sống hằng ngày của anh em. Hãy thưa với Ngài: “Chúa ơi, Chúa phải nói với con. Khi con đến với Lời Chúa, con muốn nghe tiếng Chúa, chạm đến Chúa và tiếp nhận Lời Ngài như là thức ăn của con!” Điều này hoàn toàn phù hợp với điều mà tiên tri Giê-rê-mi đã nói: “Tôi vừa nghe những Lời Ngài, thì đã ăn lấy rồi; Lời Ngài là sự vui mừng hớn hở của lòng tôi vậy. Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời vạn quân, vì tôi được xưng bằng danh Ngài” (Giê-rê-mi 15:16).

Chúa đã phán trong Giăng 6:63: “Ấy là Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những Lời Ta phán cùng các ngươi đều là Thánh Linh và sự sống“. Các anh em thanh thiếu niên hãy tập thói quen đến với Lời Đức Chúa Trời hằng sống vào buổi sáng và buổi tối; vì nếu không, anh em không thể sống bởi sự sống của Ngài được. Nếu thiếu Lời hằng sống của Ngài, không ai có thể sống bởi Ngài và đi bởi Thánh Linh được. Dù anh em có là Cơ Đốc nhân đã 30 năm và ở trong Hội Thánh đi nữa nhưng chưa học cách để sống bởi Lời Chúa thì anh em vẫn không có sự sống. Anh em có thể là Cơ Đốc nhân lâu năm, nhưng anh em vẫn sống bởi sức của riêng mình. Khi Chúa Giê-su sống trên đất, Ngài đã sống bởi mỗi Lời của Đức Chúa Trời. Không có đường tắt và cũng không có đường nào tốt hơn là sống bởi Lời Chúa. Kinh Thánh là quyển sách của sự sống.

Lời Chúa là thức ăn của chúng ta

Trong 1.Cô-rinh-tô 3, Phao-lô nói: “Tôi lấy sữa nuôi anh em, chớ chẳng lấy đồ ăn cứng, vì anh em không chịu nổi; đến bây giờ cũng chưa chịu được, vì anh em hãy còn thuộc về xác thịt” (câu 2). Đối với Phao-lô, Lời Chúa là thức ăn chân thật. Thật ngạc nhiên khi Phao-lô không đưa cho chúng ta bài giảng nào ở đây cả. Những gì ông chia sẻ với Hội Thánh tại Cô-rinh-tô là thức ăn thuộc linh – ông cho họ thức ăn. Lời mà Phao-lô nói với họ là hiện thực của chính ông. Nếu không thì làm sao Phao-lô có thể nói những lời như vậy được? Lời Chúa tác động trong ông và là sự sống cho ông. Điều mà ông chia sẻ với Hội Thánh là một điều gì đó sống động và hữu cơ. Ông không giảng thần học cho Hội Thánh mà ông phân phát thức ăn. Còn đối với người nghe thì sao? Đối với họ thì Lời Chúa là gì? Lời Chúa là lương thực của họ, một cái gì đó sống động và có quyền năng. 1.Phi-e-rơ 2:2-3 nói: “hãy ham thích sữa thuộc linh tinh khiết của Lời Chúa, như trẻ con mới sanh vậy, hầu cho anh em nhờ đó có thể trưởng thành trong sự cứu rỗi, nếu anh em đã nếm biết Chúa là ngọt ngào“. Tôi đã thưởng thức điều Phi-e-rơ nói ở đây: “sữa thuộc linh tinh khiết của Lời Chúa“. Đối với các sứ đồ, Lời Chúa thật sự là một điều gì đó rất sống động. Mọi anh em thanh thiếu niên cần phải có khao khát này! Phi-e-rơ nói về việc nếm mùi vị. Chúng ta cần phải nếm mùi vị Lời của sự sống. Nếu anh em không có sự sống thì anh em còn có thứ gì nữa? Hãy suy gẫm điều này: Khi anh em đến với Lời Chúa thì anh em phải đến với Chúa để nếm sự sống. Đừng quan tâm đến hiểu biết, điều mà anh em sẽ nhận được sau đó. Anh em phải chọn sự sống trước tiên vì sự sống sẽ ban cho anh em ánh sáng, và sau đó hiểu biết của anh em sẽ đến từ sự sống. Đừng nói: “Ô, tôi muốn hiểu điều này điều nọ!” Chính Đức Thánh Linh sẽ dạy dỗ anh em. Sự xức dầu sẽ dạy dỗ anh em, và sự dạy dỗ này là chân thật và lành mạnh, sẽ không làm anh em bị lầm lạc. Đó chính là sữa tinh khiết của Lời Chúa mà anh em có thể tin cậy được.

Phao-lô nói trong 2.Ti-mô-thê 3:16: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời hà hơi (thần cảm), có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình“. Kinh Thánh được Chúa hà hơi, có nghĩa Kinh Thánh là hơi thở của Đức Chúa Trời. Khi anh em đọc Lời Chúa, anh em phải hít vào Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Hơi thở của Chúa không có gì khác hơn là Thánh Linh. Hãy nhớ rằng sau khi phục sinh, Chúa đã thổi hơi vào các môn đệ của mình (Giăng 20:22) và nói rằng: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh“. Đó chính là hơi thở của Đức Chúa Trời. Nếu anh em đến với Lời Chúa mà bỏ sót hơi thở của Đức Chúa Trời, anh em đã bỏ sót điều cốt yếu. Khi anh em đến với Lời Chúa, hãy nói với Chúa: “Lạy Chúa, con muốn hít vào Thánh Linh của Ngài!” Anh em nhận được gì từ Lời Chúa nếu anh em không chịu hít vào hơi thở của Đức Chúa Trời? Tuy Lời Chúa có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị nhưng nếu thiếu hơi thở thì Lời không còn sống động. Hãy nói với Chúa: “Lạy Chúa, xin thổi hơi vào trong con! Ngày qua ngày, con cần hơi thở của Chúa!” Như vậy thì Lời Chúa mới trở nên sống động đối với anh em.

Trong Cô-lô-se 3:16 chúng ta thấy: “Nguyền xin Lời của Đấng Christ ở đầy trong lòng anh em, và anh em dư dật mọi sự khôn ngoan. Hãy dùng những ca vịnh, thơ thánh, bài hát thuộc linh mà dạy và khuyên nhau, vì được đầy ơn Ngài nên hãy hết lòng hát khen Đức Chúa Trời“. Và Thi Thiên 119 nói rằng: “Tôi đã giấu Lời Chúa trong lòng tôi, để tôi không phạm tội cùng Chúa” (câu 11). Xin hãy lưu ý rằng Lời Chúa không phải là hiểu biết mà là sự sống gìn giữ anh em. Lời Chúa phải ở đầy trong tâm linh và trong trái tim anh em.

Ăn Lời Chúa bằng sự cầu nguyện

Phao-lô nói tiếp rằng: “Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là Lời Đức Chúa Trời. Hãy nhờ Đức Thánh Linh, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ” (Ê-phê-sô 6:17-18). Cách tốt nhất để đọc Lời Chúa là đọc trong sự cầu nguyện (cầu nguyện với Lời Chúa). Hãy học ít lại, nhưng cầu nguyện nhiều hơn! Một mặt anh em đọc, mặt khác anh em cầu nguyện. Cầu nguyện và đọc cùng lúc. Đọc cầu nguyện không chỉ có nghĩa là anh em nói “Amen” đối với Lời Chúa. Cầu nguyện ở đây có nghĩa là anh em mở lòng mình ra cho Chúa. Anh em nói với Chúa trong lúc đọc. Ví dụ, Phao-lô nói ở trong mấy câu trước: “Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài” (Ê-phê-sô 6:10). Khi đọc “phải làm mạnh dạn trong Chúa”, có lẽ anh em nghĩ: “Làm sao tôi có thể làm được điều này, tôi rất yếu đuối!” Thay vào đó anh em có thể cầu nguyện với Chúa một cách đơn sơ: “Phải làm mạnh dạn trong Chúa – Amen. Lạy Chúa, con tin Lời của Ngài! Hãy làm con mạnh dạn, con muốn kinh nghiệm câu này! Con muốn trở nên mạnh dạn trong Chúa!” Như thế, Thánh Linh sẽ vận hành trong anh em và anh em sẽ kinh nghiệm được quyền năng. Hay “Hãy mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời – Amen. Lạy Chúa, con muốn mang lấy mọi khí giới của Đức Chúa Trời!” Anh em không cần phải cầu nguyện phức tạp. Khi đọc Lời Chúa với một tâm linh đang cầu nguyện thì anh em sẽ có một sự khác biệt lớn. Đừng coi thường sự cầu nguyện như vậy!

Hê-bơ-rơ 4:2 nói: “Vì tin mừng này đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin trộn lẫn với lời đó“. Làm thế nào anh em trộn lẫn Lời với đức tin được? Chính bằng sự cầu nguyện! Đây là một cách rất hiệu quả. Khi anh em cầu nguyện, anh em luyện tập tâm linh của đức tin mình. Như vậy, anh em trộn lẫn Lời Chúa với đức tin và Lời Chúa trở nên sống động với anh em.

Sau cùng tôi muốn nhắc đến 2.Phi-e-rơ 1: “Trên hết mọi sự, anh em phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh được giải nghĩa theo ý riêng của một người được” (câu 20). Hãy thận trọng với việc giải nghĩa Kinh Thánh của chính anh em. Tôi không nói là chúng ta không cần bất cứ sự giải nghĩa Kinh Thánh nào, nhưng khi đọc Lời Chúa, chúng ta không nên chỉ hiểu Kinh Thánh theo một cách nào đó. Anh em phải cầu nguyện. Anh em phải tôn trọng Lời của Đức Chúa Trời. Anh em phải kính sợ Đức Chúa Trời, như thế anh em mới không giải nghĩa Lời Chúa một cách bất cẩn. Hãy cầu xin Chúa soi sáng, dạy dỗ anh em. “Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi một người nào mà ra, nhưng ấy là Ngài Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (câu 21). Ngay cả sự hiểu biết của chúng ta về Lời Chúa cũng đến bởi Thánh Linh. Tất cả những người nói Lời Chúa đều nói bởi Thánh Linh. Như thế, người đọc Lời Chúa cũng phải đọc bằng Thánh Linh. Đây là một nguyên lý rất, rất quan trọng. Nếu anh em không chạm đến Thánh Linh, thì cuối cùng chỉ có những sự dạy dỗ kỳ quặc, chủ quan. Mỗi người có sự dạy dỗ của riêng mình và điều này sẽ gây ra nhiều rối loạn, nhiều nan đề trong Hội Thánh.

Chúng ta hãy đọc lời cảnh báo trong 1.Ti-mô-thê 6: “Nếu có người dạy dỗ những điều khác, không theo lời có ích của Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta và giáo huấn của sự tin kính, thì người đó đã lên mặt tự kiêu, không biết chi hết; nhưng có bệnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa” (câu 3-4). Phao-lô nói đến lời có ích (khỏe mạnh) của Đức Chúa Trời. Lời Chúa làm cho chúng ta khỏe mạnh về tâm linh và ban cho chúng ta sự sống, trong khi hiểu biết và sự dạy dỗ của con người chỉ tạo nên sự cãi lẫy, tranh cãi và làm cho anh em nghịch với Chúa. Nhưng mỗi lời tràn đầy sự sống sẽ làm anh em trở nên giống Đức Chúa Trời. Điều này rất quan trọng đối với nếp sống Hội Thánh. Nguyện xin Chúa giúp đỡ chúng ta có một thái độ đúng đắn với Lời của Ngài và quan trọng hơn cả là anh em thanh thiếu niên của chúng ta biết đến với Lời Chúa quý báu này mỗi ngày.

Cây Sự Sống

Như chúng ta đã thấy, Cây Sự Sống của Đức Chúa Trời là con đường duy nhất để thực hiện chương trình của Ngài. Không có sự sống của Ngài, chúng ta không thể làm gì được và nếu không có sự sống vĩnh hằng của Ngài trong chúng ta, Đức Chúa Trời cũng không thể thực hiện chương trình Ngài với chúng ta. Thật khó khăn để giải thích được rằng, chỉ sự hiểu biết trống rỗng về Kinh Thánh thì không có tác dụng gì. Chúng ta phải nhận biết rằng, sự sống đời đời, trường tồn của Đức Chúa Trời quan trọng hơn hiểu biết.

Trước tiên chúng ta hãy tự hỏi, tại sao luật pháp thời Cựu Ước đã không thành công (không tạo nên được sự sống) với dân Đức Chúa Trời vậy? Mỗi người trong số họ đã biết luật pháp rất tốt – họ từng là những thầy dạy luật pháp và họ cũng yêu luật pháp nữa. Họ thậm chí thuộc lòng và dạy luật pháp, nhưng luật pháp lại không có tác dụng. Tại sao không? Trong Ga-la-ti 3:21, Phao-lô cho chúng ta câu trả lời: “vì nếu đã ban cho một luật pháp có thể làm cho sống, thì sự công bình chắc bởi luật pháp mà đến“. Vấn đề là không phải luật pháp không tốt hay không thánh khiết, mà là nó không thể ban cho sự sống. Cũng không phải dân Chúa không hiểu luật pháp – đơn giản nó không có sự sống! Khi giao ước mới xuất hiện, thì không còn liên hệ đến luật pháp nữa mà là liên hệ đến Thánh Linh, Đấng làm cho sống. Sự sống thật quan trọng! Chỉ sự sống mới có tác dụng! Ngay khi nói theo cách con người, những gì tôi sở hữu và học được chẳng thể giúp gì tôi nếu tôi không có sự sống. Khi một người chết đi thì tất cả những gì anh ta đạt được đều trở nên vô giá trị đối với anh ta. Do đó sự sống quan trọng nhất. Nói theo cách thuộc linh thì sự sống của Đức Chúa Trời là điều tối quan trọng nhất.

Ban đầu, Đức Chúa Trời đã đặt Cây Sự Sống vào giữa vườn. Điều đó cho thấy rằng, cây này quan trọng nhất. Nhưng, Đức Chúa Trời không ép buộc A-đam phải ăn trái của nó. Đức Chúa Trời muốn A-đam tự mình chọn lấy. Ngày nay anh em cũng phải tự chọn nó. Anh em muốn điều gì khi anh em đọc Lời Chúa? Giáo lý và kiến thức? Hay là anh em muốn có sự sống? Đức Chúa Trời không có ép anh em. Chúa đã phán: “Ấy là Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những Lời Ta phán cùng các ngươi đều là Thánh Linh và sự sống” (Giăng 6:63). Không có Thánh Linh thì không có sự sống. Nhưng tiếc rằng, sau khi sa ngã, loài người lại trở nên rất quen thuộc với hiểu biết. Đúng là trong thế giới này, anh em cũng cần kiến thức. Nhưng trong thế giới tâm linh, Đức Chúa Trời muốn ban sự sống cho chúng ta. Sự sống phải nằm ở vị trí đầu tiên, chứ không phải hiểu biết. Nếu anh em chọn hiểu biết, kết quả sẽ là sự chết. Nếu anh em chọn sự sống, tôi không lo anh em không có hiểu biết. Anh em sẽ nhận được hiểu biết thêm vào đó.

Đừng tích lũy hiểu biết, nhưng hãy chạm đến sự sống

Để có hiểu biết thì thật đơn giản, nhưng tôi tự hỏi, anh em có nhận được sự sống khi anh em đọc Kinh Thánh không. Nếu là không thì lý do nằm ở chỗ, anh em không có sự đói khát Đấng Cứu Thế. Anh em phải nhận biết rằng một phần trong chúng ta đã bị sa ngã. Tâm hồn, bản ngã và ý tưởng của chúng ta đã bị sa ngã. Và chúng ta có xác thịt nữa! Bị rơi vào xác thịt và chỉ ham muốn kiến thức thì thật dễ dàng đối với chúng ta. Tôi muốn nhắc nhở anh em trong Giăng 5:39, chỗ mà Chúa phán với người Pha-ri-si và thầy dạy Kinh Thánh: “Các ngươi nghiên cứu Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về Ta vậy“. Ai cũng thích nghiên cứu Kinh Thánh. Tôi tin ở đây không có một người không thích nghiên cứu Kinh Thánh. Nếu tôi hỏi anh em làm gì trong nhóm thanh niên, anh em sẽ trả lời rằng, anh em nghiên cứu Kinh Thánh. Có lẽ anh em sẽ không nói với tôi rằng anh em ăn Lời Chúa ở đó. Nếu tôi hỏi anh em về buổi nhóm ngày Chúa Nhật, anh em sẽ nói rằng ở đó có nghe giảng. Anh em sẽ không nói rằng anh em ăn Chúa Cứu Thế trong buổi nhóm. Tôi tin rằng không ai trong số anh em nói với người quen của mình là anh em ăn Chúa Cứu Thế trong buổi nhóm. Điều này có thể không theo trí tưởng tượng của anh em.

Vậy, anh em có ăn Chúa Cứu Thế trong giờ tĩnh nguyện buổi sáng không? Anh em có dự phần vào Cây Sự Sống không? Anh em có khao khát nó không? Điều này rất quan trọng. “Các ngươi nghiên cứu Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời“. Nhiều người trong chúng ta nghĩ và tưởng rằng sự sống tự động đến khi chúng ta nghiên cứu Kinh Thánh. Chúa phán: “… nhưng các ngươi không muốn đến cùng Ta để được sự sống” (câu 40). Điều đó có nghĩa là, anh em nghiên cứu Kinh Thánh, anh em học thuộc lòng Kinh Thánh nhưng không nhận được sự sống. Anh em phải đi đến Chúa. Sự sống đến từ Chúa Cứu Thế hằng sống. Nếu anh em muốn sự sống, anh em phải đến với Ngài. Không có con đường nào khác. Anh em cũng thích hiểu thật nhiều câu Kinh Thánh, và rõ ràng điều đó không cho anh em sự sống, anh em phải đến với Ngài. Tôi không nói điều này mà là Chúa nói: “các người không muốn đến cùng Ta”.

Chắc chắn các thầy thông giáo hiểu Kinh Thánh. Họ biết sách Mi-chê chương 5 và đã biết rằng Chúa sẽ được sinh tại Bết-lê-hem. Nhưng họ đã không đi đến đó. Ngược lại, những vị vua từ phương Đông không biết Kinh Thánh tốt lắm, nhưng họ đã đến đó. Dĩ nhiên anh em có thể nói rằng biết điều đó và cũng đi đến đó – cả hai đều tốt. Tôi đồng ý. Nhưng nếu anh em chỉ biết mà không đi, anh em sẽ không có sự sống.

Ăn Chúa Cứu Thế, Đấng là sự sống

Trong Giăng 6:35, Chúa phán một lời rất quan trọng: “Ta là bánh của sự sống“. Ma-na được nói đến trong câu 31 không phải là bánh thật, bởi vì Chúa đã nói: “các ngươi tìm Ta chẳng phải vì đã thấy mấy phép lạ, nhưng vì các ngươi đã ăn bánh và được no” (câu 26). Điều này không lạ thường sao? Chúa đã cho hàng ngàn người ăn để cho thấy rằng Ngài là bánh thật. “Hãy làm việc, chớ vì đồ ăn hay hư nát, nhưng vì đồ ăn còn lại đến sự sống đời đời, là thứ Con người sẽ ban cho các ngươi; vì ấy là Con, mà Cha, tức là chính Ðức Chúa Trời, đã ghi ấn tín của mình” (câu 27). Ở đây, Chúa dùng từ “đồ ăn” – thức ăn thuộc linh – điều này đã mang chúng ta trở lại với Cây Sự Sống trong sách Sáng Thế Ký chương 2. Điều này có nghĩa, chúng ta phải tiếp nhận Chúa trong lời Ngài như là thức ăn vậy. Anh em phải học ăn theo cách thuộc linh. Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng nó thật tuyệt diệu.

Không đáng ngạc nhiên sao, khi trong số những cây trong vườn Ê-đen, chỉ có một cây duy nhất, khác với mọi cây còn lại, chính là Cây Sự Sống? Tại sao chỉ có một? Qua cây này, Chúa muốn chỉ cho chúng ta thấy một điều quan trọng: Chính Ngài là thức ăn thật của chúng ta. Hôm nay, tất cả anh em đã ăn tối rồi. Anh em đã thưởng thức đồ ăn hay anh em đã phân tích thức ăn? Dĩ nhiên là không phân tích thức ăn! Vậy tại sao anh em lại phân tích Lời Đức Chúa Trời mà không mở lòng anh em ra cho Chúa và thưa: “Lạy Chúa, con đến với Chúa. Con cần thức ăn thuộc linh. Xin Ngài trở thành sự sống của con. Con cần được làm vững mạnh trong tâm linh. Con cần quyền năng của sự phục sinh để sống bởi Ngài và để được biến đổi. Lạy Chúa, xin đổ đầy con!”

Hiểu biết không thể thay đổi chúng ta. Sự hiểu biết thuần khiết của Lời Đức Chúa không ban cho anh em quyền năng của sự sống được. Chỉ có hiện thực của Chúa Cứu Thế mới là sự sống. Chỉ có Thánh Linh của sự sống mới có thể làm anh em mạnh mẽ và đổ đầy anh em. Phao-lô đã nói về sự vĩ đại vô hạn của quyền phép Chúa Cứu Thế đã phục sinh. Quyền năng này đến từ đâu? Nó không đến từ sự nghiên cứu Kinh Thánh mà đến từ Chúa Cứu Thế hằng sống. Do đó Chúa đã dùng Cây Sự Sống trong vườn Ê-đen để chỉ cho chúng ta biết rằng chúng ta phải ăn Chúa Cứu Thế giống như chúng ta ăn thức ăn vật chất vậy. Anh em phải học cách tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào trong mình và tiêu hóa Ngài.

Tại sao mỗi Chúa Nhật chúng ta có bánh trên bàn của Chúa? Bánh nhắc nhở cho anh em biết Chúa Cứu Thế của chúng ta có thể ăn được. Anh em phải ăn Chúa Cứu Thế mỗi ngày và phải đói khát Ngài. Thật là tệ hại khi một Cơ Đốc Nhân không thèm ăn Chúa Cứu Thế! “Lạy Chúa, con muốn Ngài đầy dẫy trong con! Con muốn nghe Ngài, cảm nhận Ngài và kinh nghiệm quyền năng Ngài trong tâm linh con!” Đó là đời sống bình thường của Cơ Đốc nhân.

Tất cả các anh em thanh thiếu niên đều ăn thật nhiều. Nhưng sự thèm ăn của anh em đối với Chúa Cứu Thế thì sao? “Chúng thưa rằng: Chúng tôi phải làm gì để được làm công việc Ðức Chúa Trời?” (câu 28). Chúa nói về chuyện ăn, nhưng họ hỏi Ngài: “Chúng tôi phải làm gì?” Tôi tưởng rằng họ phải hỏi: Chúng tôi phải ăn gì? Ai cũng muốn làm việc, nhưng Chúa muốn chúng ta ăn Ngài. “Tổ phụ chúng ta đã ăn ma-na trong đồng vắng, theo như lời chép rằng: Ngài đã ban cho họ ăn bánh từ trên trời xuống” (câu 31). Điều này nói lên: không phải hiểu biết mà là bánh chân thật từ trên trời xuống mới làm chúng ta thỏa lòng; chúng ta phải ăn bánh đó!

Bánh hằng sống từ trời xuống

Ðức Chúa Giê-su đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, Môi-se chưa hề cho các ngươi bánh từ trên trời đâu; nhưng Cha Ta ban cho các ngươi bánh thật, là bánh từ trên trời xuống. Bởi vì bánh Ðức Chúa Trời là bánh từ trên trời giáng xuống, ban sự sống cho thế gian. Chúng thưa rằng: Lạy Chúa, xin ban bánh đó cho chúng tôi luôn luôn! Ðức Chúa Giê-su phán rằng: Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng Ta chẳng hề đói, và ai tin Ta chẳng hề khát” (Giăng 6:32-35). Điều này thật tuyệt diệu! Hãy học ăn Chúa Giê-su! Hãy học ăn lấy nhân tánh Ngài. Ngài là ma-na thiên thượng. Ngài là bánh không men. Ngài là bánh của sự sống!

Ta là bánh hằng sống từ trên trời xuống; nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống đời đời; và bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian tức là thịt Ta. Bởi đó, các người Giu-đa cãi lẽ với nhau, mà rằng: Lẽ nào người nầy lấy thịt mình cho chúng ta ăn sao? Ðức Chúa Giê-su bèn phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu. Ai ăn thịt và uống huyết Ta thì được sự sống đời đời; nơi ngày sau rốt, Ta sẽ khiến người đó sống lại. Vì thịt Ta thật là đồ ăn, huyết Ta thật là đồ uống. Người nào ăn thịt Ta và uống huyết Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong người. Như Cha, là Ðấng hằng sống, đã sai Ta đến, và Ta sống bởi Cha; cũng một thể ấy, người nào ăn Ta, sẽ sống bởi Ta vậy. Ðây là bánh từ trên trời xuống. Bánh đó chẳng phải như ma-na mà tổ phụ các ngươi đã ăn, rồi cũng sẽ chết; kẻ nào ăn bánh nầy sẽ sống đời đời” (câu 51-58). Anh em phải thường xuyên ăn đoạn này! Hãy đếm xem, Chúa nói “ăn!” “ăn Ta!” “ăn thịt Ta!” bao nhiêu lần! Dường như Chúa muốn “nhồi nhét” vào trong ý thức của chúng ta.

Có nhiều môn đồ nghe Ngài, thì nói rằng: Lời nầy thật khó; ai nghe được? Nhưng Ðức Chúa Giê-su tự mình biết môn đồ lằm bằm về việc đó, bèn phán rằng: Ðiều đó làm cho các ngươi vấp phạm sao? Vậy, nếu các ngươi thấy Con người lên nơi Ngài vốn ở khi trước thì thể nào?” (câu 60-62). Tại sao Chúa lại nói điều này? Vì Chúa phải đi xuyên qua sự chết, phục sinh và lên trời để sau đó trở thành Thánh Linh vào trong chúng ta. Bởi vì chỉ khi là Thánh Linh, Ngài mới là thức ăn dành cho chúng ta được. Thánh Linh này chứa đựng nhân tánh của Chúa Giê-su, được đổ vào trong chúng ta. Ví dụ, nếu anh em muốn kinh nghiệm sự chết của Chúa Cứu Thế, anh em phải ở trong tâm linh. Tất cả mọi thứ về Chúa đều nằm trong tâm linh.

Ấy là Thánh Linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Lời Ta phán cùng các ngươi đều là Thánh Linh và sự sống” (câu 63). Thức ăn này chính là Thánh Linh, Đấng ban sự sống. Nếu anh em không chạm đến Thánh Linh, anh em không có sự sống. Đương nhiên là Chúa không ám chỉ rằng anh em phải đến với Ngài để ăn một miếng thịt Ngài. Thịt Ngài thì đủ cho bao nhiêu người? Khoảng 10.000 người tụ họp ở đó. Họ lấy làm ngạc nhiên: Làm sao mà người này có thể cho chúng ta thịt của mình để chúng ta ăn được? Do đó, Ngài phán rằng điều này không liên quan đến xác thịt. Xác thịt không có ích gì cả, mà là Thánh Linh ban sự sống. Sau khi Chúa đi xuyên qua tiến trình của sự chết, phục sinh và thăng thiên, Ngài đã trở thành Thánh Linh ban sự sống. Sự sống ở trong Thánh Linh. Cho nên, trong câu 63 Ngài nói rằng Lời Ngài phán với họ là Thánh Linh và sự sống. Như vậy anh em cần tâm linh để chạm sự sống. Anh em phải đến với Ngài. Nếu anh em không đói, không khao khát hay chỉ quan tâm đến ý nghĩa của Lời Chúa và chỉ muốn có kiến thức, anh em sẽ không nhận được sự sống.

Sử dụng tâm linh của chúng ta để ăn Chúa

Tôi hy vọng anh em phát triển được một ý thức mới mẻ đối với việc ăn. Trong anh em có một cái gì đó sâu xa hơn là tâm trí. Sâu thẳm trong bản thể anh em chính là tâm linh của anh em, và anh em phải học để sử dụng nó. Nếu anh em chỉ sử dụng lý trí để học Kinh Thánh, điều này sẽ không cho anh em sự sống, vì chỉ có Thánh Linh mới ban sự sống được.

Các anh em trẻ tuổi phải nhận biết rằng con người được dựng nên theo một cách thật tuyệt vời. Anh em có một thể xác và một tâm hồn, nhưng sâu tận bên trong bản thể anh em là tâm linh. Nếu anh em không biết làm thế nào để sử dụng tâm linh của mình và cũng không có khao khát gì về điều này, thì anh em chỉ dùng lý trí để đến với Lời Chúa và chỉ muốn biết sách này hay sách kia nói gì về Kinh Thánh. Nói về khoa học, chẳng hạn như sinh học hay ngành khác, thì dĩ nhiên anh em cần dùng lý trí của mình. Nhưng đối với sự sống thuộc linh, anh em phải học sử dụng tâm linh chứ không sử dụng lý trí.

Sau khi anh em ăn xong thì thức ăn đi về đâu? Có phải ở trong đầu không? Anh em đã ăn gì tối nay? Có phải món cá không? Anh em có nhét cá vào đầu mình không? Hay là cá thực sự đã vào trong dạ dày? Như vậy đừng quên: nếu anh em học về con cá, nó sẽ vào trong đầu anh em. Nhưng nếu anh em ăn, thì nó sẽ vào dạ dày. Đối với Kinh Thánh cũng vậy – nếu anh em học Kinh Thánh, Lời Chúa sẽ vào trong đầu anh em, nhưng nếu anh em ăn Lời Chúa, thì sẽ vào trong tâm linh của anh em và anh em nhận lãnh được sự sống.

Tôi biết một vài người ở Châu Âu học thần học vì họ tin Chúa. Nhưng sau vài năm học xong, họ không còn tin nữa. Tại sao? Vì họ đã học quá nhiều! Họ đã được huấn luyện để ngờ vực và nghi vấn điều này điều kia có nghĩa gì. Kết quả là gì? Chúa phán, ai ăn trái của Cây Hiểu Biết chắc chắn sẽ chết! Tuy nhiên, nếu anh em ăn thức ăn thuộc linh, nó sẽ đi vào trong tâm linh của anh em, nuôi dưỡng và làm anh em trở nên vững mạnh. Đó chính là con đường để nhận được sự sống.

Lời Chúa nói tiếp rằng: “Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa. Ðức Chúa Giê-su phán cùng mười hai sứ đồ rằng: Còn các ngươi cũng muốn lui chăng?” (câu 66-67). Với những lời khác, Chúa đã phán cùng họ: “Tại sao các ngươi còn ở đây? Những người khác đã đi mất rồi”. Tại sao Chúa lại hỏi họ? Vì Chúa muốn nghe những lời này từ nơi Phi-e-rơ: “Lạy Chúa, chúng tôi đi theo ai? Chúa có những lời của sự sống đời đời” (câu 68).

Giăng chương 3 nói về sự tái sinh. Sự tái sinh là việc thuộc về sự sống. Nếu anh em chỉ được tái sinh nhưng không nuôi dưỡng sự sống trong mình, thì làm thế nào mà sự sống thuộc linh của anh em có thể tăng trưởng được? Điều này lại mang anh em trở về với Cây Sự Sống trong Sáng Thế Ký chương 2. Nhiều chỗ khác trong Kinh Thánh cũng nói rằng chúng ta phải ăn Chúa.

Chúa Cứu Thế, lễ Vượt Qua của chúng ta, lễ bánh không men và hiện thực của mọi lễ vật

Anh em có nhớ những gì mà con cái Y-sơ-ra-ên đã làm ngay trước khi họ rời khỏi Ai Cập không? Trong Ai Cập không có ma-na, nhưng họ có chiên con của lễ Vượt Qua. Họ không chỉ giết con chiên thôi mà còn ăn nó nữa. Từ 1.Cô-rinh-tô 5:7-8 chúng ta biết Chúa Giê-su là chiên con đã bị giết, nhưng chúng ta có ăn Chúa không? Tất cả chúng ta đều biết rằng Chúa đã chết cho chúng ta. Nhưng tại sao Ngài chết? Chiên phải bị giết rồi mới có thể ăn được. Họ cũng phải ăn nó với bánh không men và rau đắng để được chữa lành. Ở đây chúng ta nhìn thấy con chiên, rau và bánh. Thật là một bữa ăn tuyệt diệu!

Phao-lô nói điều gì trong 1.Cô-rinh-tô 5:7-8? “Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Chúa Cứu Thế là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật“. Bánh không men này là gì? Đó là nhân tánh trọn vẹn tuyệt vời của Chúa Cứu Thế Giê-su chúng ta! Chúa cũng là bánh trần thiết lạ lùng – thức ăn dành cho thầy tế lễ. Anh em có thấy Kinh Thánh nói nhiều về việc ăn như thế nào không?

Hãy nói cho tôi biết rằng bao nhiêu người trong số chúng ta ý thức ăn Chúa Cứu Thế như là bánh không men? Tôi không nghĩ nhiều người trong anh em có ước muốn và ý thức này. Nếu anh em đã làm vậy và giữ lễ của bánh không men, thì anh em đã từ bỏ nhiều ý tưởng của mình. Vì việc ăn bánh không men sẽ làm sạch men khỏi anh em. Tôi tin tất cả anh em hiểu được điều này: Kinh Thánh nói nhiều về việc chúng ta phải ăn.

Trong Kinh Thánh có nhiều loại của lễ. Có năm của lễ chính. Thêm vào đó còn những của lễ dâng hiến và của lễ đưa qua đưa lại. Có thật nhiều thức ăn dành cho anh em. Trong sa mạc, dân sự ăn ma-na và uống từ nơi vầng đá thiêng liêng cùng đi theo họ. Phao-lô tường thuật điều này trong 1.Cô-rinh-tô 10:3-4. Phao-lô thật là một người đã nhận biết mọi thức ăn thuộc linh: “ăn một thức ăn thiêng liêng; uống cùng một thức uống thiêng liêng, vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình và đá ấy tức là Chúa Cứu Thế“. Anh em có uống thức uống thuộc linh mỗi ngày không? Họ đã uống từ nơi hòn đá thiêng liêng đi theo họ, hòn đá này là Chúa Cứu Thế. Chúng ta có uống không? Tôi nên tự hỏi chính mình là tôi có uống không? Hỡi anh em, nếu có mặt ở đó trong quân đội, anh em có uống Chúa mỗi ngày không? Hãy nói cho tôi biết, anh em uống như thế nào. Trước tiên, anh em cần khát Chúa. Và khi anh em khát, anh em hãy gọi danh Chúa!

Ăn và uống Chúa

Trong Giăng 7:37-39: “Ngày sau cùng, là ngày trọng thể trong kỳ lễ, Ðức Chúa Giê-su ở đó, đứng kêu lên rằng: Nếu người nào khát, hãy đến cùng Ta mà uống. Kẻ nào tin Ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy trong lòng mình, y như Kinh Thánh đã chép vậy. Ngài phán điều đó để chỉ về Ðức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ Ðức Thánh Linh chưa ban xuống, vì Ðức Chúa Giê-su chưa được vinh hiển“. Tất cả chúng ta đều cần Thánh Linh. Nếu không có Thánh Linh thì chúng ta có điều gì?

Ăn và uống được nhắc đến nhiều trong Kinh Thánh. Điều thực tế này chỉ phải tác động thêm vào lý trí, vào trong lòng và vào trong bản thể bề trong anh em nữa, và anh em cũng phải làm điều đó! Hãy thưa với Chúa: “Con muốn ăn và uống Chúa!” Điều này lại mang anh em trở về với cây của sự sống và nước của sự sống trong sách Sáng Thế Ký chương 2. Việc ăn và uống này phải đồng hành cùng anh em trong toàn bộ đời sống Cơ Đốc. Nếu không, anh em sẽ trở thành Cơ Đốc nhân khốn khổ với nhiều hiểu biết nhưng không có sự sống; anh em sẽ dễ bị nản lòng. Anh em tuy là Cơ Đốc nhân, nhưng không mạnh mẽ và thất bại hoài. Anh em có muốn là một Cơ Đốc nhân như thế trong nhà của Đức Chúa Trời không? Trong nhà của Ngài phải luôn có nhiều thức ăn. Tôi thấy chỗ tuyệt nhất trong một căn nhà chính là nhà bếp. Tôi và vợ tôi dùng nhiều thời gian ở đó. Nhà bếp là phần quan trọng nhất của căn nhà, vì nơi đó có thức ăn. Và như thế anh em tồn tại! Anh em phải ăn và uống. Nếu anh em không biết phải làm điều này như thế nào, anh em không thể là Cơ Đốc nhân vui vẻ và sẽ có nhiều nan đề. Tuy nhiên, nếu anh em được nuôi dưỡng, anh em sẽ đầy dẫy niềm vui, sẽ không mất đi sự kiên nhẫn của mình và sẽ được thỏa lòng.

Trong Khải Huyền 2 chúng ta đọc: Ai có tai, hãy nghe những gì Thánh Linh phán – không phải những gì Kinh Thánh nói mà là những gì Thánh Linh phán. Chỉ có sự dạy dỗ trong Kinh Thánh thì không đủ. Phải là Thánh Linh – những điều mà Thánh Linh phán trong Lời Ngài: “Ai có tai, hãy nghe lời Ðức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh rằng: Kẻ nào thắng, Ta sẽ cho ăn trái cây sự sống ở trong Ba-ra-đi của Ðức Chúa Trời” (câu 7). Điều này có nghĩa: Kẻ nào thắng, Ta sẽ ban cho cái gì đó để học không? Không! Mà là: Ta sẽ cho người đó ăn. Anh em không muốn ăn sao? Hãy học ăn trái Cây Sự Sống.

Câu 17a nói rằng: “Ai có tai, hãy nghe lời Ðức Thánh Linh phán cùng các Hội Thánh: Kẻ nào thắng, Ta sẽ ban cho ma-na đương giấu kín“. Và trong Khải Huyền 3:20: “Nầy, Ta đứng ngoài cửa mà gõ; nếu ai nghe tiếng Ta mà mở cửa cho, thì Ta sẽ vào cùng người ấy, ăn bữa tối với người, và người với Ta“. Ở đây nghĩa là gì? Ta sẽ nghiên cứu Kinh Thánh với người ấy phải không? Không, Ta sẽ ăn bữa tối với người ấy. Thức ăn đó là gì? Đó là thức ăn thuộc linh. Chúa sẽ sửa soạn cho anh em một bữa ăn tuyệt vời. Chúa muốn điều đó. Anh em không cần một lớp học Kinh Thánh mà là một buổi nhóm để ăn!

Và trong chương bảy, Chúa Giê-su làm gì với những người được cất lên với Ngài? “Chúng sẽ không đói không khát nữa; cũng không có mặt trời, hoặc cơn nắng gắt nào hại đến mình. Vì Chiên Con ở giữa ngôi sẽ chăn giữ và đưa chúng đến những suối nước sự sống” (câu 16-17a). Chúa muốn dẫn dắt anh em đến đó – không phải đến trường Kinh Thánh mà là đến suối nước sự sống.

Chúng ta hãy đọc trong chương 12. Người đàn bà không được cất lên mà phải trốn trong đồng vắng: “Còn người đàn bà, thì trốn vào đồng vắng, tại đó bà có một nơi ở mà Ðức Chúa Trời đã chuẩn bị, để được nuôi dưỡng trong một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (câu 6). Bà có phải học phụ đạo giờ Kinh Thánh trong 1260 ngày không? Không! Bà phải đi vào đồng vắng để được nuôi dưỡng trong 3,5 năm vì bà đã bị thiếu ăn.

Bây giờ chúng ta nhảy qua chương 22 câu 1-2: “Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Ðức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân“. Cây Sự Sống có mặt tại đây, trái của nó để cho chúng ta thưởng thức. Tôi thực sự mong mỏi rằng chúng ta học cách nếm và để thưởng thức mọi sự giàu có của Chúa Cứu Thế và trái của Thánh Linh. Điều này phải là sự thưởng thức chân thật của chúng ta.

Dĩ nhiên còn câu 17 nữa: “Thánh Linh và cô dâu cùng nói: Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, hãy đến. Kẻ nào muốn, hãy nhận lấy nước sự sống miễn phí!” Ai muốn, hãy đến để học? Không! Ai khát, hãy đến và nhận lấy nước sự sống miễn phí!

Và câu 14: “Phước thay cho những kẻ giặt áo mình để được quyền đến nơi cây sự sống và bởi các cửa mà vào trong thành!” Họ hưởng được quyền lợi gì? Để học Kinh Thánh và để nghiên cứu Kinh Thánh? Không, họ được quyền ăn trái của Cây Sự Sống và bước qua các cửa để vào trong thành.

Anh em phải lớn lên, phải ăn và xây dựng. Đó là con đường để vào thành và được xây dựng. Cảm tạ Chúa về sự tẩy rửa bởi huyết Chúa và quyền được ăn trái của Cây Sự Sống. Sau đó chúng ta có thể hoàn thành chương trình tuyệt diệu của Đức Chúa Trời và xây dựng thành.

Từ mở đầu đến kết thúc Kinh Thánh đều nói đến: ăn và uống. Quyển sách này là một thực đơn thiêng thượng, đã sửa soạn cho chúng ta bữa ăn thuộc linh để chúng ta thưởng thức. Tôi chúc anh em ăn ngon miệng! Ngợi khen Chúa!

Tâm linh của con người

Các câu Kinh Thánh: Gióp 32:8; Châm Ngôn 20:27; Ê-xê-chi-ên 36:26-27; Giăng 3:6; 4:23-24; 7:37-39; 20:22; 1.Cô-rinh-tô 6:17; Cô-lô-se 2:9; 1.Cô-rinh-tô 2:10-15; Ê-phê-sô 3:4-5; 1:17-18a; 2:22; 5:18; 6:18a; Ga-la-ti 5:16, 22, 24-25

Sáng nay tôi muốn chia sẻ cho các anh chị em thanh thiếu niên thêm một điều căn bản nhưng cực kỳ quan trọng. Đó là tâm linh của con người. Để biết con người có tâm linh là điều rất quan trọng, vì Hội Thánh cũng là thuộc linh. Một mặt có thế giới vật chất và mặt khác có thế giới tâm lý, thuộc về phần tâm hồn. Nhưng cũng tồn tại một thế giới thuộc linh. Như vậy tồn tại ít nhất ba lĩnh vực này.

Thế giới vật chất anh em có thể nhìn thấy và sờ được, nhưng thế giới tâm lý, tức thế giới thuộc tâm hồn thì lại không được. Tuy nhiên nó lại thực và có thể kinh nghiệm được một cách thực tiễn. Nhưng với thế giới thuộc linh thì sao? Anh em nói rằng người ta không thể kinh nghiệm được nó sao? Mặc dù anh em không thể nhìn thấy điều đó với mắt của mình, nhưng nó cũng thực và là một hiện thực. Anh em có thể nhìn thấy Đức Chúa Trời không? Không! Tuy nhiên Ngài rất thực. Nhiều người nói rằng: “Vì tôi không nhìn thấy Đức Chúa Trời, nên không có Ngài”. Nhưng kỳ lạ làm sao bởi rằng có nhiều người hoàn toàn không tin Đức Chúa Trời lại tin có ma quỷ! Thật vậy, chúng nó cũng hiện hữu và thuộc về thế giới thuộc linh.

Với thân xác bên ngoài, chúng ta có thể giao tiếp với thế giới vật chất và rất tích cực ở trong đó. Con người cũng có một tâm hồn – nó rất thông minh, biết tích lũy kiến thức và có cảm xúc, chẳng hạn như yêu thương và ganh ghét. Đó là lĩnh vực của tâm hồn. Nhưng Đức Chúa Trời tạo nên tâm linh của con người sâu tận bên trong con người. Nếu không có tâm linh này thì con người không thể giao tiếp với thế giới thuộc linh. Như vậy, nếu anh em không biết tâm linh của mình thì làm sao anh em có sự tương giao với Đức Chúa Trời hằng sống được? Do đó, chúng ta đã đọc Gióp 32:8: “Nhưng chính tâm linh của con người, và hơi thở của Ðấng Toàn năng cho chúng sự khôn sáng“.

1.Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 chỉ cho chúng ta biết rằng con người được cấu tạo bởi ba phần: “Nguyền xin chính Ðức Chúa Trời bình an khiến anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm linh, tâm hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Chúa Cứu Thế Giê-su, Chúa chúng ta đến!” Nhưng sau khi con người bị sa ngã, tâm linh của con người bị chết, nên con người không còn con đường nào khác để tương giao với Đức Chúa Trời hằng sống được. Tuy vậy, trong Ê-xê-chi-ên 36:26-27, Chúa đã hứa rằng Ngài sẽ ban cho chúng ta một tấm lòng mới và một tâm linh mới vào trong chúng ta; thêm vào đó Ngài muốn ban Thánh Linh của Ngài vào trong chúng ta! Không có tâm linh của con người, tấm lòng không thể hoạt động bình thường. Anh em cần một tấm lòng, nhưng anh em cũng cần một tâm linh mới. Dân Do Thái có tấm lòng kính yêu Đức Chúa Trời, nhưng tâm linh của họ chưa được thức tỉnh; và họ cũng không có Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong họ. Nhưng ngày nay, trong thời đại của giao ước mới, mọi người tin Chúa đều được sinh lại bởi Thánh Linh. Vì thế, Giăng 3:6 nói rằng: “Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh (của Đức Chúa Trời) là tâm linh (của con người)“. Nếu chúng ta không biết tâm linh, thì nó cũng không có tác dụng gì trong chúng ta cả.

Trong 1.Cô-rinh-tô 6:17, chúng ta thấy: “Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tâm linh với Ngài“. Điều này phù hợp với những gì Ê-xê-chi-ên 36:26-27 nói: Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới và một tâm linh mới, và Ta muốn ban Thánh Linh của Ta vào trong các ngươi. Chúa cũng đã nói rằng những gì sinh bởi xác thịt là xác thịt và những gì sinh bởi Thánh Linh là tâm linh của con người. Và bấy giờ tâm linh này của con người kết hiệp với Thánh Linh của Chúa để trở nên một tâm linh mới. Như vậy, nếu chúng ta không kết hiệp với Chúa, không theo đuổi Chúa thì làm thế nào chúng ta có thể thông công với Đức Chúa Trời hằng sống được? Đức Chúa Trời là Thánh Linh. Nếu anh em sử dụng lý trí của mình để suy nghĩ về Đức Chúa Trời thì điều này không đủ. Đức Chúa Trời muốn thông công với anh em trong tâm linh. Nếu anh em đọc Kinh Thánh chỉ để tìm kiếm hiểu biết và sự dạy dỗ, đầu của anh em sẽ rất lớn nhưng tâm linh của anh em thì thật nhỏ. Tâm linh không phát triển, nhưng anh em có một “cái đầu bự”. Vậy chúng ta có thể làm gì?

Một tâm linh được làm mạnh mẽ

Nhiều người coi trọng thân thể mình nên chơi thể thao. Phao-lô không phản đối điều này. Nhưng ông nói rằng sự luyện tập thân thể chỉ đem lại chút ít lợi ích. Nhiều người khác lại không luyện tập sức mạnh cơ bắp, nhưng rèn luyện trí khôn, lý trí của mình để tích lũy kiến thức. Vậy, tại sao chúng ta lại không quan tâm đến tâm linh của mình – tức con người bề trong theo như Kinh Thánh gọi – để chúng ta đâm rễ, xây nền và tăng trưởng trong Chúa, để Ngài có thể sống trong lòng chúng ta? Anh em đừng nghĩ điều này thật đơn giản vì Chúa ở trong chúng ta! Trong Ê-phê-sô 3:16-17 Phao-lô nói, Chúa Cứu Thế không thể sống trong lòng chúng ta nếu con người bề trong của chúng ta chưa được làm mạnh mẽ. Như vậy, con người bề trong phải được làm mạnh mẽ để Chúa có thể ở trong lòng ta được. Một khi con người bề trong yếu đuối, anh em sẽ không cho phép Chúa ở trong lòng mình. Anh em sẽ thực hiện ý nghĩ của riêng mình và đi con đường riêng của mình.

Hỡi anh chị em, tâm linh của con người, con người bề trong, có một ý nghĩa lớn lao và do đó rất quan trọng đối với chúng ta. Nếu chúng ta không học cách sống trong tâm linh, mà mỗi ngày sống bằng chính mình, thì không những chính chúng ta có nhiều nan đề mà còn mang nhiều nan đề vào trong Hội Thánh. Vả lại, Hội Thánh là thuộc linh, nghĩa là bản chất của Hội Thánh là thuộc linh, nên chúng ta phải tiếp xúc với Hội Thánh trong tâm linh. Vậy nếu chúng ta không ăn và uống Chúa, không thông công với Ngài, thì làm thế nào chúng ta có thể được mạnh mẽ trong tâm linh được? Nếu một tuần lễ dài anh em không nuôi dưỡng thể xác mình, anh em còn khỏe mạnh được không?

Sự thờ phượng chân thật

Chúng ta đọc trong Giăng 4: “Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ phượng Cha: ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Ðức Chúa Trời là Thánh Linh, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm linh và lẽ thật mà thờ lạy” (câu 23-24). Đức Chúa Trời là Thánh Linh, Ngài ở trong lĩnh vực thuộc linh. Vì thế, chúng ta phải thờ phượng Cha ở trong tâm linh mình. Sự thờ phượng thật trong thời Tân Ước ngày nay không phải là sự thờ phượng thuộc thể và cũng không bị ràng buộc vào một nơi thuộc vật chất nào. Trong thời Cựu Ước, sự thờ phượng phải diễn ra tại một chỗ đã được xác định, cụ thể là Giê-ru-sa-lem; nhưng ngày nay trong Tân Ước, thì nơi thờ phượng thật chính là tâm linh của chúng ta. Nếu mà anh em không sống trong tâm linh, không đi trong tâm linh và không nuôi dưỡng tâm linh mình, làm sao anh em có thể thờ phượng Chúa được? Làm thế nào anh em giao tiếp với Đức Chúa Trời hằng sống được? Bằng lý trí của anh em à? Không! Bằng cảm xúc của anh em? Không! Điều đó không có nghĩa là chúng ta chẳng có cảm xúc gì, nhưng nó không đủ. Chúng ta phải đi vào sâu hơn nữa, vào trong tâm linh mình, vì Đức Chúa Trời hằng sống ở trong tâm linh chúng ta. Ngài đòi hỏi những người thờ phượng Ngài như thế này – thờ phượng trong tâm linh và trong thực tại của Chúa Cứu Thế.

Anh em muốn là một người thờ phượng như thế nào? Mỗi ngày anh em sống trong tâm linh của mình bao nhiêu? Anh em có chú ý đến tâm linh mình không? Anh em phải cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin hãy giúp con, Chúa đang sống trong tâm linh con. Xin giúp con nhận biết tâm linh của con, và nhắc nhở con rèn luyện tâm linh mình mỗi ngày cho mạnh mẽ, vì Thánh Linh Ngài đang sống trong tâm linh con”. Chỉ như thế chúng ta mới có thể thông công trong tâm linh và thờ phượng thật được. Nếu không ở trong tâm linh, chúng ta không thể chạm đến Chúa và ngược lại Chúa cũng không có cách nào để ban thêm Thánh Linh của Ngài cho chúng ta được. Như vậy chúng ta tuyệt đối phải biết cách sống trong tâm linh như thế nào.

Chúng ta cũng cần hơi thở của Đức Chúa Trời thường xuyên. Gióp 32:8 chỉ cho chúng ta thấy rằng tâm linh con người cần hơi thở của Đức Chúa Trời để trở nên sống động, làm cho con người có thể nhận biết Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người, hơi thở của Ngài là yếu tố quan trọng nhất. Chỉ khi Đức Chúa Trời hà hơi thở của Ngài vào trong thân thể, con người mới trở nên sống động. Và trong sự phục sinh, Chúa hiện ra cho các môn đồ, hà hơi vào trong họ và nói: “Hãy nhận lãnh Đức Thánh Linh” (Giăng 20:22). Là con người, chúng ta cần không khí để thở. Mỗi ngày anh em hít thở bao nhiêu lần? Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần Thánh Linh là hơi thở thuộc linh của Đức Chúa Trời. Bao nhiêu người trong anh em hít thở Thánh Linh hàng ngày? Anh em không cần hơi thở của Đức Chúa Trời trong anh em sao? Trong 2.Ti-mô-thê 3:16 nói rằng Lời của Đức Chúa Trời là hơi thở của Ngài. Như vậy khi anh em đến với Lời Chúa, anh em phải cầu nguyện cùng Ngài: “Chúa ơi, xin hãy hà hơi thở của Ngài vào trong con!” Khi chúng ta nói: “Hãy ăn Chúa Cứu Thế!” Anh em có tin điều này không? Khi chúng ta nói: “Hãy hít thở Chúa Cứu Thế vào!” Anh em tin điều đó không? Đó là Lời của Đức Chúa Trời.

Anh em phải đến với Lời của Đức Chúa Trời mỗi ngày, bởi vì Lời sống động và Lời cũng là chính Đức Chúa Trời. Lời là hơi thở của Đức Chúa Trời. Khi anh em đến với Lời, anh em đừng chỉ có hiểu Lời thôi, mà phải nói với Chúa từ nơi sâu thẳm nhất rằng: “Hãy hà hơi thở Ngài vào trong con, để sự sống của Ngài làm con mạnh mẽ!” Chỉ như vậy anh em mới có thể sống tận hưởng Lời của Đức Chúa Trời. Nếu không, anh em tuy có hiểu biết nhưng không làm theo Lời. Nhiều người hiểu biết rất nhiều, nhưng họ không thể sống tận hưởng Lời.

Ê-xê-chi-ên 36 nói chúng ta có một tấm lòng mới và một tâm linh mới, và đó là Thánh Linh của Chúa sống trong chúng ta ngày nay. Ngay bây giờ anh em có thể thực hành làm theo ý muốn Ngài, bởi anh em có sự sống trong mình. Nếu tâm linh của anh em mạnh mẽ, anh em có thể làm điều mà Đức Chúa Trời đẹp lòng. Nếu không, anh em sẽ ngạo mạn và làm những gì mắt mình cho là đúng.

Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy nhiều điều, nhưng nếu anh em không rèn luyện tâm linh mình và không sống trong tâm linh, tức là nếu con người bề trong không mạnh mẽ, anh em sẽ không có đường đi. Anh em cần sức lực. Điều này cũng giống như với những điều thuộc thế gian; nếu anh em bệnh và yếu đuối thì không thể làm được những điều thuộc thế gian. Và nếu anh em không mạnh mẽ và khỏe mạnh trong tâm linh, thì sao có thể làm được những việc thuộc linh? Với kiến thức suông về Kinh Thánh, anh em không thể tiến xa được. Càng biết nhiều, anh em càng chỉ trích người khác nhiều hơn. Và nó mang đến cho anh em điều gì? Anh em phải thấy được, có phải mình là người đang sống trong tâm linh không, và có phải mình sống tận hưởng Chúa Cứu Thế và làm theo ý muốn Đức Chúa Trời không. Sự xây dựng Hội Thánh là việc thuộc linh và do đó chúng ta phải sống và bước đi trong tâm linh.

Sống bởi tâm linh

Trong Ga-la-ti chương 5, Phao-lô nói thật đơn giản: Hãy bước đi và sống bởi Thánh Linh! Thánh Linh ở đâu? Ngài sống trong tâm linh của anh em và do đó anh em phải bước đi trong tâm linh mình và sản sanh ra trái của Thánh Linh. “Vậy tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt” (Ga-la-ti 5:16). “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ: không có luật pháp nào cấm các sự đó” (câu 22-23). Anh em có tình yêu thương không? Anh em có niềm vui không? Anh em có sự bình an trong gia đình? Có sự nhẫn nại, nhân từ và hiền lành? Hay là anh em thích tranh cãi và thường xuyên mất đi sự kiên nhẫn? Thật ra, chỉ trong tâm linh anh em mới nhân từ đích thực. Hãy nói cho tôi biết, sống trong tâm linh không tốt sao? Nếu anh em không sống trong tâm linh mình thì muốn sống ở đâu? Nếu anh em sống trong xác thịt, anh em sẽ tranh cãi và không có sự bình an. Anh em sẽ có nhiều suy nghĩ mà những suy nghĩ đó không để cho anh em ngủ hàng đêm. Anh em sẽ mất đi sự kiên nhẫn của mình và thấy một loại hơi thở khác – lửa và khói sẽ ra từ anh em! Tại sao anh em không muốn sống trong tâm linh mình? Tại sao anh em muốn sống trong xác thịt và trong bản ngã? Chúng ta được tái sanh, được làm cho sống động, và Thánh Linh sống trong tâm linh chúng ta. Tại sao chúng ta lại cứ muốn là những Cơ Đốc nhân sống theo xác thịt và trần tục, như Phao-lô vạch trần trong sách 1.Cô-rinh-tô chương 2? Không, chúng ta muốn là những Cơ Đốc nhân thuộc linh; chúng ta muốn sống trong tâm linh. Chỉ có người thuộc linh dò xét được mọi sự.

Vả, những kẻ thuộc về Đức Chúa Cứu Thế Giê-su đã đóng đinh xác thịt với tình dục và dâm dục mình trên thập tự giá rồi. Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh mà sống, thì cũng hãy bước theo Thánh Linh vậy” (Ga-la-ti 5:24-25). Chúng ta hãy là những người thuộc linh trong nhà của Đức Chúa Trời, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể được xây dựng, trở thành nhà của Đức Chúa Trời. Nguyện xin Chúa nhân từ với chúng ta, thức tỉnh tâm linh chúng ta cho sự xây dựng này. Ngợi khen Chúa!

John So

(Dịch từ “Der Weg des Lebens)