- Vương quốc thiên đàng - https://www.angospel.com -

Lễ Trái Đầu Mùa

Hôm nay chúng ta đến với lễ thứ ba là lễ Trái Đầu Mùa. Lễ này có liên quan đến sự sống lại của Chúa Giê-su Christ. Vào ngày thứ ba, Đấng Christ đã sống lại từ những người chết. Trong sách Công Vụ, tất cả các sứ đồ và các môn đồ đã làm chứng rằng Giê-su Christ đã sống lại vào ngày thứ ba. Điều gì dễ tin hơn: Ngài đã chết trên thập giá hay Ngài đã sống lại từ những người chết? Dĩ nhiên là Ngài đã chết trên thập giá. Vì trước sau gì ai cũng phải chết. Tôi chưa bao giờ thấy ai không phải chết cả. Nhưng anh em đã thấy người nào sống lại chưa? Chúa Giê-su Christ của chúng ta là người đầu tiên sống lại từ những người chết và không bao giờ chết nữa.

Đấng Christ giữ chìa khóa của sự chết và của âm phủ

Khải Huyền 1:17-18 “Vừa thấy Ngài, tôi ngã xuống chân Ngài như chết; nhưng Ngài đặt tay phải lên tôi và nói: Đừng sợ, Ta là Đấng Đầu Tiên và là Đấng Cuối Cùng, là Đấng Sống; Ta đã chết, và kìa Ta sống đời đời đến đời đời, và có chìa khóa của sự chết [1] và âm phủ”. Đấng Christ thật tuyệt vời! Ngài đã sống và đã chết, rồi sau đó? Ngài đã sống lại và sống đời đời. Không chỉ có thế. Ngài đã chết vào buổi tối, rồi nghỉ ngơi vào ngày Sa-bát, thực hiện một “tour du lịch” xuống âm phủ, và vào ngày thứ ba Ngài đi ra khỏi đó và mang theo chìa khóa của sự chết và của âm phủ. Có nghĩa là Ngài đã chiến thắng sự chết. Chúng ta phải nhận ra được rằng sự chết của Ngài là sự chết toàn thắng. Ngài không chỉ chết vì tội lỗi chúng ta, mà sau đó Ngài đã xuống âm phủ để đoạt lấy chìa khóa. Nếu tôi lấy chìa khóa xe hơi của anh em thì anh em không còn quyền trên nó nữa. Lúc đó, nó thuộc về tôi và tôi có thể lái nó. Như thế, Chúa đã đi xuyên qua sự chết và âm phủ để lấy chiếc chìa khóa tuyệt vời này.

Đấng Christ đã hủy diệt kẻ cầm quyền của sự chết

Bây giờ anh em còn sợ hãi trước sự chết không? Chúng ta hãy đọc Hê-bơ-rơ 2:14-15 “Vậy thì, vì con cái dự phần vào máu và thịt, nên Ngài cũng dự phần như vậy, để qua sự chết, Ngài đã tiêu diệt kẻ cầm quyền của sự chết, là Ma Quỷ, và giải phóng những người vì sợ chết mà bị bắt làm nô lệ suốt đời”. Anh em đừng nghĩ Chúa chỉ nằm dưới mồ, rồi vào ngày thứ ba Ngài sống lại. Ngay cả sau khi chết, Chúa đã làm rất nhiều điều tuyệt vời mà không ai khác có thể làm được. Ngài đã hủy diệt kẻ cầm quyền sự chết!

Sự chết đã bị nuốt mất trong chiến thắng

1.Cô-rinh-tô 15:53-57 “Vì sự hay hư nát này phải mặc lấy sự không hư nát, và sự hay chết này phải mặc lấy sự bất tử. Khi sự hay hư nát này mặc lấy sự không hư nát và sự hay chết này mặc lấy sự bất tử, thì lời đã chép sẽ được ứng nghiệm: Sự chết đã bị nuốt mất trong chiến thắng. Hỡi sự chết, chiến thắng của mày ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mày ở đâu? Cái nọc của sự chết là tội lỗi, và sức mạnh của tội lỗi là luật pháp. Nhưng tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta chiến thắng, nhờ Chúa Giê-su Christ chúng ta”. Hôm nay chúng ta có thể nói như thế không? Hay nó chỉ là một sự dạy dỗ thôi? Sự sống lại chỉ là chuyện Chúa ra khỏi mồ sao? Sau khi anh em đã đọc những đoạn Kinh Thánh trên, sự sống lại có nghĩa gì đối với anh em? Chúng ta có một Đấng Christ tuyệt vời và toàn thắng!

Lẽ thật về sự sống lại

1.Cô-rinh-tô 15:12-19 “Nhưng nếu Đấng Christ được rao giảng rằng Ngài đã sống lại từ những người chết, thì sao trong anh em có người lại nói: không có chuyện người chết sống lại? Nếu người chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng đã không sống lại. Và nếu Đấng Christ đã không sống lại, thì sự rao giảng của chúng tôi là trống rỗng, và đức tin của anh em cũng trống rỗng. Hơn nữa, nếu người chết thật sự không sống lại, chúng tôi bị xem là những nhân chứng giả của Đức Chúa Trời, bởi vì chúng tôi đã làm chứng chống lại Đức Chúa Trời rằng Ngài đã làm Đấng Christ sống lại, trong khi Ngài không làm Đấng Christ sống lại. Vì nếu người chết không sống lại, thì Đấng Christ cũng không sống lại. Và nếu Đấng Christ không sống lại, đức tin anh em cũng vô ích, anh em vẫn còn ở trong các tội lỗi của mình. Như vậy, những người đã ngủ trong Đấng Christ cũng bị hư mất. Nếu trong cuộc đời này, chúng ta chỉ hy vọng vào Đấng Christ, chúng ta là những người đáng thương nhất trong tất cả mọi người”. Lời Chúa thật tuyệt vời và rõ ràng. Nếu chúng ta chỉ rao giảng về sự chết của Chúa, nhưng không bao giờ nói về sự sống lại của Ngài thì sẽ ra sao? Thế thì chúng ta vẫn luôn ở trong tội lỗi của mình và đức tin của chúng ta là trống rỗng. Sự sống lại thật tuyệt vời!

Đừng sợ chết

Đấng Christ đã sống lại, Ngài đã chiến thắng sự chết, đã tiêu diệt kẻ cầm quyền sự chết. Ngài đang giữ chìa khóa của sự chết và của âm phủ, và Ngài giải phóng những người vì sợ chết mà bị bắt làm nô lệ suốt đời. Anh em có sợ chết không? Tôi chưa thấy người nào không sợ chết cả. Nhưng các sứ đồ và những người tử đạo đã không sợ chết. Nếu anh em đã thấy sự phục sinh tuyệt vời của Ngài thì anh em sẽ không sợ. Anh em nghĩ rằng Chúa đã sợ chết sao? Ngài không chỉ chết, mà Ngài đã trải qua nhiều đau khổ. Nhưng Chúa biết trước mình sẽ sống lại vào ngày thứ ba. Nếu anh em biết mình chỉ chết một ngày, rồi nghỉ ngơi một ngày và sau đó sống lại vào ngày thứ ba thì anh em có sợ chết không? Dĩ nhiên là không. Nếu tôi biết tôi sẽ sống lại vào ngày thứa ba thì xin hãy giết tôi đi! Vì vào ngày thứ ba tôi sẽ sống lại và không bao giờ chết nữa. Hơn nữa, khi sống lại thì thân thể hay hư nát này sẽ được biến đổi thành thân thể không hư nát, và sự hay chết sẽ được chuyển thành sự bất tử. Lúc đó, anh em có thân thể thuộc linh vinh hiển. Anh em phải thấy rõ sự sống lại. Nếu không, anh em chỉ tin Chúa Giê-su Christ đã sống lại vào ngày thứ ba, và chỉ có thế thôi. Nếu ai trong chúng ta chết thì chúng ta khóc nhiều và buồn. Khi Phao-lô còn sống trong cái lều tạm (thân xác) này, ông có vui không? Không, ông rên siết. Ông mong mỏi được rời bỏ cái lều tạm này để được ở với Chúa. Còn anh em thì sao? Chúng ta thích ở trong thân thể này. Khi phải chết thì chúng ta rên rỉ. Quan niệm của chúng ta hoàn toàn khác với Phao-lô. Anh em có muốn thay đổi quan niệm của mình không? Phao-lô biết sức mạnh của sống lại, nó thật tuyệt vời. Tôi muốn biết sự sống lại này nhiều hơn nữa. Tôi không biết anh em có muốn hay không, nhưng tôi rất tò mò. Tôi muốn nhận biết sức mạnh sự sống lại của Ngài.

Những nhân chứng của sự phục sinh

Công Vụ 13:29 “Sau khi họ đã làm cho ứng nghiệm mọi điều đã chép về Ngài, họ đem Ngài xuống khỏi cây gỗ và chôn Ngài trong một cái mộ”. Những gì họ làm ở đây chỉ nhằm làm ứng nghiệm Kinh Thánh. Họ tưởng trừ khử được Ngài, nhưng thật ra chỉ được một ngày. Ngài chết vào ngày đầu tiên, rồi vào ngày Sa-bát được đặt vào một cái mộ. Ngày Sa-bát dùng để làm gì? Để nghỉ ngơi. Chúa đã nghỉ ngơi trong một ngày. Nhưng sau đó “Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài sống lại từ những người chết” (câu 30). Điều này chưa từng xảy ra bao giờ. “Còn chúng tôi thì rao truyền cho anh em tin mừng về lời hứa được ban cho tổ phụ chúng ta, rằng Đức Chúa Trời đã làm ứng nghiệm lời hứa này cho chúng ta, là con cháu của họ, bằng cách làm Giê-su sống lại như đã được chép trong Thi Thiên thứ hai: Con là con của Ta, hôm nay Ta đã sinh ra con” (câu 32, 33). Đa-vít đã thấy điều này 1000 năm trước đó rồi. Người con được nói đến ở đây là ai? Là Giê-su. Vậy Giê-su đã trở thành con của Đức Chúa Trời khi nào? Không phải Ngài đã là con của Đức Chúa Trời trong Giăng 1:1? Giăng 3:16 cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời đã sai Con một của Ngài. Con của Đức Chúa Trời đã có ngay từ đầu. Vậy Đức Chúa Trời nói đến người con nào ở đây? Từ “hôm nay” ở đây là khi nào? Là ngày Chúa sống lại. Vậy vào ngày sống lại, Chúa Giê-su mới trở thành con của Đức Chúa Trời hay sao? Không phải. Vậy ở đây Kinh Thánh bị sai? Nếu Đa-vít sai thì Phao-lô cũng sai. Câu 34 chứng minh “hôm nay” là ngày Chúa sống lại: “Còn về việc Đức Chúa Trời đã làm cho Ngài sống lại, để không trở về sự hư nát nữa”. Tôi đang trông chờ ngày này, ngày mà không còn sự hư nát nữa. Trong khi chúng ta còn sống trong thân xác này, chúng ta vẫn còn bị sự hự nát khuất phục.

Đấng Christ được tuyên xưng là Con của Đức Chúa Trời nhờ vào sự sống lại từ những người chết

Người con ở đây là Giê-su dưới tư cách là con người chứ không nói đến Giê-su là Đức Chúa Trời. Về mặt thần tính, Ngài luôn là Con của Đức Chúa Trời, không có bắt đầu và không có kết thúc, không cha, không mẹ. Nhưng bây giờ, Ngài đã trở thành người. Chúng ta hãy đọc thêm Rô-ma 1:3-4 để hình dung ra được những gì đã xảy ra trong ngày sống lại. “…Giê-su Christ, Chúa của chúng ta, theo xác thịt thì xuất thân từ dòng dõi Đa-vít, theo Linh thánh khiết, được công bố là Con của Đức Chúa Trời trong quyền năng bởi sự sống lại từ những người chết”. Ngài đã được gọi là Con của Đức Chúa Trời khi nào? Không phải Ngài luôn là Con của Đức Chúa Trời sao? Vâng, về mặt thần tính, Ngài là Con một của Đức Chúa Trời. Nhưng sau đó Ngài đã trở thành người, được sinh ra bởi trinh nữ Ma-ri và là hậu duệ của Đa-vít. Ở đây đề cập đến nhân tính của Chúa. Ngài đã là một người như tôi và anh em, ngoài chuyện Ngài không có tội lỗi thì Ngài không có gì khác chúng ta cả. Về mặt nhân tính thì trước khi sống lại, Ngài không phải là con của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su không đến trái đất này để làm Đức Chúa Trời mà Ngài đến để làm con của loài người, là hậu duệ của Đa-vít. Ngài cũng có một gia phả như chúng ta. Qua sự sống lại và nhờ Linh của sự thánh khiết, Ngài là người đầu tiên trở thành Con của Đức Chúa Trời.

Đấng Christ là người được sinh đầu tiên từ những người chết

Đấng Christ là trái đầu mùa trong những người chết. Đức Chúa Trời phải thực sự rất vui mừng! Tôi tin tất cả các thiên sứ ở trên trời đều reo lên: “Tuyệt! Ha-lê-lu-gia! Cuối cùng thì một người đã trở thành con của Đức Chúa Trời!”. Vì lý do đó mà Đức Chúa Trời đã tạo nên loài người: để chúng ta được ban quyền năng trở thành con của Ngài. Nhưng con người đã sa ngã và đã trở thành con của Ma Quỷ. Sau đó, Giê-su trở thành người, bị đóng đinh, đã thắng Ma Quỷ, tiêu diệt tội lỗi, Ngài đã hoàn thành sự cứu rỗi, đã trả tiền chuộc, và là chiên Vượt Qua. Rồi Ngài đã chiến thắng sự chết, đã sống lại và trở thành con trưởng trong số nhiều anh em. Ngài là người được sinh đầu tiên từ những người chết. Do đó, chúng ta có lễ Trái Đầu Mùa.

Anh em không muốn giữ lễ này sao? Hay đây chỉ là một sự dạy dỗ? Tôi nói đến một sự dạy dỗ chết chóc ở đây sao? Không, đó là một hiện thực tuyệt vời: Bởi sống lại mà một người đã trở thành con của Đức Chúa Trời. Anh em nên nói với các đồng nghiệp của mình: “Các bạn có biết tôi là ai không? Tôi là con của Đức Chúa Trời”. Anh em có thích những câu Kinh Thánh trong Rô-ma 1 không? Nếu anh em không giữ lễ Trái Đầu Mùa, anh em sẽ không quý nó. Có lẽ đối với anh em thì nó chỉ là một sự dạy dỗ chết thôi. Nhưng đối với tôi, nhờ nó mà tôi đã trở thành một người em của Giê-su, tôi đã trở thành một người con của Đức Chúa Trời trong quyền năng. Giê-su được tuyên bố là Con của Đức Chúa Trời trong sự yếu đuối sao? Hay chỉ có con trưởng mới mới mạnh mẽ, còn chúng ta, là anh em của Chúa Giê-su , chỉ là những kẻ yếu đuối sao? Câu Kinh Thánh này có ghi là con của Đức Chúa Trời trong sự yếu đuối không? Không! Ở trong quyền năng, bởi Linh của sự thánh khiết. Anh em có Linh của sự thánh khiết không?

Ý định của Đức Chúa Trời là làm chúng ta trở nên giống hình ảnh của Con Ngài

Rô-ma 8:28: “Và chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, là những người được kêu gọi theo ý định của Ngài”. Ý định của Ngài là gì? Có được nhiều con. Những người con của Đức Chúa Trời là yếu ớt sao? Không. “Vì những người Ngài đã biết trước, Ngài cũng đã định trước để họ trở nên giống hình ảnh Con Ngài, để cho Con này được làm con trưởng ở giữa nhiều anh em” (câu 29). Giê-su đã trở thành con trưởng khi nào? Trong chương 1, khi Ngài được công bố là Con của Đức Chúa Trời nhờ vào Linh của sự thánh khiết và bởi sự sống lại từ những người chết. Anh em có yêu thích những trái đầu mùa không? Anh em có muốn được như Ngài không? Có lẽ anh em nghĩ: “Nhưng tôi không thể như Ngài được!”. Điều đó không đúng. Đức Chúa Trời muốn biến đổi anh em theo hình ảnh của Con Ngài. Cách tốt nhất để giúp những người yếu đuối là cho họ thấy những người đã được biến đổi theo giống hình ảnh Chúa. Nếu họ thấy anh em trẻ này làm được thì có nghĩa là những người khác cũng có thể được, đúng không? Nếu tôi không thấy ai được biến đổi theo giống hình ảnh Chúa thì tôi nghĩ: “Không sao cả! Tất cả chúng ta đều giống nhau. Không ai làm được. Các trưởng lão hay người dẫn dắt nhóm thanh niên không làm được, nên tôi không làm được thì cũng không sao cả”. Nếu nghĩ như vậy thì có giúp được ai không? Nếu anh em trở nên giống Con trưởng thì anh em sẽ kiêu ngạo hay nghĩ mình là người đặc biệt sao? Không. Phao-lô khuyên Ti-mô-thê, một anh em trẻ, hãy trở thành một tấm gương cho các thánh và hãy cho mọi người thấy được sự tiến bộ của mình. Phao-lô có sợ Ti-mô-thê sẽ kiêu ngạo không? Làm sao có thể kiêu ngạo được khi là tấm gương cho các thánh. Anh em hãy là tấm gương trong việc thờ phượng thật và tấm gương trong việc thưởng thức tất cả những sự giàu có tuyệt vời của Đấng Christ. Qua đó, anh em sẽ khích lệ các anh em khác.

Còn những người Ngài đã định sẵn, thì Ngài cũng đã kêu gọi, những người Ngài đã kêu gọi thì Ngài cũng đã xưng công bình, và những người Ngài đã xưng công bình thì Ngài cũng đã làm cho vinh hiển” (Rô-ma 8:30).

Nguyên lý của sự sống

Tại sao có những trái đầu mùa? Anh em đã từng thấy một cây ăn trái chưa? Chúng ta lấy ví dụ cây vả. Tất cả những trái vả có giống nhau không? Chúng nở cùng một lúc, chúng phát triển giống nhau và bỗng nhiên tất cả đều chín ở cùng một thời điểm. Nếu thật như vậy thì anh em có một cái cây rất đặc biệt! Một cây „hiệp một“. Dĩ nhiên là không có cây nào như thế, nhưng nó lại tồn tại trong lý trí của anh em. Giả sử tôi và anh em đều là các trái vả. Anh em muốn chín, nhưng tôi nói: „Đừng chín trước mà anh phải chờ cho đến lúc tôi sẵn sàng. Rồi chúng ta sẽ chín cùng lúc“. Như thế không thể được. Dù tôi muốn chờ thì tôi cũng không thể, vì nếu vậy tôi sẽ bị thối. Một trái chín nếu không có người hái thì sẽ bị thối. Anh em có muốn bị thối không? Cứ ở trên cây cho đến khi các trái còn lại chín hết, vì anh em yêu các trái vả khác. Nhưng xin lỗi, ở đây liên quan đến nguyên lý của sự sống. Làm thế nào anh em có thể điều chỉnh được. Nếu thực sự biết sự sống, chúng ta sẽ nhận ra rằng sự sống cứ phát triển và không bao giờ ngừng.

Chúng ta cùng được làm sống lại với Đấng Christ

Bởi sự sống lại, Đức Chúa Trời có được người con trưởng. Trước khi sáng thế, sự làm con này đã nằm trong lòng Đức Chúa Trời. Sau đó con rắn đến làm hủy hoại loài người và truyền chất độc của hắn vào trong con người. Thư Rô-ma cho biết rằng bởi sự không vâng lời của một người mà tội lỗi đã vào trong con người. Anh em có muốn vâng lời Đức Chúa Trời không? Có! Vậy anh em cần của lễ nào? Của lễ thiêu! Thật tuyệt! Vì vậy tôi rất thích của lễ thiêu. Tôi muốn học để giống Con của Đức Chúa Trời: Ngài luôn vâng theo mọi ý muốn của Cha. Tội lỗi đã mang theo cái gì vào trong con người? Sự chết! Rồi sự chết và tội lỗi đã cai trị tất cả mọi người. Sau đó, Chúa Giê-su đa đến để làm sạch tất cả những điều đó, và trong sự sống lại, Ngài trở thành Con trưởng. “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã sống lại từ những người chết, Ngài là trái đầu mùa của những người đã ngủ“ (1.Cô-rinh-tô 15:20). Ngài là trái đầu mùa, bởi sự sống lại, Ngài cũng mang anh em ra khỏi sự chết. Nếu là một người thờ phượng thật, anh em sẽ tác động đến tất cả những người khác và khích lệ họ trở thành người thờ phượng thật và trái đầu mùa. Đó là nguyên tắc của Kinh Thánh.

Chỉ mình Chúa sống lại sao? Chúa có nói: „Chỉ mình Ta sống lại thôi, ngoài Ta ra không ai sống lại? Chắc chắn là không. Chúa đã mang tất cả chúng ta vào trong sự sống lại này. Chúng ta đã được cùng làm sống lại với Ngài. Nguyên tắc thuộc linh này thật tuyệt vời. Vì Chúa sống lại từ những người chết, tôi tin tôi cũng có thể sống lại từ những người chết, mặc dù tôi yếu đuối, xấu xa và vô vọng. Nhưng vì có một người đã sống lại từ những người chết, bây giờ tôi cũng hy vọng rằng tôi cũng sẽ sống lại. Thực ra về mặt thuộc linh thì chúng ta cũng đã sống lại từ những người chết rồi. Ê-phê-sô 1 cho chúng ta biết quyền năng tối thượng của Đức Chúa Trời đang ở trong chúng ta. Quyền năng này chỉ tác động đến Giê-su Christ mà không có tác dụng đối với chúng ta sao? Chúng ta tuy không mạnh mẽ, nhưng tất cả chúng ta phải học từ Phao-lô. Ông đã nói: „Tôi chỉ có thể làm vài điều gì đó” hay “Tôi không làm được gì cả“. Ông có nói như thế không? Không, ông nói: „Tôi làm được mọi sự ở trong Đấng làm tôi mạnh mẽ“ (Phi-líp 4:13). Ở đây nói đến „ trong Đấng Christ“, nghĩa là anh em phải thưởng thức Đấng Christ và sống bởi Ngài. Như thế anh em sẽ làm được mọi sự ở trong Đấng làm anh em mạnh mẽ. Có lý do gì để anh em phải yếu đuối không? Vâng, lý do là anh em không sống bởi Đấng Christ. Nếu vậy thì tôi cũng không sống bởi Đấng Christ để chờ anh em sao? Không, tôi cũng sẽ sống bởi Ngài. Qua đó, anh em sẽ được khích lệ để tiến lên.

Trong Đấng Christ, mọi người sẽ được làm sống lại

1.Cô-rinh-tô 15:21-22 „Vì bởi tại một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những người chết. Vì như trong A-đam mọi người đều sẽ chết, thì trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại“. Tất cả đều sẽ sống lại, không chỉ những người mạnh mẽ. Tiếc rằng chúng ta không có quan niệm này. “Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình” (câu 23). Anh em nghĩ câu này sai sau? Anh em cho rằng nếu có một thứ tự thì không có sự hiệp một, nên tất cả mọi người phải được làm sống lại ở cùng một thời điểm? Và anh em cũng nghĩ rằng nếu tất cả đều được làm sống lại thì tất cả đều là trái đầu mùa, phải không? Nhưng Lời Chúa nói rằng “Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình. Đấng Christ là trái đầu mùa; rồi đến những người thuộc về Ngài khi Ngài đến”. Sau đó, “sự cuối cùng sẽ đến, khi Ngài trao vương quốc lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã hủy diệt mọi thế lực cai trị, mọi thẩm quyền, và mọi thế lực”. Ngài trao cái gì cho Cha? Vương quốc! Có lẽ anh em không thích từ “vương quốc”, mà thích dùng từ Hội Thánh [2] ở đây hơn. Không phải thế, bởi vì vương quốc của Đức Chúa Trời có liên quan đến sự sống lại. Ngợi khen Chúa!

Lễ Trái Đầu Mùa thực sự là một lễ tuyệt vời, vì đó là mục tiêu và kết quả công việc của Đấng Christ. Nếu nhìn toàn cảnh bức tranh này, anh em có thể thấy rằng Chúa không chỉ đến để chết vì tội lỗi của chúng ta. Chúng ta nghĩ như vậy vì chúng ta ý thức được bản chất tội lỗi của mình. Tuy nhiên, trong kế hoạch của Đức Chúa Trời không chỉ có sự cứu chuộc, mà Cha muốn có một trái đầu mùa, một người con trưởng được sinh ra từ những người chết. Đó là mục tiêu tuyệt vời của Đấng Christ. Nếu không thấy điều này, anh em sẽ dừng lại ở thập giá và chỉ nói rằng “Lạy Chúa, cám ơn Chúa đã chết vì con. Cám ơn Chúa đã chịu nhiều đau khổ vì con, để cứu chuộc con…”. Những điều này đều đúng, nhưng anh em phải thấy đó không phải là cuối cùng vì có một mục tiêu tuyệt vời, đó là sự sống lại. Bởi sự sống lại, Đấng Christ là con trưởng được sinh ra từ những người chết.

Sự sống lại là dành cho Hội Thánh

Mỗi khi Đấng Christ được nhắc đến như là con trưởng thì luôn có sự liên hệ đến Hội Thánh. Trong Cô-lô-se 1, Phao-lô đã nói rất nhiều về Đấng Christ. Câu 15 nói Ngài là người được sinh ra đầu tiên trong tất cả các tạo vật, ở đây nói đến tạo vật cũ. “Và Ngài là đầu của thân thể, tức là Hội Thánh. Ngài là khởi đầu, là người được sinh đầu tiên từ những người chết, để trong mọi sự Ngài đều đứng đầu” (câu 18). Ngài không chỉ là khởi đầu của tạo vật cũ mà Ngài cũng là khởi đầu của tạo vật mới. Tạo vật mới được hình thành như thế nào? Qua sự chết của Ngài trên thập giá? Không, nhờ sự chết của Ngài trên thập giá mà tạo vật cũ đã được chấm dứt. Như vậy đã đủ chưa? Hay anh em chỉ nói: „Ngợi khen Chúa, không còn tạo vật cũ nữa“? Chắc chắn không chỉ như vậy, mà trong sự sống lại là một khởi đầu mới. Hội Thánh chính là tạo vật mới. Đó là lý do mà chúng ta mừng lễ Trái Đầu Mùa. Anh em đừng xem đây chỉ là một sự dạy dỗ mà anh em phải thấy và cảm nhận được. Anh em phải biết rằng Đức Chúa Trời đã rất vui mừng về nó. Thật tuyệt vời, trong sự sống lại có một khởi đầu mới! Đó là tạo vật mới, là Hội Thánh, cũng là thân thể của Ngài. Chúa đã làm như thế nào? Ngài đã trở thành người được sinh đầu tiên từ những người chết, để trong mọi sự Ngài đều đứng đầu.

Đi theo Chiên Con đến bất cứ nơi nào Chiên Con đến

Nếu anh em nói với người khác rằng họ đừng đi theo bất cứ người nào, tôi sẽ nói A-men, và tôi hoàn toàn đồng ý với anh em. Nhưng đừng dừng lại ở đó, mà anh nên nói với họ rằng họ phải đi theo Chiên Con, là Đấng Christ đã sống lại, Đấng được sinh đầu tiên từ những người chết và cũng là Đầu. Nếu không đi theo Chiên Con thì anh em sẽ đi theo ai? Đi theo tôi sao? Anh em, chúng ta không đi theo ai cả mà chúng ta đi theo Chiên Con của Đức Chúa Trời. Hãy đi theo Đấng Christ hằng sống. Ngày nay chúng ta đang sống trong thời kỳ để chín (trưởng thành), trong thời gian mà Chúa sẽ trở lại, cho nên chúng ta phải đi theo Chiên Con như Khải Huyền 14:4 nói „Họ là những người đi theo Chiên Con đến bất cứ nơi nào Chiên Con đi“. Nhưng nếu một anh em chưa sẵn sàng để đi theo Chiên Con, thì tôi phải chờ sao? Tôi có nên nói với Chiên Con: „Chiên Con ơi, đừng đi tiếp vì chúng ta phải chờ anh em này“ không? Hôm nay, chúng ta ăn trưa lúc mấy giờ? Không lẽ anh em không được đi ăn trưa đúng giờ vì phân nửa anh em chưa sẵn sàng? Nhưng nếu cho đến tối nay mọi người vẫn chưa sẵn sàng? Như vậy thì buổi ăn sẽ bị bỏ à. Không sao, anh em có thể ăn thức ăn thừa, chúng tôi sẽ chừa ít thức ăn và đóng hộp lại cho anh em. Nếu không muốn vậy thì anh em phải làm gì? Anh em nên khẩn trương lên! Tất cả chúng ta phải tăng trưởng nhanh hơn. Nếu không như thế thì làm sao chúng ta có thể làm Chúa mau trở lại? Không lẽ Phi-e-rơ đã nói sai điều này sao? Hay là chúng ta nói với Chúa: „Chúa ơi, xin Ngài đừng đến. Ngài chỉ đến khi tất cả trinh nữ đã trở thành các trinh nữ khôn ngoan. Trước đó thì đừng đến“. Nếu chúng ta nói như vậy, thì Chúa sẽ không bao giờ trở lại. Có lẽ anh em nghĩ: „Như vậy cũng được, miễn là chúng ta hiệp một với nhau ở đây“. Không, anh em ơi, anh em hãy từ bỏ quan niệm của mình. Nếu anh em sẵng sàng, anh em cũng sẽ tác động đến các anh em khác, để họ cũng trở nên chín. Không phải vậy sao? Nếu thấy một trái đã chín, thì tất cả anh em sẽ đều khẩn trương để được chín. Xin Chúa giúp chúng ta thấy rõ điều này.

Như vậy Đấng Christ là người được sinh đầu tiên từ những người chết, nhưng không phải cho Ngài mà vì chúng ta. Tuy nhiên, là người được sinh đầu tiên thì Ngài phải lên với Cha trước để làm dịu sự khao khát của Cha. Cha phải là người đầu tiên thưởng thức Ngài như là thưởng thức trái đầu mùa, chứ không phải Ma-ri, Phi-e-rơ, Giăng, Gia-cơ hay một môn đồ nào đó được Ngài yêu thương. Trong Giăng 20:17, Ngài nói với Ma-ri „Hãy đi đến với các anh em của Ta và bảo họ“. Đây là một lời thật tuyệt vời cho tất cả chúng ta. Nếu tôi là Ma-ri, tôi sẽ ngạc nhiên hỏi Ngài: „Ai là anh em của thầy? Phi-e-rơ, Giăng hay Giu-đa?“. Chúa không nhắc đến tên ai cả. Có nghĩa là trong cùng một lúc, tất cả các môn đồ đã trở thành các anh em của Chúa Giê-su Christ. Đây thật là một tin tốt lành vì Đức Chúa Trời không chỉ muốn có một người con mà Ngài muốn có nhiều con và muốn mang những người con này vào sự vinh hiển.

Trái đầu mùa để Cha thưởng thức

Anh em hãy cho tôi biết là bao nhiêu người sẽ được cất lên trước ngai Đức Chúa Trời? Người đàn bà trong Khải Huyền 12 có được cất lên không? Không, chỉ mình đứa bé trai thôi. Còn những tín đồ đang sống ngay lúc Chúa trở lại thì sao? Ai cũng được cất lên đến trước ngai? Không, chỉ có những trái đầu mùa. Nếu thời gian cất lên đã đến thì anh em có chờ tôi không? Anh em phải nói với tôi rằng: „Anh cho tôi xin lỗi. Ở đây không liên quan đến việc chờ nhau mà khi nào tôi phải đi thì tôi sẽ đi“. Tôi không có sự lựa chọn và anh em cũng vậy. Vấn đề ở đây không phải là chờ đợi nhau mà là anh em có chín hay không? Là trái đầu mùa, Chúa Giê-su phải lên với Cha, để Cha thưởng thức. Điều này có nói gì với anh em không? Đối với Chúa Giê-su, thì Cha là người quan trọng nhất. Cha phải là người đầu tiên được làm thỏa lòng chứ không phải tôi hay anh em. Cha có vị trí đầu tiên. Do đó Chúa không thể chờ, mà ngay ngày sống lại đầu tiên, Chúa phải lên với Cha. Ngài không thể chờ vì đã có chép rằng trái đầu mùa thuộc về Cha, để Cha thưởng thức. Anh em có biết Cha đã chờ đợi bao lâu rồi không? Anh em hãy tưởng tượng một người đang chờ con đầu lòng của mình được sinh ra. Người đó có nói với vợ một cách thờ ơ: „Em ở nhà một mình nha! Anh đi du lịch đây“? Dù người này có mặt hay không thì em bé cũng được sinh ra mà. Nhưng tại sao anh ta quan tâm đến chuyện đó, còn tôi lại không? Vì anh ta là cha của em bé!

Khi Chúa sống trên trái đất, Ngài đã nói rất nhiều về Cha. Trong sách Phúc Âm Giăng, Chúa đã nhắc đến Cha ít nhất 120 lần. Khi Chúa sống lại, làm trái đầu mùa từ những người chết, nếu Chúa chỉ quan tâm đến Ma-ri, các mông đồ và nhiều người khác mà không quan tâm đến Cha thì như vậy có tốt không? Khi Chúa lên với Cha đầu tiên thì Ngài làm vậy có đúng không? Không phải các môn đồ đã gần gũi Chúa ba năm rưỡi khi Chúa sống trên đất sao? Anh em cho rằng Chúa không yêu thương các môn đồ sao? Có chứ! Vậy lẽ ra sau khi sống lại Chúa phải gặp các môn đồ trước chứ? Không. Ngài phải đến với Cha đầu tiên. Trong cuộc sống Hội Thánh cũng vậy. Nếu chúng ta quan tâm đến Cha đầu tiên thì sẽ không có nan đề nào cả. Cha phải được ưu tiên trong mọi sự. Nếu không quan tâm đến Cha thì chúng ta quan tâm đến ai? Anh em quan tâm đến ai nhiều nhất? Đến tôi à? Xin Chúa hãy mở mắt để chúng ta thấy: là trái đầu mùa, Ngài phải lên với Cha để Cha thưởng thức đầu tiên. Đó là chuyện bình thường. Nhưng nếu chúng ta không thấy được, tôi không biết chúng ta đã thấy gì rồi. Cha là Đức Chúa Trời, nên Cha phải luôn ở vị trí đầu tiên. Đó là lý do mà chúng ta có lễ này. Không có gì ngạc nhiên khi trước đó Đức Chúa Trời đã nói: „Đây là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta hoàn toàn“ (Ma-thi-ơ 3:17). Cha còn vui mừng biết bao khi Chúa trở thành Con trưởng trong số nhiều anh em. Ngài chính là con đầu lòng. Anh em có hạnh phúc khi con đầu lòng của mình được sinh không? Anh em có thể tưởng tượng được rằng Cha trên trời còn hạnh phúc hơn anh em nhiều. Ngợi khen Đức Chúa Trời!

Giê-su Christ là trái đầu mùa trong sự sống lại

Chúng ta phải thưởng thức lễ Trái Đầu Mùa, vì nó có liên quan đến chúng ta. Chúng ta hãy trở lại với phần dàn ý, anh em hãy đọc những câu Kinh Thánh trong đó rồi anh em sẽ thấy một bức tranh tuyệt vời về sự sống lại.

1 Sống lại vào ngày thứ ba

2 Ý nghĩa của sự sống lại

3 Là người được sinh đầu tiên từ những người chết

4 Được chỉ định là Con Đức Chúa Trời ở trong quyền năng

a. Về nhân tính: theo xác thịt thuộc dòng dõi Đa-vít

b. Theo Linh của sự thánh khiết

c. Bởi sự sống lại từ những kẻ chết

Điều này cũng bao hàm luôn việc Chúa đã nuốt mất sự chết và hủy diệt kẻ có quyền lực của sự chết. Bây giờ Chúa có chìa khóa của sự chết và của âm phủ. Ngài đã chiến thắng sự chết và sẽ không bao giờ chết nữa. Cuối Kinh Thánh, anh em thấy sự chết và âm phủ bị ném vào hồ lửa. Đó là thành quả của Chúa qua sự sống lại. Thật là một công trình tuyệt vời!

Đừng để Cha phải chờ

Sau khi sống lại, Đấng Christ đã dâng chính mình làm trái đầu mùa cho Cha liền. Chúng ta thích chờ, nhưng Chúa không có vậy. Anh em nghĩ Chúa để Cha phải chờ sao? Tất cả chúng ta đều để Cha phải chờ. Dù Cha chờ một hay hai năm nữa thì đối với chúng ta cũng không sao. Ngay cả khi chúng ta để Cha chờ mãi thì cũng không có gì. Hay anh em nghĩ chúng ta không cần làm gì cả, chỉ cần chờ thôi? Không phải vậy, tất cả chúng ta đều biết rằng mình không được để Cha yêu dấu phải chờ nữa. Dù anh em muốn để Cha chờ nữa thì đó là vấn đề của anh em. Tôi không muốn Cha phải chờ lâu hơn nữa. 2000 năm qua, Cha đã chờ đợi những người thờ phượng thật, Cha phải chờ cho đến bao giờ đây? Hay anh em cho rằng: “Cha chờ bao lâu nữa thì cũng không quan trọng, vì Cha đã chờ được 2000 năm rồi? Cha chờ chờ thêm 100 năm nữa cũng được. Nó đã kéo dài lâu như vậy thì bây giờ đâu có việc gì phải vội vã? Đức Chúa Trời rất kiên nhẫn mà”. Nếu nghĩ vậy thì Chúa Giê-su cũng có thể chờ thêm một ngày nữa rồi mới lên với Cha. Sau khi ra khỏi mồ, Ngài có thể đi tắm biển ở xứ Ghê-nê-xa-rết hay ở biển Đỏ. Chúa cũng có thể nghỉ ngơi vài ngày cho khỏe khoắn rồi mới lên với Cha. Nếu như vậy thì sẽ ra sao? Nếu anh em là Chúa thì anh em sẽ là như vậy sao? Cha phải chờ lâu hơn sao? Lòng Cha đang đầy sự khao khát để được thưởng thức trái đầu mùa này. Không phải chúng ta yêu Cha và rất muốn làm theo ý Cha sao? Nếu chúng ta làm theo ý muốn Cha hôm nay thì có tốt hơn là ngày mai mới làm không? Tôi ăn năn vì tôi rất chậm chạp trong việc làm thỏa lòng của Cha tôi. Xin Chúa thương xót chúng ta.

Sau khi sống lại, Chúa đã lập tức dâng chính mình để làm trái đầu mùa cho Cha. Ngài nói: Đừng chạm đến Ta, vì Ta phải lên với Cha của Ta và Cha của các ngươi. Điều này thật quý giá!

Không liên quan đến sự khôn ngoan của loài người

Sự tái sinh có liên quan rất nhiều đến việc Đấng Christ sống lại. Phi-e-rơ đã nói điều này (xem 1.Phi-e-rơ 1:3). Phi-e-rơ không có thông minh lắm, ông chỉ là một người đánh cá, và không có theo học thầy Ga-ma-li-ên như Phao-lô. Ông không phải là giáo sư Kinh Thánh, cũng không phải là một người Pha-ri-si mà chỉ là một người đánh cá. Làm sao mà một người đánh cá lại có thể thấy được như vậy? Sự khải thị chỉ dành cho những người thông minh sao? Anh em thấy những điều này vì anh em rất thông minh phải không? Tôi thường nói với Đức Chúa Trời rằng đối với những điều thuộc về trời thì tôi chỉ là một kẻ ngốc. Ai có thể thấy được những điều thuộc về trời? Nếu không có ân điển và sự thương xót của Ngài thì chúng ta có thể thấy gì? Anh em nghĩ tôi thấy những điều này vì tôi rất thông minh sao? Tôi không phải vậy đâu. Thậm chí tôi cũng không học xong đại học mà tôi đã bỏ học nửa chừng. Kể từ khi nào mà chỉ những người thông minh mới nhận biết được những việc thuộc linh? Khi Chúa sống trên đất, ai đã nhận biết Ngài? Chỉ những người thông minh? Không, họ là những người đánh cá, những người không được dạy dỗ. Vì thế những giáo sư kinh luật ở Giê-ru-sa-lem đã vô cùng ngạc nhiên vì những người này biết rất nhiều. Đó không phải là vấn đề của sự khôn ngoan, mà họ đã luôn ở bên Chúa.

Các tín đồ được sinh lại nhờ Chúa Giê-su sống lại từ những người chết

Ở đây hoàn toàn liên quan mối quan hệ với Đấng Christ hằng sống. Nếu Phi-e-rơ không viết điều này, tôi sẽ không biết rằng tôi được sinh lại nhờ sự sống lại của Đấng Christ. Anh em sinh lại khi nào? Lúc Ngài sống lại, nghĩa là cách đây khoảng 2000 năm. Ê-phê-sô 2:6 cho biết chúng ta đã cùng được làm sống lại với Đấng Christ. Nhưng làm thế nào mà chúng ta đã cùng sống lại với Ngài? Vì anh em đã được làm báp-tem vào trong Ngài. Qua đó cái chết của Ngài cách đây 2000 năm đã trở thành cái chết của anh em. Anh em đã được làm báp-tem vào trong sự chết của Ngài (Rô-ma 6:3). Đấng Christ đã chết khi nào? Hôm qua? hay lúc anh em được làm báp-tem? Không, cách đây 2000 năm. Có nghĩa là 2000 năm trước, anh em đã cùng chết với Đấng Christ. Cho nên Rô-ma 6:5 nói rằng: „Vì nếu chúng ta đã hiệp một với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chúng ta cũng sẽ giống như Ngài trong sự sống lại“. Điều này có quá khó hiểu không? Anh em có cần phải là nhà thần học để hiểu không? Tôi nghĩ những nhà thần học không hiểu nó, mà chỉ những người yếu đuối như anh em và tôi. Anh em đừng nghĩ tôi mạnh mẽ. Không đâu, tôi cũng yếu đuối như những người khác thôi. Chúng ta thật sự không là gì cả. Vì thế Đấng Christ là người được sinh đầu tiên trong số các anh em. Ngay sau khi sống lại, Chúa đã lập tức gọi các môn đồ là anh em của mình. Trước đó Chúa chưa bao giờ gọi họ là anh em cả. Có nghĩa sự sống lại không cho chính Ngài, mà Ngài đã mang tất cả chúng ta vào trong sự sống lại của Ngài. Trước khi anh em được sinh ra, anh em đã cùng sống lại với Ngài. Đó là một điều mầu nhiệm. Chúng ta biết Giăng 20:17, nhưng chúng ta chưa bao giờ hiểu tại sao tất cả 12 môn đồ lại trở thành anh em của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là người anh tuyệt vời của chúng ta. Anh em có bao giờ gọi Ngài là anh chưa? Tất cả chúng ta đều có một người anh vĩ đại và tuyệt vời này, là con trưởng ở giữa nhiều anh em. Nhờ Ngài mà tất cả chúng ta trở thành con cái của Đức Chúa Trời.

Tấm gương của các tín đồ

Tôi hy vọng rằng trong cuộc sống Hội Thánh, anh em là tấm gương để khích lệ các thánh cùng tiến lên với Chúa. Phao-lô đã nói gì với Ti-mô-thê? Ông có nói: “Hãy cẩn thận, con còn trẻ. Đừng có quá tự hào. Đừng nghĩ con biết tất cả. Con phải cư xử một cách khiêm nhượng. Đừng nghĩ mình là tấm gương cho các tín đồ. So với ta, con còn quá trẻ”? Không. Phao-lô nói: „Hãy là một tấm gương cho các tín đồ“. Một người trẻ tuổi có thể là một tấm gương không? Anh em có tin mình có thể trở thành một tấm gương không? Có thể người khác sẽ đáp trả rằng: „Em tự hào quá. Tôi khinh thường tuổi trẻ của em. Tôi lớn tuổi hơn em nhiều“. Anh em có nhận ra quan niệm này không? Tôi rất muốn thấy tất cả những người trẻ tuổi trở thành tấm gương cho các tín đồ. Anh em không khao khát được giống như Con trưởng của Đức Chúa Trời sao? Đây chính là điều mà Đức Chúa Trời muốn đạt được với chúng ta (Rô-ma 8:29). Hay anh em đã thỏa mãn vì anh em đã là con của Đức Chúa Trời rồi? Không, anh em còn phải được biến đổi theo giống hình ảnh Ngài. Anh em muốn điều này khi nào? Càng sớm càng tốt. Một người có thể nói với con của mình rằng: „Đừng tự tạo áp lực cho con. Con cứ dành thời gian cho mình đi. Chúa không trở lại sớm đâu. Hãy hưởng thụ cuộc sống và làm điều con muốn“. Anh em đừng làm như vậy mà hãy trở nên trưởng thành trong sự sống. Anh em có muốn được biến đổi theo hình ảnh của Con trưởng hay không? Đó là quyết định của anh em. Không ai có thể ép buộc anh em được.

Nhận biết quyền năng của sự sống lại

Đấng Christ là Con trưởng trong số nhiều anh em và bây giờ tôi muốn được biến đổi ở trong hình ảnh Ngài. Để được như vậy thì anh em phải làm gì? Hãy giữ hết bảy lễ! Có lẽ anh em nghĩ: „Điều này quá khó. Tôi giữ một lễ còn chưa xong. Anh còn muốn tôi giữa bảy lễ sao? Anh không sợ linh của tôi bị suy nhược thần kinh sao?“. Không phải như thế, các lễ là để chúng ta vui hưởng: lễ Vượt Qua, lễ Bánh Không Men và bây giờ là lễ Trái Đầu Mùa. Anh em không muốn nhận biết quyền năng của sự sống lại như Phao-lô sao? Anh em nghĩ mình không thể sống lại từ những người chết sao? Anh em đã đọc Ê-phê-sô 1 chưa? Quyền năng vô hạn mà câu 19 nói đến chỉ có tác động đến Chúa Giê-su thôi? Không. Hay chỉ có tác dụng đối với những người mạnh mẽ? Không. Câu này nói là quyền năng vô hạn này tác động đến chúng ta là những người tin. Anh em là tín đồ phải không? Vậy anh em có tin điều đó không? Quyền năng này đã được tỏ ra trong Đấng Christ, làm Ngài sống lại từ những người chết. Vậy quyền năng này có tác động đến anh em không? Chúng ta là tín đồ hay là người vô tín? Chính anh em phải quyết định điều mình muốn tin. Nếu anh em không tin điều này thì tôi không có gì để nói nữa. Nếu tôi nói với anh em: “Không sao đâu. Đừng lo lắng nếu hôm nay anh em không thể tin được. Anh em không cần sống lại từ những người chết đâu, cứ tiếp tục chết” thì anh em đừng nghe. Anh em hãy dùng lấy quyền năng tối thượng này. Đức Chúa Trời muốn ban nó cho anh em. Đó là lý do mà chúng ta giữ lễ. Lễ này không chỉ nói đến thập giá, mà anh em có thể kinh nghiệm quyền năng của sự sống lại. Anh em đã cùng sống lại với Ngài. Nếu chúng ta giữ lễ này, anh em không chỉ nói: „Cám ơn Chúa, Chúa đã sống lại từ những người chết“. Anh em giữ lễ này như thế nào? „Ngợi khen Chúa, tôi đã cùng được sống lại với Ngài từ những người chết. Chúa là Con trưởng, bây giờ tôi là em của Ngài. Nhờ thưởng thức lễ này, tôi sẽ được biến đổi theo hình ảnh Ngài. Mục tiêu của tôi là đi vào sự vinh hiển“. Chúng ta phải học để giữ lễ tuyệt vời này. J.S.