- Vương quốc thiên đàng - https://www.angospel.com -

Phước cho những người nghèo khó trong linh (Phần 1)

Trong Bài giảng trên núi và các chương tiếp theo (Ma-thi-ơ chương 5-7), Chúa Giê-su cho thấy chúng ta cần phải là người như thế nào để được hưởng vương quốc của Đức Chúa Trời. Rõ ràng là với bản chất sa ngã của mình, chúng ta không thể là những người được dự phần vào vương quốc của Đức Chúa Trời: Nhưng chúng ta cần bản chất của Đấng Christ như được mô tả trong Hiến pháp vương quốc trong Ma-thi-ơ 5-7. Để trở thành con của Đức Chúa Trời thì không có điều kiện nào. Một người chỉ cần tin rằng Chúa Giê-su Christ là Con Đức Chúa Trời, đã chết vì tội lỗi của chúng ta và đã sống lại vào ngày thứ ba. Rồi người đó cần chịu phép báp-tem. Người ta không phải làm gì nhiều hơn nữa để được cứu. Tuy nhiên, để trở thành người thừa kế vương quốc thiên đàng, bản chất của Chúa phải trở thành bản chất của chúng ta. Đức Chúa Trời sẽ không cho chúng ta thừa hưởng vương quốc của Ngài, nếu chúng ta không phù hợp với bản chất của Ngài (xem Ga-la-ti 4:1).

„Phước cho những người nghèo khó trong linh, vì vương quốc thiên đàng là của họ“ (Ma-thi-ơ 5:3).

Khi bắt đầu đời sống Cơ Đốc nhân, nhiều tín đồ đói khát và háo hức muốn có thêm nhiều từ Đấng Christ.  Họ đọc rất nhiều trong Kinh Thánh và sử dụng mọi cơ hội để thông công với các Cơ Đốc nhân khác. Họ có nhiều kinh nghiệm tươi mới với Chúa. Đáng tiếc là theo thời gian, sự đói khát  đối với Đấng Christ thường bị giảm dần. Những thứ khác, như công việc, gia đình hoặc sở thích, lại ngày càng trở nên quan trọng và dần thay thế cho sự khao khát Đấng Christ. Những kinh nghiệm với Đấng Christ cũng trở nên ít hơn. Có lẽ hiểu biết về Lời Chúa sẽ tiếp tục tăng lên. Bằng cách đọc nhiều tài liệu của Cơ Đốc giáo [1] và tham dự các lớp học Kinh Thánh, người ta tích lũy được nhiều hiểu biết và sự diễn dịch Lời Chúa theo thời gian. Vì vậy, người ta thường không nhận ra rằng Chúa chỉ có thể thay đổi bản chất của họ được một chút thôi. Hiểu biết đơn thuần về Lời Chúa chỉ đánh lừa,  làm người ta không nhận ra rằng những trải nghiệm sống động  và những thay đổi trong bản chất  chúng ta thường rất hạn chế, hoặc thậm chí hoàn toàn không có.

Tình trạng no đủ và thỏa mãn 

Khi Chúa Giê-su đến thế gian, dân Ngài đã ở trong tình trạng như vậy. Người Pha-ri-si và các thầy dạy Kinh Thánh có đầy đủ kiến ​​thức và hiểu biết về Kinh Thánh. Nhưng họ hoàn toàn thiếu kinh nghiệm và thực tế của bản chất Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói với họ: “Khốn cho các ngươi, những thầy dạy Kinh Thánh và những người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả” (Ma-thi-ơ 23:25). Khi Chúa Giê-su đến, Ngài muốn mang bản chất của Đức Chúa Trời đến với họ, nhưng họ không có nhu cầu. Lòng họ đã trở nên chai lì (xem Công Vụ 28:27). Không ai có thể nói điều gì đó với họ. Họ không thể chấp nhận lời khuyên bảo và quở trách của Chúa Giê-su, nhưng  họ cảm thấy bị xúc phạm và họ tự làm cứng lòng mình. Cuối cùng, họ đã dụ dỗ dân Chúa để mang Đấng Mê-si lên  thập giá.

Nhưng đối với những người đánh cá đơn giản, những kẻ tội lỗi và những người thu thuế thì hoàn toàn khác hẳn. Họ nhận ra nhu cầu của họ đối với Đấng Christ lớn như thế nào. Họ đói khát để được trải nghiệm Đấng Christ. Do đó, họ có thể chấp nhận sự cứu rỗi trong Chúa Giê-su và cuối cùng trở thành những người thể hiện bản chất của Đức Chúa Trời trong cuộc sống của họ và trở thành nền tảng trong vương quốc của Đức Chúa Trời. „Phước cho những người nghèo khó trong linh, vì vương quốc thiên đàng là của họ“

Đói khát sự sống của Đấng Christ

Để tất cả những phẩm chất mà Chúa Giê-su bày tỏ trong Ma-thi-ơ chương 5-7 trở thành hiện thực trong chúng ta, chúng ta cần một tâm linh nghèo khó. Nếu không nhận ra sự thiếu vắng sự sống của Đấng Christ trong chúng ta, chúng ta sẽ không thể có được nó. Do đó, câu Kinh Thánh này ở vị trí đầu tiên trong Bài giảng trên núi. Đó là một điều kiện tiên quyết để trải nghiệm Đấng Christ qua tất cả các phẩm chất khác. Phao-lô là một người nghèo khó trong linh. Câu nói của ông trong Phi-líp 3:12 cho thấy điều này: “Ấy không phải là tôi đã đoạt giải, hoặc đã trở nên toàn hảo rồi đâu, nhưng tôi đang theo đuổi để đoạt cho được, vì chính tôi đã được Đấng Christ đoạt lấy rồi”.

Phao-lô đã có nhiều hiểu biết. Trước kia ông là thầy dạy Kinh Thánh và đã học Kinh Thánh từ thời còn trẻ. Ông chắc chắn biết Lời Chúa hơn bất cứ ai khác. Nhưng ông nhận ra rằng hiểu biết chỉ thổi phồng và làm người ta kiêu ngạo.

“Hơn thế, tôi cũng xem tất cả mọi sự như là lỗ, vì sự nhận biết Giê-su Christ, Chúa tôi, là quý hơn hết. Vì Ngài, tôi đành chịu lỗ tất cả, và xem những điều đó như rác rưởi, để được Đấng Christ” (Phi-líp 3:8). Phao-lô không hài lòng với hiểu biết. Không, ông mong mỏi Đấng Christ sẽ trở thành cuộc sống của ông, thậm chí bằng bất cứ giá nào. Ông gắng sức để cho Đấng Christ hình thành trong cuộc sống của mình. Điều đó có nghĩa là nghèo khó trong linh.

Chúng ta hãy ăn năn và từ bỏ tất cả sự thỏa mãn và no đủ thuộc linh! Điều quan trọng là Đấng Christ có thể bày tỏ nhũng thiếu sót của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta vẫn cần rất nhiều bản chất của Đức Chúa Trời, và chúng ta không nên nghỉ ngơi để có Đấng Christ nhiều hơn. Càng có thêm bản chất của Ngài, chúng ta sẽ càng nhận ra nhu cầu của mình đối với thực tế của Đấng Christ.

Mời các bạn xem tiếp phần 2.

Dịch từ bài “Selig sind die Armen im Geist (Teil 1)” của Himmlisches-Jerusalem.de