- Vương quốc thiên đàng - https://www.angospel.com -

Đức Chúa Trời vĩ đại

Ê-sai mô tả Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta một cách tuyệt diệu: “Ai đã lấy lòng bàn tay mà lường biển cả?” (Ê-sai 40:12). Câu trả lời nằm trong chương 9, câu 5: Đức Chúa Trời quyền năng. Anh em có thể tưởng tượng được bàn tay của Chúa lớn như thế nào không? Ngài có thể đo lường toàn bộ nước biển của các đại dương trong lòng bàn tay của Ngài! Và “ai đã lấy gang tay mà đo các tầng trời? Ai đã lấy đấu mà đong bụi đất? Ai đã dùng cân mà cân núi và dùng cân bàn mà cân đồi?”. Núi Matterhorn ở Thụy Sĩ cân nặng bao nhiêu? Dãy núi Alps nặng như thế nào? Nếu anh em không bao giờ tự đặt ra những câu hỏi này, anh em sẽ không thể nhận ra Đức Chúa Trời của chúng ta vĩ đại và quyền năng như thế nào. Đôi khi Đức Chúa Trời phải hỏi chúng ta những câu hỏi như vậy để đánh thức chúng ta. Đức Chúa Trời của chúng ta rất vĩ đại và đầy sự khôn ngoan, Ngài là Đấng Toàn Năng. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời thường nói: “Ta là Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo ra trời và đất”. Vì chúng ta không nhận ra Đức Chúa Trời của chúng ta là ai, nên chúng ta thường không có niềm tin vào Ngài. Chúng ta nghĩ Ngài không thể giải quyết được vấn đề của chúng ta. Tôi muốn hỏi anh em: vấn đề của anh em có lớn hơn đỉnh Everest không? Nó có nặng như núi Matterhorn không? Đức Chúa Trời biết những ngọn núi ở Canada cân nặng bao nhiêu. Ngài biết có bao nhiêu lít nước ở Đại Tây Dương. Không ai ngoài Đức Chúa Trời của chúng ta có thể đo lường và biết tất cả điều này. Ngài thậm chí đã đếm tất cả tóc trên đầu của anh em. Ngài biết anh em còn bao nhiêu sợi tóc và đã mất bao nhiêu sợi tóc rồi. Anh em có quen biết Đức Chúa Trời này không? Anh em nghĩ rằng Ngài không quan tâm đến anh em, không thể giúp anh em và không hiểu anh em sao? Vì chúng ta không biết Đấng Christ tuyệt vời này, chính Ngài là Đức Chúa Trời, nên chúng ta không tin tưởng Ngài hoàn toàn. Chúng ta nghĩ Ngài không trả lời những lời cầu nguyện của chúng ta, rồi đức tin của chúng ta biến mất.

Ê-sai 40:13 nói tiếp, “Ai lường được Linh của Đức Chúa Trời, và ai làm cố vấn cho Ngài để dạy Ngài điều gì?”. Đây là điều Phao-lô đã nói trong Rô-ma 11:34. Trong 1.Cô-rinh-tô, chúng ta thấy: “Vì ai đã biết được tâm trí của Chúa, để chỉ bảo Ngài? Nhưng chúng ta có tâm trí của Đấng Christ.” (1.Cô-rinh-tô 2:16). Phao lô đã trích dẫn tất cả những câu Kinh Thánh này từ sách Ê-sai và ông rất khao khát được kinh nghiệm chính Đức Chúa Trời vĩ đại này. Chúng ta có khao khát Ngài như vậy không? Ê-sai tiếp tục: “Ngài đã hỏi ý kiến ai để được thông hiểu? Ai đã dạy cho Ngài đường công lý? Ai đã dạy Ngài tri thức và chỉ Ngài con đường trí tuệ?” (Ê-sai 40:14). Thậm chí, chúng ta thường hay muốn dạy Đức Chúa Trời và nói Ngài phải giúp chúng ta thế nào. Chúng ta xin Ngài giúp chúng ta tìm được việc làm; tuy nhiên công việc này phải giống như các nguyện vọng của chúng ta. Nếu chúng ta như thế, thì chúng ta là người cố vấn của Ngài. Điều này phải đi vào trong ý thức của chúng ta, chúng ta phải biết Đức Chúa Trời của chúng ta là vĩ đại và toàn tri như thế nào.

“Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và giống như một hạt bụi rơi trên cân; kìa, Ngài nhấc các hòn đảo lên như một hạt bụi nhỏ! (Ê-sai 40:15). Anh em vẫn còn sợ các dân tộc sao? Khi giảng Phúc m, thì anh em nhìn người ta bằng cặp mắt nào? Nếu anh em là một với Đức Chúa Trời và tin rằng Ngài thật vĩ đại, thì tất cả mọi người đều giống như một giọt nước trên thùng, một bụi ở trên cân. Ê-sai 40:16-17 nói tiếp: “Rừng Li-ban không đủ củi đốt lửa, những thú vật ở đó chẳng đủ làm tế lễ thiêu. Trước mặt Ngài, mọi nước đều không là gì cả, Ngài xem chúng như ít hơn là không có gì. Đối với Ngài, chúng chỉ là hư vô”. Chúng ta hãy học cách để nhìn mọi thứ như Đức Chúa Trời thấy, như vậy thì anh em không còn phải sợ nữa. Rồi chúng ta được tự do và sau đó chúng ta sẽ phục vụ Ngài hoàn toàn khác. Đáng tiếc là chúng ta không biết Đức Chúa Trời tuyệt vời, quyền năng này. Đức tin của chúng ta đối với Ngài chỉ là hiểu biết và chỉ có trong đầu. Trái tim của chúng ta đã không thấu hiểu và quen biết Ngài. Tôi hy vọng rằng trong những năm cuối cùng trước khi Chúa trở lại, chúng ta sẽ học để trải nghiệm sự vĩ đại của Ngài nhiều hơn. Vì điều này, con người bên trong của chúng ta phải được làm vững mạnh, như Phao-lô đã nói trong lời cầu nguyện của ông trong Ê-phê-sô chương 3, câu 16. Chúng ta cần được thêm sức để cùng nhau lĩnh hội chiều rộng, chiều dài, chiều sâu, chiều cao của Đấng Christ. Chúng ta cần sức mạnh này để nhận biết hoàn toàn Đức Chúa Trời vinh hiển của chúng ta. Như anh em đã nhận biết Đấng Christ với mức độ nào, anh em cũng sẽ phục vụ Đức Chúa Trời với mức độ như vậy. Trong con mắt của Đức Chúa Trời, mọi dân tộc ít hơn là không có gì. Chúng ta tất cả đều không là gì cả. Chẳng hạn, các trưởng lão trong Hội Thánh [1] lớn như thế nào? Họ ít hơn là không có gì! Có lẽ họ nghĩ rằng họ đã được Đức Chúa Trời bổ nhiệm nên mọi người phải lắng nghe họ. Nhưng thật ra, không ai là gì cả trong mắt Đức Chúa Trời. Trong mắt của anh em, các trưởng lão có thể rất lớn và quan trọng, nhưng trong mắt Đức Chúa Trời, họ chỉ là hư vô. “Vậy, các ngươi muốn ví Đức Chúa Trời với ai, lấy hình ảnh nào so sánh với Ngài được? Với thần tượng nào? Người thợ đúc đã làm ra nó, rồi thợ kim hoàn lấy lấy vàng bọc nó, và đúc những dây chuyền bằng bạc cho nó” (Ê-sai 40:18-19). Thật là vô lý khi so sánh Đức Chúa Trời với một thần tượng như vậy.

Ê-sai 40:21-31 “Chẳng phải các ngươi đã hiểu trái được đặt nền móng sao? Chính Ngài là Đấng ngự trên vòm trái đất, và các cư dân trên đất giống như cào cào. Ngài là Đấng giương các tầng trời ra như cái màn và căng chúng ra như trại để ở. Ngài làm cho các thủ lãnh ra như con số không, và làm cho các thẩm phán trên đất ra hư không. Họ vừa mới được trồng, vừa mới được gieo, cây vừa mới châm rễ trong đất, CHÚA thổi hơi qua, và họ liền khô héo; nầy, một cơn gió lốc đùa họ đi như rơm rác. Đấng Thánh phán: Các ngươi muốn so sánh Ta với ai? Ai sẽ ngang bằng với Ta? Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã sáng tạo những vật nầy? Ngài là Đấng khiến các thiên thể ra theo số lượng và đội ngũ, Ngài gọi đích danh tất cả chúng, không bỏ sót một thiên thể nào”. Có bao nhiêu ngôi sao? Không người nào có thể đếm chúng được. Nhưng Chúa đặt cho mỗi ngôi sao một cái tên. “Nhờ quyền năng lớn lao của Ngài, nhờ sức mạnh vô hạn của Ngài, không một thiên thể nào bị bỏ sót”. Có lẽ một lúc nào đó, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu về Đức Chúa Trời tuyệt vời và trật tự vĩ đại của Ngài. Nếu chúng ta quen biết một Đức Chúa Trời như thế, thì chúng ta còn có vấn đề nào không? Không! “Vậy thì, hỡi Gia-cốp, sao ngươi nói, hãy Y-sơ-ra-ên, sao ngươi nói như vầy: Đường lối tôi đã bị che khuất khỏi CHÚA, Đức Chúa Trời tôi không còn quan tâm đến quyền lợi của tôi”. Tất cả chúng ta là như vậy đó. Chúng ta nghĩ Đức Chúa Trời không thể giúp chúng ta, Ngài không hiểu khó khăn của chúng ta. Chúng ta hết hy vọng. “Ngươi không biết sao? Ngươi chưa nghe sao? CHÚA là Đức Chúa Trời đời đời, Đấng đã sáng tạo toàn cõi đất, chẳng mỏi mệt, chẳng yếu sức; sự hiểu biết của Ngài không thể dò được. Ngài ban năng lực cho người mệt mỏi, thêm sức mạnh cho kẻ chẳng có sức. Các thanh niên cũng phải mòn mỏi mệt nhọc, người trai tráng cũng phải vấp ngã. Nhưng ai trông đợi CHÚA chắc chắn được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi”. Anh em thân yêu, chúng ta hãy quen biết một Đức Chúa Trời vĩ đại như vậy và trải nghiệm Ngài. Sau đó, chúng ta sẽ trông cậy Ngài trong mọi chuyện.

(Sưu tầm và dịch)