- Vương quốc thiên đàng - https://www.angospel.com -

Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi Ba-by-lôn!

Trong những chương cuối cùng của Kinh Thánh, Đức Chúa Trời bày tỏ một điều huyền nhiệm: Ba-by-lôn [1] lớn. Đó là kết quả của sự sa ngã của dân Đức Chúa Trời. Đồng thời Giê-ru-sa-lem trên trời cũng là sự hoàn tất của kế hoạch Đức Chúa Trời. Hai thành này có liên quan gì với chúng ta hôm nay? Chúng ta đang xây gì và xây như thế nào?

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ mà Chúa Giê-su sắp trở lại. Kinh Thánh nói rất rõ là Chúa Giê-su không chỉ đến cách đây khoảng 2000 năm mà Ngài sẽ trở lại để thiết lập vương quốc của Ngài trên trái đất. Mặc dù Kinh Thánh không cho biết chính xác khi nào Ngài trở lại, nhưng Kinh Thánh cũng cho chúng ta rất nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng Chúa Giê-su thực sự sắp trở lại.

Khi Chúa trở lại, tình trạng của Cơ Đốc nhân chúng ta hiện nay rất quan trọng đối với Ngài. Có một quan niệm được phổ biến rộng rãi là tất cả các tín đồ chỉ cần chờ đợi rồi sau này tất cả sẽ được lên thiên đàng. Tuy nhiên, Kinh Thánh tuyệt đối không nói điều này. Kinh Thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời muốn mang vương quốc của Ngài xuống trái đất. Khi Chúa Giê-su trở lại, tất cả Cơ Đốc nhân phải trình diện trước tòa án của Đấng Christ. Lúc đó, tình trạng chúng ta hiện nay như thế nào sẽ mang tính quyết định. Do đó, chúng tôi muốn chia sẻ về đề tài này.

Trong bài này, chúng tôi sử dụng một tài liệu duy nhất là Kinh Thánh. Chúng ta không cần tài liệu nào khác vì Kinh Thánh là một quyển sách rất đặc biệt. Kinh Thánh không chỉ là một quyển sách để cung cấp thông tin mà Kinh Thánh là lời sống của Đức Chúa Trời. Đây thực sự là lời sống và linh nghiệm vì ẩn đằng sau đó là Đức Chúa Trời hằng sống. Chúng ta đừng xem buổi thuyết trình này như một buổi cung cấp thông tin mà chúng ta hãy để chính Đức Chúa Trời phán với chúng ta qua lời của Ngài. Vì thế trước khi bắt đầu, tôi muốn cầu nguyện để Đức Chúa Trời phán với chúng ta tối nay: “Lạy Đức Chúa Trời là Cha, chúng con cầu xin Cha ban cho chúng con một tấm lòng trong sạch để có thể tiếp thu tốt lời của Cha. Chúng con xin Cha ban cho chúng con khải thị và mở mắt lòng của chúng con, để Cha có thể phán rõ ràng với chúng con và để chúng con nhận ra được ý muốn của Cha hôm nay. Xin Cha hãy chúc phước cho bài này và cho tất cả những người nghe. Xin hãy hiện ra với chúng con và hãy tác động lời Cha đến chúng con. Amen!”

Để bắt đầu, tôi muốn chia sẻ vài điều về sách Khải Huyền, sách cuối cùng của Kinh Thánh. Câu đầu tiên của sách này rất thú vị. Chúng ta hãy đọc Khải Huyền 1:1 “Mặc khải của Giê-su Christ, mà Ðức Chúa Trời đã ban cho Ngài, để tỏ ra cho các đầy tớ Ngài biết những điều sắp xảy đến”. Kế đó là một lời đề nghị rất tuyệt vời: “Phước cho người đọc và những người nghe những lời tiên tri này, và vâng giữ những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần rồi” (câu 3). Nhiều Cơ Đốc nhân không đọc sách Khải Huyền vì họ nghĩ sách này toàn những điểu huyền nhiệm, có đọc cũng không hiểu được. Người ta xem sách này như quyển sách có bảy ấn. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời lại nói về sách Khải Huyền rằng: Nếu ai đọc thì sẽ được phước. Cho nên chúng ta nên đọc sách này. Dĩ nhiên nếu không đọc thì chúng ta sẽ không hiểu những điều mà Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho chúng ta. Vì thế, Đức Chúa Trời muốn đặt quyển sách này vào lòng chúng ta, muốn chúng ta tiếp nhận những lời trong đó cách nghiêm túc và gìn giữ những lời tiên tri này. Sách này vô cùng quan trọng đối với chúng ta hôm nay vì thì giờ đã gần rồi. Qua sách này, Chúa Giê-su Christ muốn bày tỏ cho chúng ta biết những điều sắp xảy đến. Do đó, chúng ta phải gìn giữ những lời này.

Sau đó, Chúa nói với sứ đồ Giăng: “Nguyền xin ân điển và sự bình an ban cho anh em từ nơi Đấng Hiên Có, Đã Có, và Sắp Đến, cùng từ nơi bảy Linh ở trước ngai Ngài, và từ nơi Giê-su Christ là chứng nhân trung tín, Đấng sinh trước nhất từ những kẻ chết và là Chúa của các vua trên đất!” (câu 4-5). Quyển sách này thực sự liên quan đến Giê-su Christ và các nhận xét của Ngài về các Hội Thánh thông qua ba chương đầu. Chúa sẽ phán xét dân Chúa và Hội Thánh của Ngài thông qua điều mà Ngài thấy. Sau đó, Giăng nói tiếp về Giê-su Christ “…Đấng yêu thương chúng ta đã lấy huyết mình giải thoát chúng ta khỏi những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên các vua và các thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, là Cha Ngài” (5-6). Điều này thật tuyệt vời! Qua Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã bày tỏ tình yêu của Ngài dành cho loài người chúng ta. Ngay từ lúc sinh ra, chúng ta đã là những tội nhân, bị chia cắt với Đức Chúa Trời. Tội lỗi chia cắt chúng ta với Đức Chúa Trời và cản trở chúng ta có mối quan hệ gần gũi với Ngài. Tuy nhiên, vì Đức Chúa Trời yêu thương loài người chúng ta rất nhiều, đến nỗi Ngài đã trở thành người trong Giê-su Christ. Và người Giê-su này đã sống một cuộc đời trọn vẹn và đã chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi. Điều này vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, nếu hôm nay những ai chưa tin tiếp nhận Chúa Giê-su thì chúng tôi khích lệ người đó hãy làm. Chỉ bởi đức tin nơi Chúa Giê-su và bởi báp-tem vào trong Ngài, con người mới được cứu rỗi, được cứu khỏi tội lỗi, khỏi sự xa cách Đức Chúa Trời và khỏi sự phán xét đời đời. Khi ngày phán xét của Ngài đến, những ai không có Chúa Giê-su sẽ bị hư mất đời đời. Kinh Thánh nói điều này rất rõ. Nhưng Đức Chúa Trời đã chuẩn bị tất cả, chúng ta chỉ cần tin Chúa Giê-su và tiếp nhận Ngài để được cứu.

Tuy nhiên, điều này chỉ là bước đầu tiên trong chương trình của Đức Chúa Trời. Tiếc rằng, nhiều tín đồ chỉ dừng lại ở điểm này. Sự tha thứ tội lỗi, sự cứu chuộc dĩ nhiên là rất quý vì chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và có thể đến với Đức Chúa Trời. Nhưng đó chỉ là bắt đầu. Phần hai trong câu Kinh Thánh ở trên nói rằng Đức Chúa Trời đã định cho chúng ta trở thành các vua và các thầy tế lễ. Đây là sự kêu gọi rất cao của Đức Chúa Trời đối với Cơ Đốc nhân chúng ta. Sau đó Kinh Thánh nói tiếp: “Kìa, Ngài đến với các đám mây. Mọi mắt sẽ nhìn thấy Ngài”. Ngay từ đầu, sách Khải Huyền đã nói rất rõ là Chúa Giê-su sẽ trở lại và mọi người sẽ thấy Ngài. Nên chúng ta phải chuẩn bị cho điều này.

Bây giờ chúng ta đi đến phần cuối của sách này và cũng là phần cuối của cả Kinh Thánh. Trước tiên, chúng ta cần ý thức điều này: nếu Đức Chúa Trời ban lời của Ngài thì chắc chắn trong những trang cuối cùng, Ngài sẽ nhấn mạnh và tóm tắt những điều cốt lõi. Vì vậy, hiểu được những gì ở cuối Kinh Thánh là điều quan trọng đối với chúng ta. Bài này chia sẻ về chương 17 và chương 21.

Trong chương 17, một trong bảy thiên sứ có bảy bát đến nói với Giăng: “Hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi sự phán xét dành cho con điếm lớn…Thiên sứ ấy đem tôi trong Linh vào một hoang mạc. Và tôi thấy một người đàn bà,… Trên trán nó có ghi một cái tên: sự mầu nhiệm, Ba-by-lôn lớn, mẹ của các con điếm và của các sự gớm ghiếc trên đất” (câu 1-5). Ở đây Giăng thấy một con điếm lớn có tên là Ba-by-lôn, là tên của một thành phố. Như vậy chúng ta gọi khải thị thứ nhất là Ba-by-lôn, mẹ của các con điếm.

Trong chương 21, Giăng thấy một điều khác. Cấu trúc câu trong đó cũng khá giống với những câu ở trên. Một trong bảy thiên sứ có bảy bát lại đến với Giăng và cũng nói: “Hãy đến đây, ta sẽ chỉ cho ngươi Cô Dâu, là vợ của Chiên Con. Rồi thiên sứ ấy mang tôi đi trong Linh đến một ngọn núi lớn và cao, rồi chỉ cho tôi thành thánh Giê-ru-sa-lem từ Ðức Chúa Trời, từ trời mà xuống, có vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 21:9-11). Như vậy chúng ta gọi khải thị thứ hai là Giê-ru-sa-lem, cô dâu của Chiên Con.

Như vậy, ở cuối Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã cho Giăng thấy hai người đàn bà. Một người thì Đức Chúa Trời gọi là con điếm, còn người kia là Cô Dâu, vợ của Chiên Con. Cả hai đều được gọi bằng tên của thành phố. Thành phố đầu là Ba-by-lôn, là thành lớn. Còn thành phố thứ hai là Giê-ru-sa-lem, được gọi là thành thánh. Ở đây Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho chúng ta hai điều. Chúng có liên quan với nhau, vì cấu trúc câu ở đây khá giống nhau.

Đầu tiên, chúng ta phải nhận ra được rằng cả hai người đàn bà này đều liên quan đến dân Chúa. Ba-by-lôn, con điếm lớn, không phải là người không tin Chúa, mà cả Giê-ru-sa-lem lẫn Ba-by-lôn đều nói đến dân Chúa. Trong toàn Kinh Thánh, Đức Chúa Trời xem dân Ngài, những người mà Ngài chọn, là vợ của Ngài. Ví dụ, trong sách tiên tri Ê-sai, khoảng 700 năm trước khi Chúa đến, Đức Chúa Trời phán: “Vì Ðấng tạo thành ngươi là chồng ngươi; danh Ngài là Chúa của các đạo quân” (Ê-sai 54:5). Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã chon dân Israel làm dân Ngài. Nhưng dân Chúa không chỉ như những người tin Ngài, mà Chúa phán rằng Ngài là chồng của họ. Ê-sai cũng nói họ là cô dâu của Đức Chúa Trời, còn Ngài, Đấng tạo thành họ, muốn kết hôn với họ. Chúa dùng từ “cô dâu” và “chú rể” ở đây. Tại sao Đức Chúa Trời gọi dân Ngài là vợ? Điều này nói lên mối quan hệ mà Đức Chúa Trời muốn có với loài người chúng ta. Đức Chúa Trời không chỉ muốn Ngài là Đức Chúa Trời của chúng ta, mà Ngài muốn có một mối quan hệ sâu sắc với loài người chúng ta, như giữa cô dâu và chú rể. Đó chính là mục tiêu của Đức Chúa Trời. Cô dâu và chú rể không chỉ là một quan hệ mà còn có liên quan đến hôn lễ. Khải Huyền 21 giới thiệu cô dâu vì cuối Kinh Thánh là một hôn lễ. Đức Chúa Trời muốn cưới dân Ngài. Trong thời Tân Ước, dân Ngài không chỉ là dân Israel mà trong thư 2.Cô-rinh-tô, Phao-lô viết cho các Cơ Đốc nhân “tôi đã đính hôn anh em cho một người chồng, dâng anh em như người trinh nữ tinh sạch cho Đấng Christ” (2.Cô-rinh-tô 11:2). Phao-lô muốn đính hôn những Cơ Đốc nhân với Đấng Christ. Sự đính hôn sẽ đi đến hôn lễ. Toàn bộ Kinh Thánh cho thấy là Đức Chúa Trời muốn cưới dân Ngài. Như vậy cụm từ “người đàn bà” có liên quan đến dân Đức Chúa Trời.

Nhưng tại sao dân Đức Chúa Trời lại trở thành con điếm? Kinh Thánh nói đến điều này rất rõ: “Như một người đàn bà không chung thủy với chồng mình thế nào thì các ngươi cũng không trung tín với Ta như vậy” (Giê-rê-mi 3:20). Trong Ê-sai 1, Chúa còn nói rõ hơn nữa “Ôi, thành trung tín xưa kia sao nay đã trở thành một con điếm!” (Ê-sai 1:21). Còn trong sách Khải Huyền, Chúa phải nói với các tín đồ thời Tân Ước từ rất sớm rằng “Nhưng Ta có điều trách ngươi, là ngươi đã bỏ tình yêu ban đầu” (Khải Huyền 2:4). Qua đó có thể thấy một sự phát triển. Đức Chúa Trời đã chọn một dân cho Ngài. Nếu chúng ta tin Chúa Giê-su thì chúng ta cũng thuộc về dân Ngài. Sau đó, Đức Chúa Trời muốn cưới dân Ngài và cũng muốn dân Ngài cũng trung thành với Ngài hoàn toàn. Tuy nhiên, dân Israel và các Cơ Đốc nhân đã bất trung với Chúa. Dân Israel đã thờ các thần khác và chạy theo các thần tượng. Đáng lẽ họ phải là một dân thánh, được biệt riêng cho Đức Chúa Trời và chỉ thuộc về Ngài thôi. Nhưng họ đã trộn lẫn với các nước xung quanh và đã phục vụ các thần tượng của chúng, dù đó chỉ là các hình tượng câm điếc. Như vậy, dân của Đức Chúa Trời đã từ cô dâu mà trở thành con điếm. Điều này phải cho chúng ta thấy rằng con điếm lớn Ba-by-lôn này không nói đến những người không tin Chúa mà nói đến những tín đồ đã trở nên bất trung với Đức Chúa Trời. Như vậy Ba-by-lôn có liên quan đến các Cơ Đốc nhân chúng ta ngày nay.

Trong bài này, chúng ta sẽ thấy có một câu hỏi mang tính quyết định là chúng ta thuộc về Ba-by-lôn, con điếm lớn, hay thuộc về Giê-ru-sa-lem, Cô Dâu?

Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã chọn Giê-ru-sa-lem làm nơi ở của Ngài, để Ngài có thể ở giữa dân Ngài. Trong Thi Thiên 132, “Vì CHÚA đã chọn Si-ôn [Giê-ru-sa-lem]; Ngài ước Si-ôn làm nơi ở của Ngài” (câu 13). Si-ôn này ở thành Giê-ru-sa-lem. Điều này nói lên rằng dù Đức Chúa Trời toàn năng có thể ở khắp nơi, nhưng Ngài muốn có một nơi để Ngài có thể ở giữa dân Ngài và có thể gần gũi họ. Đó cũng là nơi mà Ngài có được sự biểu lộ hay một lời chứng ở trên đất, và đó cũng là nơi mà Ngài có thể trị vì. Hình ảnh này cũng quan trọng đối với chúng ta ngày nay. Tác giả của sách Hê-bơ-rơ viết cho các tín đồ gốc Do Thái trong thời Tân Ước rằng họ đã đến núi Si-ôn, đến thành của Ðức Chúa Trời hằng sống (xem Hê-bơ-rơ 12:22). Câu này không nói đến Giê-ru-sa-lem trên đất ở nước Israel mà nói đến Giê-ru-sa-lem trên trời. Và câu sau đó cho biết Giê-ru-sa-lem trên trời này chính là Hội Thánh. Như vậy Hội Thánh không phải là một cái hội hay một tổ chức nào đó. Đối với Đức Chúa Trời, Hội Thánh phải là thành Giê-ru-sa-lem trên trời, là nơi mà Ngài có thể ở và trị vì, và là nơi mà Ngài được biểu lộ.

Ở đây cũng có sự phát triển theo hướng tiêu cực. Dân Chúa đã không vâng phục Ngài. Dân Israel thời trước đã bị tù đày sang Ba-by-lôn như trong bản đồ này. Họ đã từng ở Giê-ru-sa-lem, nơi mà Đức Chúa Trời chọn. Nhưng vì họ phản bội Đức Chúa Trời và không đi theo Ngài nữa nên Đức Chúa Trời phải cho quân Ba-by-lôn đến để phá hủy tất cả và dân Chúa bị lưu đày sang Ba-by-lôn. Câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết không phải ngẫu nhiên mà quân Ba-by-lôn đến, mà dân Giu-đa bị lưu đày sang Ba-by-lôn vì phản bội Đức Chúa Trời. Như vậy Ba-by-lôn là hậu quả của việc dân Chúa bất trung, không vâng phục Đức Chúa Trời và đã chọn con đường riêng của mình. Điều quan trọng cần biết là 70 năm sau đó, vua Si-ru sau khi chinh phục Ba-by-lôn đã cho phép người Giu-đa quay trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại thành và đền thờ cho Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, chỉ có một phần dân sót ít ỏi đã nghe theo lời kêu gọi này, còn đa số người Giu-đa đã ở lại Ba-by-lôn. Vì sau 70 năm, họ đã thích nghi và cảm thấy rất thoải mái ở đó, họ không muốn trở về Giê-ru-sa-lem để xây lại đền thờ cho Đức Chúa Trời, vì lúc đó Giê-ru-sa-lem chỉ là một đống đổ nát . Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta ngày hôm nay.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét 5 đặc điểm của Ba-by-lôn mà Khải Huyền chương 17 và 18 mô tả. Qua đó, chúng ta cũng so sánh với Giê-ru-sa-lem. Trong bài này, chúng ta không muốn phân tích lịch sử hay nói đến người khác mà nói đến chúng ta. Khi nói đến Giê-ru-sa-lem thì câu hỏi được đặt ra là chúng ta phải làm gì để có thể trở thành Cô Dâu mà Đức Chúa Trời muốn cưới và trở thành Hội Thánh mà Đức Chúa Trời đẹp lòng.

Đạo đức giả và sự gian dối

Điểm đầu tiên mà Khải Huyền 17 nói đến là đạo đức giả và sự gian dối. “Người đàn bà mặc áo đỏ tía và đỏ điều, trang sức bằng vàng, đá quý và ngọc trai; tay cầm một chén vàng chứa đầy những thứ gớm ghiếc và ô uế của sự gian dâm nó” (câu 4). Người đàn bà này có vẻ bên ngoài rất tốt đẹp, có vàng, đá, ngọc trai. Tuy nhiên khi Giăng nhìn vào trong cái chén vàng thì toàn những điều gớm ghiếc và ô uế của sự gian dâm. Bây giờ, chúng ta hãy nhìn lại lời mà Chúa Giê-su đã nói với những người Pha-ri-si và thầy dạy luật trong Ma-thi-ơ 23: “Khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật và những người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi chùi rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng bên trong thì đầy dẫy sự cướp bóc và tham lam” (câu 25). Ở đây, Chúa nói với những người lãnh đạo tôn giáo chứ không phải nói với những người không tin. Lúc đó, ai cũng nghĩ họ luôn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và luôn đi đúng đường. Nhưng không phải như vậy, Chúa Giê-su nói với những người lãnh đạo Do Thái giáo: “Khốn cho các ngươi, những thầy dạy luật và những người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả!”. Tại sao Ngài gọi là những kẻ đạo đức giả. Tại vì họ chùi rửa bên ngoài chén dĩa, nhưng bên trong họ thì đầy dẫy sự cướp bóc và tham lam. Cái chén vàng của con điếm lớn Ba-by-lôn bên ngoài nhìn rất đẹp. Qua đây, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta vấn đề lớn đầu tiên của dân Chúa là nếu nhìn bề ngoài thì có vẻ tốt đẹp, vì họ cầu nguyện và đi nhóm trong nhà hội. Cũng như chúng ta đi lễ thờ phượng Chúa và làm nhiều việc tôn giáo. Tuy nhiên, vì Chúa có thể nhìn vào lòng họ nên Chúa nói là bên trong họ đầy sự cướp bóc và tham lam. Như vậy, bên trong Ba-by-lôn đầy những sự thối nát.

Còn Giê-ru-sa-lem, cô dâu của Chiên Con, thì như thế nào? Khải Huyền 21 cho biết “thành thì bằng vàng ròng, như thủy tinh trong suốt. Các nền móng của tường thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý… Mười hai cổng là mười hai khối ngọc trai… Tất cả những gì ô uế cũng như những kẻ làm điều ghê tởm và gian dối đều không được vào thành” (Khải Huyền 21:18-21, 27). Như vậy, nhìn vào hai thành thì đều thấy có vàng. Nhưng Ba-by-lôn thì chỉ trang trí vàng ở bên ngoài, còn bên trong thì hoàn toàn thối nát. Trái lại, Giê-ru-sa-lem thì hoàn toàn làm bằng vàng. Thậm chí Kinh Thánh còn nói là trong như thủy tinh, có nghĩa là người ta có thể nhìn xuyên qua và không có điều gì giấu kín cả. Vàng trong Kinh Thánh tượng trưng cho bản chất của Đức Chúa Trời. Ba-by-lôn bọc vàng ở bên ngoài có nghĩa là nhìn bề ngoài người ta nghĩ nó tốt đẹp và có vẻ như Ba-by-lôn từ Đức Chúa Trời mà ra. Nhưng Giê-ru-sa-lem thực sự có bản chất của Đức Chúa Trời ở bên trong. “Tất cả những gì ô uế cũng như những kẻ làm điều ghê tởm và gian dối đều không được vào thành”. Có nghĩa là trong một Hội Thánh, Cô Dâu, mà Đức Chúa Trời muốn có thì không được có bất kỳ sự ô uế hay gian dối nào. Vì Đức Chúa Trời biết loài người chúng ta vẫn còn những điều này ở bên trong, nên Ngài yêu cầu chúng ta: “Vậy, anh em hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả dối và ghen tị cùng mọi lời nói xấu” (1.Phi-e-rơ 2:1). Như vậy, điều quan trọng đầu tiên mà chúng ta phải thấy là Ba-by-lôn không ở xa chúng ta như chúng ta đã nghĩ. Nếu chúng ta trung thực thì sẽ thấy nhiều lúc bên ngoài chúng ta cầu nguyện, hay làm gì cho Chúa, nhưng lòng chúng ta thì ở nơi khác. Chúng ta cũng hay phát hiện những điều giả dối, xảo trá ở trong mình. Vậy, chúng ta phải bỏ những điều này để có thể trở thành Cô Dâu.

Sự gian dâm: không trung thành và pha trộn

Điểm thứ hai chính là sự gian dâm của Ba-by-lôn, vì nó là con điếm lớn. Gian dâm có nghĩa là không trung thành và pha trộn với nhiều thứ khác. Khải Huyền 17 nói về con điếm: “các vua trên đất đã phạm tội gian dâm với nó” (câu 2). Lịch sử giáo hội 2000 năm qua, nhất là trong thời Trung Cổ, cho thấy dân Chúa đã pha trộn nhiều với quyền lực chính trị, như ở đây nói là “các vua trên đất”. Hội Thánh mà Đức Chúa Trời muốn có thì không có liên quan gì đến chính trị. Trong Kinh Thánh, từ “gian dâm” có nghĩa là thờ hình tượng. Có lẽ nhiều người trong chúng ta nghĩ mình không thờ hình tượng. Nhưng khi nhìn vào cái hình này, chúng ta phải biết rằng ngày nay nhiều tín đồ đang phạm tội thờ hình tượng, như thờ Ma-ri-a trong hình này. Chúng ta đừng nghĩ điều này xa vời với dân Chúa. Ngày nay có hàng triệu Cơ Đốc nhân thực sự tin Chúa, nhưng lại thờ rất nhiều thần hay thánh khác. Đức Chúa Trời gọi điều này là sự gian dâm. Đó cũng là đặc điểm nổi bật của Ba-by-lôn.

Một điều khác của sự gian dâm đã đi vào trong dân Chúa là truyền thống. Chúa Giê-su đã từng nói với những người lãnh đạo tôn giáo thời đó rằng: “các ngươi đã vì truyền thống mình mà hủy bỏ lời của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 15:6). Đây là điều mà chúng ta có thể quan sát được trong Cơ Đốc giáo, 2000 năm qua đã có nhiều truyền thống đi vào trong giáo hội. Trong những tuần qua, tôi có nhiều cơ hội để nói chuyện với nhiều Cơ Đốc nhân. Tôi để ý là nếu người ta trích dẫn Lời Chúa và nói đó là chuẩn mực của chúng ta, thì hiếm có người nào đồng ý. Thậm chí một người nói với tôi: “Chúng ta không thể làm theo giống Kinh Thánh như vậy được mà phải xem xét truyền thống”. Đáng lẽ, Kinh Thánh phải là tiêu chuẩn duy nhất của chúng ta, nhưng truyền thống đã đi vào trong dân Đức Chúa Trời. Ví dụ nhiều tín đồ dùng chuỗi hạt để cầu nguyện. Rồi có nhiều người cho em bé chịu phép báp-tem. Kinh Thánh không bao giờ nói như vậy. Qua nhiều thế kỷ, người ta đã đem nhiều truyền thống như vậy  vào trong Hội Thánh, những điều này không chỉ không có trong Kinh Thánh mà còn trái với Lời Đức Chúa Trời. Đó cũng là sự gian dâm. Gia-cơ nói với chúng ta “Hỡi những kẻ ngoại tình, anh em không biết làm bạn với thế giới là thù nghịch với Đức Chúa Trời sao?” (Gia-cơ 4:4). “Kẻ ngoại tình” làm chúng ta nhớ lại hình ảnh người vợ không chung thủy. Sự pha trộn cũng là kết bạn với thế giới. Có nhiều điều của thế giới này đã pha trộn với dân Chúa. Kinh Thánh cho biết rằng Chúa Giê-su đã chuộc chúng ta và đã cứu chúng ta ra khỏi thế giới này. Ngài cũng từng nói rằng chúng ta không thuộc về thế giới này. Nhưng bởi sự gian dâm này mà ngày nay có rất nhiều thứ của thế giới này đã đi vào trong Hội Thánh.

Vì Phao-lô thấy sự pha trộn này nên ông nói với các tín đồ: “sự công chính và gian ác có kết hiệp với nhau được không? Ánh sáng [2] và bóng tối có hiệp thông với nhau được không? Ðấng Christ và Bê-li-an [Sa-tan] có hòa hợp chăng? Hay người tin có chung phần gì với kẻ không tin? Có thể nào hiệp đền thờ Đức Chúa Trời lại với thần tượng sao?… Vì thế, hãy ra khỏi chúng, hãy biệt riêng các ngươi ra, Chúa phán, đừng động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi” (2.Cô-rinh-tô 6:14-17). Thành Giê-ru-sa-lem được gọi là thành thánh Giê-ru-sa-lem. Trong Kinh Thánh, từ “thánh” có nghĩa là biệt riêng cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời muốn dân Ngài biệt riêng ra cho Ngài, không được pha trộn với thế giới này, với chính trị, truyền thống, hay với những gì không tương xứng với Ngài. Như vậy, nếu thấy những điều này ở giữa chúng ta phải làm gì? Kinh Thánh bảo: “hãy ra khỏi chúng”. Chúng ta phải biệt riêng mình và chống lại những điều đó vì Kinh Thánh gọi đó là sự gian dâm.

Bắt bớ các tín đồ trung thành

Khải Huyền 17 còn mô tả một đặc điểm khác của Ba-by-lôn: “Tôi thấy người đàn bà đó say máu các thánh đồ và máu các nhân chứng của Giê-su. Khi tôi thấy nó, tôi vô cùng kinh ngạc” (câu 6). Bây giờ chúng ta thấy thêm thứ gì ở trong cái chén mà người đàn bà uống. Chúa Giê-su cũng nói với những người lãnh đạo tôn giáo trong Ma-thi-ơ 23: “Vì thế, Ta sai các tiên tri, những người khôn ngoan, và các thầy dạy luật đến với các ngươi; trong những người ấy, người thì các ngươi giết và đóng đinh, người thì bị các ngươi đánh đập… bắt bớ…, để tất cả máu vô tội đã đổ ra trên đất… đổ lên trên các ngươi” (câu 23-35). Những điều này liên quan đến dân Đức Chúa Trời. Tại sao Ba-by-lôn lại say máu các thánh đồ? Lịch sử cho biết rằng rất nhiều Cơ Đốc nhân đã bị lùng bắt, bị giết hại và tra tấn bởi giáo hội Công Giáo [3] La Mã. Chúng ta hãy suy nghĩ xem ai đã giết hại nhiều Cơ Đốc nhân như vậy? Không phải là những người không tin mà là bởi những người tự xưng là tín đồ. Vào thời Chúa Giê-su cũng vậy, ai đã giết Ngài? Đó là những người Pha-ri-si và các thầy dạy luật, mọi người nghĩ họ là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta ở nước Đức không còn bị giết, bắt bớ hay tra tấn nữa. Tuy nhiên, trong những năm qua, chúng tôi thấy rằng người ta ngày càng chống đối chân lý. Cách đây vài tuần, chúng tôi phát thư mời và dán thông cáo cho buổi thuyết trình tại Vaihingen. Trong đó không có gì khác ngoài tựa đề của bài thuyết trình và lời Chúa. Những người chống đối chúng tôi nhiều nhất không phải là những người vô thần hay người không tin mà là nhà thờ, là những người theo tôn giáo. Người cho chúng tôi thuê chỗ thuyết trình đã kể rằng nhiều người đại diện nhà thờ đã gọi cho ông để cảnh báo và nói xấu đủ điều về chúng tôi nhằm ngăn chặn chúng tôi chia sẻ chân lý. Chúng tôi không có làm gì xấu xa cả, mà chỉ đọc Kinh Thánh và chia sẻ những chân lý trong đó thôi.

Chúng ta phải biết rằng ngày nay chân lý cũng bị chống đối và bắt bớ. Nếu chúng ta muốn là cô dâu của Chiên Con thì chúng ta không được như vậy. Thư Ti-mô-thê cho chúng ta biết Hội Thánh của Chúa phải là cột trụ và nền tảng của chân lý. Nếu chúng ta ở trong một Hội Thánh hay trong nhóm mà người ta không dám nói chân lý nữa hay có thỏa hiệp với chân lý hay chân lý không còn ở vị trí đầu tiên nữa thì chúng ta có thể chắc rằng chỗ đó có liên quan đến Ba-by-lôn. Thậm chí họ còn bắt bớ và chống đối những người đi theo chân lý. Chính vì vậy, chúng ta phải biết rằng: “Thật vậy, tất cả những ai muốn sống tin kính trong Christ Giê-su đều sẽ bị bắt bớ” (2.Ti-mô-thê 3:12). Nhưng Chúa Giê-su cũng nói: “Phước cho những người bị bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng thuộc về họ!” (Ma-thi-ơ 5:10). Trong các câu kế, Chúa còn nói rằng: “Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của các ngươi ở trên trời là lớn lắm; bởi vì họ cũng từng bắt bớ các tiên tri trước các ngươi như vậy” (câu 12). Nếu bị bắt bớ thì chúng ta đừng nản lòng mà phải vui mừng hớn hở vì đó là một dấu hiệu tốt. Nếu Cơ Đốc nhân chúng ta không bị chống đối mà lúc nào cũng thuận lợi, luôn cảm thấy dễ chịu thì chúng ta phải kiểm tra xem mình còn đi theo đường của chân lý không và chúng ta còn là Giê-ru-sa-lem, cô dâu của Chiên Con không? Nếu là Giê-ru-sa-lem thì người ta sẽ bắt bớ chúng ta, như vậy thì nước thiên đàng sẽ thuộc về chúng ta. Chúa Giê-su nói phần thưởng của chúng ta ở trên trời là lớn.

Độ lớn, quyền lực và địa vị

Một điểm đặc trưng của Ba-by-lôn nữa là độ lớn, quyền lực và địa vị. Khải Huyền 17 nói rằng: “Người đàn bà ngươi thấy là thành lớn, nắm quyền thống trị các vua trên đất” (câu 18). Thật vậy, lịch sử cho biết rằng có một giai đoạn nhiều thế kỉ, giáo hội không chỉ pha trộn với chính trị mà còn nắm quyền thống trị các vua nữa. Giáo hội đã lập vua và truất phế vua các nước. Kinh Thánh đã nói điều này trước đó rồi.

Khải Huyền 2:15 nói đến Hội Thánh Bẹt-găm: “Ngươi cũng có những kẻ nắm giữ sự dạy dỗ của đảng Ni-cô-la, điều mà Ta ghét”. Từ Ni-cô-la có nghĩa là thống trị trên dân Chúa. Đây là điều mà Đức Chúa Trời ghét. Trong các Hội Thánh của Cơ Đốc giáo, chúng ta thường thấy điều này. Như trong hình này, thường có một người làm tất cả, có quyền thống trị, nắm mọi thứ trong tay. Còn những người khác là giáo dân, chỉ ngồi bị động, họ đến để nghe, rồi đi về. Chúa Giê-su còn nói với những người Pha-ri-si trong Ma-thi-ơ 23 “Họ làm mọi việc cốt để người ta thấy” (câu 5). Ngày nay, nhiều Cơ Đốc nhân rất xem trọng sự tôn kính, địa vị, quyền lực. Cái kim tự tháp trong hình nói đến nhiều cấp bậc trong nhà thờ. Nhưng trong Ma-thi-ơ 20, Chúa Giê-su đã nói hoàn toàn khác: “nhưng giữa các ngươi thì không được như vậy”. Có nghĩa là giữa chúng ta không được có cấp bậc hay sự thống trị theo cách của thế giới. Chúa nói tiếp: “trái lại, ai muốn làm lớn trong các ngươi thì phải làm đầy tớ các ngươi; ai trong các ngươi muốn làm đầu thì phải làm nô lệ của các ngươi; như Con người đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:26-28). Như vậy, khi Chúa Giê-su đến, Ngài đến để phục vụ và Ngài đã tự hạ mình. Nhưng sau nhiều thế kỉ, giữa các tín đồ đã xuất hiện một hệ thống đầy những cấp bậc có liên quan đến địa vị, quyền lực. Chân lý không còn được xem trọng nữa mà người ta chỉ muốn địa vị. Chúa Giê-su đã nói rất rõ về điều này: “các ngươi không được để người ta gọi mình là thầy”. Cũng có thể nói là không được để người ta gọi mình là mục sư. “… vì các ngươi chỉ có một Thầy, là Đấng Christ, và các ngươi hết thảy đều là anh em” (Ma-thi-ơ 23:8). Như vậy, ở Giê-ru-sa-lem, Hội Thánh mà Đức Chúa Trời muốn có, thì không được có quyền lực và cấp bậc, mà tất cả chúng ta đều là anh em và chúng ta chỉ có một Chủ và một Thầy, đó là Đấng Christ. Chúng ta chỉ có một Cha là Đức Chúa Trời. Không ai được phép để người ta gọi mình là “Thánh Cha”.

Sự thịnh vượng và giàu có

Điểm thứ năm mà chúng ta cần thấy về Ba-by-lôn là sự thịnh vượng và giàu có. Khải Huyền 18 mô tả tiếp về Ba-by-lôn: “… các thương gia trên đất đã nên giàu có bởi sự quá xa hoa của nó…nó đã tự tôn vinh mình và sống xa hoa bao nhiêu” (Khải Huyền 18:3,7). Hình này nói đến sự giàu có và xa hoa. Tôi tin là chúng ta không tưởng tượng được là giáo hội ngày nay thịnh vượng và giàu có như thế nào. Nhưng có lẽ chúng ta nghĩ mình không giàu có nên không bị vấn đề này. Như vậy cũng không đúng lắm. Chúa Giê-su đã nói với Hội Thánh Lao-đi-xê trong Khải Huyền 3: “Vì ngươi nói: Tôi giàu, tôi đã nên giàu có rồi, tôi không cần gì nữa. Nhưng ngươi không biết rằng mình đang khốn khổ, đáng thương, nghèo ngặt, đui mù và lõa lồ” (câu 17). Ở đây, Chúa không nói đến sự giàu có về vật chất mà nói đến sự giàu có thuộc linh. Hội Thánh này không còn mở lòng để đón nhận những điều mới mẻ từ Đức Chúa Trời và không chịu đi tiếp nữa. Họ nghĩ mình đã có tất cả rồi nên không cần gì cả. Nhưng Chúa nói họ khốn khổ, đáng thương, đui mù và lõa lồ. Mỗi người chúng ta hãy tự xét lòng xem mình đói khát Đức Chúa Trời hằng sống nhiều như thế nào? Lòng chúng ta có khao khát quen biết Đấng Christ nhiều hơn và có muốn nhận được từ Đức Chúa Trời nhiều hơn không? Hay chúng ta đã thỏa mãn và cho rằng mình đã giàu về mặt thuộc linh rồi, đã có đủ rồi nên không cần gì nữa. Qua điểm này, chúng ta có thể thấy Ba-by-lôn không ở xa chúng ta. Những gì Đức Chúa Trời phán về Ba-by-lôn và Giê-ru-sa-lem đều có liên quan đến chúng ta.

Chúa Giê-su cho biết chúng ta phải như thế nào: “Các ngươi đừng tích trữ của cải ở trên đất, là nơi có mối mọt và gỉ sét làm hư, và kẻ trộm đột nhập và lấy cắp; nhưng các ngươi hãy tích trữ của cải ở trên trời…” (Ma-thi-ơ 6:19-20). Chúa Giê-su đã nói rõ là chúng ta đừng tích trữ của cải ở trên đất. Nếu Cơ Đốc nhân chúng ta chạy theo sự nghiệp, làm giàu, hạnh phúc đời này,.. thì đó là một mối nguy hiểm vì những điều này có thể làm chúng ta bị lạc hướng và hủy hoại chúng ta. Nên  chúng ta cần tỉnh thức để thấy mọi thứ sẽ qua đi, khi Chúa Giê-su trở lại thì sẽ không còn gì cả. Nếu chúng ta chết đi thì cũng không còn gì. Chỉ những của cải trên trời mà chúng ta hôm nay tích trữ thì sẽ còn. Sau khi Lao-đi-xê có thái độ không cần gì nữa, Đức Chúa Trời đã nói với họ: “Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của Ta” (Khải Huyền 3:18). Chúng ta cần thái độ như trong Ma-thi-ơ 5:3 “Phước cho những người nghèo khó trong linh, vì vương quốc thiên đàng là của họ”. Chúng ta nghèo khó trong linh như thế nào? Chúng ta đói khát Đức Chúa Trời nhiều như thế nào? Nếu chúng ta cảm thấy bên trong mình đã no đủ và thỏa mãn, chúng ta phải từ bỏ nó và nói với Chúa: “Chúa ơi, con không muốn như thế. Con muốn là một người nghèo khó trong linh, để có thể luôn nhận được từ Chúa”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta mua vàng từ Ngài. Vàng này chính là bản chất của Đức Chúa Trời. Chúng ta đã thấy rằng Giê-ru-sa-lem hoàn toàn làm bằng vàng. Nếu chúng ta muốn là Giê-ru-sa-lem thì chúng ta cần vật liệu này, cần bản tính của Đức Chúa Trời. Hôm nay chúng ta phải quen biết Ngài, phải trải nghiệm Ngài.

Tình trạng của Cơ Đốc nhân hiện nay

Bây giờ, tôi trình bày tóm tắt lại tình trạng của các Cơ Đốc nhân hiện nay. Chúng ta có thể thấy là Hội Thánh đã phát triển theo hướng tiêu cực. Lúc đầu, Hội Thánh thực sự là cô dâu thánh khiết. Các Hội Thánh đầu tiên trong sách Công Vụ các sứ đồ thật tuyệt vời, họ thực sự biệt riêng ra khỏi thế gian. Họ đã từ bỏ của cải mình vì Chúa và họ không có địa vị, quyền lực gì. Lúc đó, Hội Thánh thực sự là cô dâu thánh khiết. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều điều trà trộn vào Hội Thánh ngày càng nhiều. Cuối cùng, Hội Thánh đã trở thành một hệ thống tôn giáo đồ sộ, là Ba-by-lôn.

Bây giờ chúng ta phải thấy rằng Ba-by-lôn là mẹ của các con điếm. Nếu người phụ nữ không có con thì sẽ không được gọi là mẹ thì Ba-by-lôn cũng sẽ không được gọi là mẹ nếu không có con. Như vậy, Ba-by-lôn có nhiều con gái. Giáo hội Công Giáo La Mã chính là người mẹ. Lịch sử cho biết là cách đây khoảng 500 năm có cuộc cải cách giáo hội và từ đó xuất hiện giáo hội Tin Lành. Sau đó, ngày càng có nhiều nhóm tách ra, có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng nguồn gốc của họ là bắt đầu từ người mẹ này. Các nhóm này cũng thừa hưởng nhiều đặc điểm từ người  mẹ. Nhiều đặc điểm của Ba-by-lôn mà chúng ta thấy hôm nay không chỉ có trong giáo hội Công Giáo mà có thể thấy khắp nơi trong Cơ Đốc giáo.

Ngoài ra, từ “Ba-by-lôn” trong Kinh Thánh có một nghĩa là “rối loạn dẫn đến chia rẽ”. Kinh Thánh nhắc đến Ba-by-lôn lần đầu tiên trong Sáng Thế Ký 11, khi nói đến tháp Ba-bên, Ba-by-lôn và Ba-bên đều nói đến cùng một địa danh (Ba-by-lôn là tiếng Hy Lạp, Ba-bên là tên theo tiếng Do Thái). Lúc đó, loài người xây dựng cái mà Đức Chúa Trời không muốn có. Ngày nay, cũng vậy, loài người chúng ta xây điều mà Đức Chúa Trời không muốn. Lúc đó, Đức Chúa Trời đã phán xét họ, hậu quả là rối loạn ngôn ngữ. Đột nhiên, họ nói nhiều thứ tiếng khác nhau, nên họ bị rối trí và chia rẽ vì không còn hiểu nhau được nữa. Và sự chia rẽ là một đặc điểm nổi bật của Cơ Đốc giáo hôm nay. Nếu nhìn vào Cơ Đốc giáo sa ngã thì chúng ta thấy đó là sự pha trộn với mọi thứ khác và đầy rối loạn. Không ai biết điều gì đúng, mỗi người có ý kiến riêng, mỗi người làm theo điều mà mình cho là đúng. Nếu một người vừa mới tin Chúa hỏi là nên đi theo Hội Thánh nào thì sẽ có một sự rối loạn lớn vì có quá nhiều loại Hội Thánh khác nhau. Người ta không còn biết đâu là con đường đúng. Không có dân nào trên trái đất này mà chia rẽ nhiều như Cơ Đốc nhân chúng ta.

Chúng ta phải thấy rằng có một nhà ngục lớn cho dân Đức Chúa Trời. Dân Chúa đang bị giam giữ vì họ không ở nơi mà Đức Chúa Trời muốn. Vấn đề của ngục tù này là người ta không biết là mình đang bị giam. Chính vì vậy, chúng tôi chia sẻ bài này không phải nhằm để chỉ trích người khác mà để chúng ta ý thức rằng dân Chúa đang bị giam cầm và điều này cản trở Đức Chúa Trời thực hiện kế hoạch của Ngài đối với các Cơ Đốc nhân. Thậm chí, thư Rô-ma nói rằng: “Vì cớ các ngươi, danh Ðức Chúa Trời đã bị phỉ báng giữa các dân ngoại” (Rô-ma 2:24). Thực vậy, ngày nay, nhiều người không muốn liên can gì đến Đức Chúa Trời vì họ đã thấy quá nhiều tiêu cực trong nhà thờ và trong các nhóm Cơ Đốc. Họ thất vọng vì những gì họ đã thấy. Thay vì Hội Thánh phải là chứng cớ của Đức Chúa Chúa Trời và cho người ta thấy sự vinh hiển của Ngài, nhưng bây giờ Hội Thánh đã trở thành một cái gì đó đã làm nhiều người vấp phạm.

Ai là người xây hai thành này?

Bây giờ chúng ta đặt ra câu hỏi: Ai đã xây dựng nên hai thành này? Lần này, chúng ta bắt đầu với Giê-ru-sa-lem. Khải Huyền 21 cho biết Giê-ru-sa-lem đến từ trên trời, từ nơi Đức Chúa Trời mà xuống, có sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Câu này nói rõ là thành Giê-ru-sa-lem này đến từ Đức Chúa Trời. Trong Ma-thi-ơ 16, Chúa Giê-su nói: “Ta muốn xây Hội Thánh của Ta, các cửa âm phủ sẽ không thắng được Hội Thánh” (câu 18). Điều này cũng đúng với chúng ta ngày nay. Nếu Chúa là người xây thì các cửa âm phủ sẽ không thắng được. Có nghĩa là nếu Chúa Giê-su xây dựng Hội Thánh của Ngài thì ma quỷ và địa ngục sẽ chẳng làm gì được. Hê-bơ-rơ 11:10 nói về Áp-ra-ham: “vì ông mong đợi một thành phố có nền móng vững chắc do Đức Chúa Trời xây dựng và sáng lập”. Thành này chính là thành Giê-ru-sa-lem. Áp-ra-ham đã trông chờ thành này từ rất lâu. Qua đây, chúng ta thấy Đức Chúa Trời chính là người xây và tạo nên Giê-ru-sa-lem.

Còn ai đã xây Ba-by-lôn? Chúa Giê-su đã nói là “các cửa âm phủ không thể thắng được Hội Thánh” thì làm sao mà ngày nay có quá nhiều thứ của âm phủ đã tràn vào Hội Thánh? Khải Huyền 18 cho biết một điều rất quan trọng về Ba-by-lôn: “Ba-by-lôn lớn đã sụp đổ rồi, đã sụp đổ rồi! Thành ấy đã trở nên chỗ ở của các quỷ, ngục tù của các tà linh ô uế…” (câu 2). Hình ảnh này rất ấn tượng. Kinh Thánh cho chúng ta biết ai đang sống ở đó: các quỷ và các tà linh. Trong Khải Huyền 2, Chúa Giê-su đã nói với một Hội Thánh của các Cơ Đốc nhân, chứ không phải nói với những người không tin: “Ta biết nơi ngươi ở; là nơi có ngai của Sa-tan” (câu 13). Điều này có nghĩa là các tín đồ có thể đang ở trong một Hội Thánh mà ngai vàng của Sa-tan đang ở đó cùng với các quỷ và các tà linh ô uế. Chúa Giê-su đã nói với những người Pha-ri-si và thầy dạy luật rằng: “Các ngươi bởi cha mình, là Ma Quỷ, mà ra, và các ngươi muốn làm theo điều cha các ngươi muốn” (Giăng 8:44). Câu này cho chúng ta biết một điều quan trọng. Khi tin Chúa Giê-su, chúng ta được sinh lại, Đức Chúa Trời là Cha chúng ta, và tâm linh trong chúng ta trở nên sống động. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn có xác thịt, vẫn còn con người cũ của mình. Nếu mỗi ngày chúng ta không ý thức để sống bởi Đấng Christ thì mặc dù đã được sinh lại, chúng ta vẫn sống trong xác thịt, nên không làm theo điều Chúa muốn mà lại làm theo điều mà Ma Quỷ muốn. Chúng ta phải thấy điều này vì đó là nguyên nhân vì sao Hội Thánh của Cơ Đốc nhân lại trở thành một hệ thống của Sa-tan. Bởi vì Cơ Đốc nhân chúng ta không sống theo Thánh Linh, không tìm kiếm Đức Chúa Trời mà chỉ sống theo cái tôi của mình và xây dựng Hội Thánh theo ý mình. Cũng như Đức Chúa Trời muốn dùng con người để xây thì Ma Quỷ cũng muốn dùng con người. Hắn rất xảo quyệt, hắn không xây một cái gì hoàn toàn khác, mà cái hắn xây nhìn sơ có vẻ giống như cái Đức Chúa Trời muốn xây. Vì vậy Ba-by-lôn được trang trí bằng vàng ở bên ngoài. Cái mà Sa-tan xây giống như một bản sao của Giê-ru-sa-lem để làm cho dân Chúa bị lạc hướng khỏi điều mà Đức Chúa Trời muốn có. Cuối cùng, nhiều người nghĩ mình đang ở trong một Hội Thánh hay đi lễ thờ phượng, nhưng thật ra đó là Ba-by-lôn. Chúng ta phải thấy rằng Sa-tan ẩn đằng sau đó. Hắn sử dụng con người, tôn giáo và nhiều thứ khác để xây.

Kết cục của Ba-by-lôn và Giê-ru-sa-lem

Nếu thấy được điều này, chúng ta có thể hiểu kết cục của Ba-by-lôn sẽ như thế nào. Khải Huyền 18 cho chúng ta biết: “Vì những tội lỗi của nó đã chất cao đến tận trời, và Đức Chúa Trời đã nhớ đến các sự gian ác nó… Vì vậy, trong một ngày các tai họa sẽ đến với nó: Nào chết chóc, nào sầu muộn, nào đói kém. Nó sẽ bị thiêu cháy bằng lửa, vì Chúa, Đấng phán xét nó, là Đức Chúa Trời đầy uy quyền” (Khải Huyền 18:5-8). Như vậy, đoạn này nói thật rõ rằng Đức Chúa Trời sẽ phán xét Ba-by-lôn. Tiên tri Ê-sai đã nói điều này từ rất lâu: “Ba-by-lôn… sẽ bị Đức Chúa Trời lật đổ như Sô-đôm và Gô-mô-rơ” (Ê-sai 13:19). Hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã bị lửa và lưu huỳnh từ trời thiêu hủy hoàn toàn. Đức Chúa Trời cũng sẽ hủy diệt Ba-by-lôn, ngục tù của dân Chúa hiện nay, và cũng sẽ phán xét nó như Ngài từng phán xét Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Chúng ta sẽ biết sợ hãi khi thấy Đức Chúa Trời sẽ phán xét và hủy diệt Ba-by-lôn như thế nào.

Còn Giê-ru-sa-lem là “lều tạm của Ðức Chúa Trời ở với loài người! Ngài sẽ ở với họ, họ sẽ là các dân của Ngài, và chính Ðức Chúa Trời sẽ ở cùng họ” (Khải Huyền 21:3). Và ở đó sẽ có “ngai của Ðức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; và các đầy tớ Ngài sẽ phục vụ Ngài… họ sẽ trị vì cho đến đời đời” (Khải Huyền 22:3-5). Thật tuyệt vời, chúng ta đã thấy rằng ở Ba-by-lôn có ngai của Sa-tan, còn ở Giê-ru-sa-lem có ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con. Và chúng ta sẽ cùng trị vì với Ngài mãi mãi cho đến đời đời. Giê-ru-sa-lem sẽ được Chúa chấp nhận và sẽ còn mãi cho đến đời đời. Trái lại, Ba-by-lôn sẽ bị Đức Chúa Trời phán xét và hủy diệt hoàn toàn.

Chúng ta phải làm gì?

Bây giờ chúng ta đến trang cuối của bài này. Hy vọng buổi thuyết trình này không chỉ là một buổi cung cấp thông tin mà nguyện xin Đức Chúa Trời tác động, làm thay đổi chúng ta. Câu hỏi là chúng ta phải làm gì sau khi đã thấy và đã nghe? Chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều vì Kinh Thánh đã nói rất rõ trong Khải Huyền 18:4 “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi nó, để các ngươi khỏi bị dự phần vào những tội lỗi của nó, và để các ngươi không hứng chịu những tai họa của nó”. Kinh Thánh nói rất rõ là chúng ta phải ra khỏi Ba-by-lôn, có nghĩa là ra khỏi hệ thống tôn giáo của Cơ Đốc giáo và ra khỏi những gì thuộc về Ba-by-lôn. Đức Chúa Trời cho biết rằng nếu chúng ta không chịu ra, chúng ta sẽ phải gánh những tai vạ của nó. Giê-rê-mi cũng nói rằng: “Hãy trốn ra khỏi Ba-by-lôn; ai nấy trong các ngươi hãy cứu lấy mạng mình, để các ngươi không bị chết vì tội ác của nó” (Giê-rê-mi 51:6).

Có người nói rằng: “Dù tôi đã thấy nhiều tiêu cực trong nhóm tôi, nhưng tôi vẫn ở lại, vì tôi muốn giúp đỡ các tín đồ ở đó. Có thể chúng ta sẽ thay đổi được cả nhóm”. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng nói đến vấn đề này trong Giê-rê-mi 51:9 “Chúng tôi muốn chữa lành cho Ba-by-lôn, nhưng nó không thể nào lành. Hãy lìa bỏ nó… vì sự phán xét nó lên đến tận trời”. Nhiều người đã cố gắng cứu chữa Cơ Đốc giáo, cố gắng để thay đổi điều gì đó hay tác động theo hướng tích cực. Nhưng ở đây ghi rõ là “nó không thể nào lành”. Ở đó không ai mở lòng cho lẽ thật, mà cảm thấy thoải mái, nên họ không muốn ra. Cũng giống như dân Israel hồi trước, ra khỏi Ba-by-lôn để xây dựng lại Giê-ru-sa-lem thật không đơn giản, vì sau khi bị Ba-by-lôn xâm chiếm, Giê-ru-sa-lem chỉ còn là một đống đổ nát. Ngày nay cũng vậy, nếu chúng ta muốn ra khỏi Ba-by-lôn thì sẽ không đơn giản, nhưng Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng ta, Ngài sẽ giúp chúng ta. Chúng ta phải làm theo cách của Đức Chúa Trời là ra khỏi Ba-by-lôn. Nếu ở lại trong đó thì cũng không giúp được gì cho người khác. Sự giúp đỡ lớn nhất cho họ là chúng ta đi theo con đường của Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể thấy điều tích cực trong Khải Huyền 19 là cuối cùng Đức Chúa Trời đã đạt được mục tiêu của Ngài, Ngài có được một người vợ mà Ngài có thể cưới, một người vợ chỉ thuộc riêng về Ngài, thánh khiết và chung thủy: “Chúng ta hãy hớn hở, vui mừng, và dâng vinh hiển cho Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng” (Khải Huyền 19:7). Điều này chỉ xảy ra sau khi Đức Chúa Trời đã phán xét Ba-by-lôn. Vì vậy, hôm nay chúng ta phải ra khỏi Ba-by-lôn để chuẩn bị cho cô dâu của Chiên Con. Chúa sắp đến rồi, nên chúng ta ra khỏi tình trạng trạng hiện nay và không được ở trong Ba-by-lôn.

Trong Phi-líp 3, Phao-lô cho chúng ta một lời chỉ dẫn: “… Vì Ngài tôi chịu mất tất cả; tôi xem mọi sự như rác để có thể được Ðấng Christ… nhưng tôi cứ làm một điều: quên đi những gì ở đằng sau, vươn tới những gì ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà theo đuổi để đoạt giải về sự kêu gọi trên cao của Đức Chúa Trời trong Christ Giê-su” (Phi-líp 3:8, 14). Nếu chúng ta muốn là Giê-ru-sa-lem thì điều quan trọng nhất mà chúng ta phải làm là theo đuổi Đấng Christ để có Ngài và học để sống bởi Ngài, chứ không phải sống theo xác thịt. Nếu chúng ta không sống bởi Chúa, thì trước sau gì chúng ta cũng trở thành Ba-by-lôn. Chúng ta cũng phải quên đi tất cả những gì ở đằng sau để vươn đến những gì ở phía trước, để chạy về đích mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta: Ngài sẽ mang vương quốc của Ngài đến trái đất này và chúng ta sẽ cùng trị vì với Ngài.

Nhưng điều đầu tiên mà chúng ta phải làm là ra khỏi Ba-by-lôn và lìa khỏi tất cả những gì liên quan đến hệ thống này, và cùng xây Giê-ru-sa-lem với một số những người muốn đạt được điều mà Đức Chúa Trời muốn. Câu Kinh Thánh cuối cùng trong bài này là Khải Huyền 22:7: “Kìa, Ta đến mau chóng. Phước thay cho người nào giữ những lời tiên tri trong sách này!”. Chúa sắp trở lai, nên chúng ta đừng chờ đến ngày mai hay vài năm nữa, mà chúng ta phải vâng phục Chúa, hãy rời bỏ Ba-by-lôn và theo đuổi Giê-ru-sa-lem.

(Dịch từ bài “Kommt aus ihr Kommt aus ihr heraus mein Volk!” của himmlisches-jerusalem.de)