- Vương quốc thiên đàng - https://www.angospel.com -

Vương quốc Đức Chúa Trời và cuộc chiến thuộc linh

Ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên trời và đất

Sáng Thế Ký 1:1 cho biết “ban đầu Đức Chúa Trời tạo nên trời và đất”. Câu 2 tiếp theo “và trái đất là hỗn độn và trống không”. Nhiều người cho rằng ban đầu Đức Chúa Trời đã tạo nên trái đất một cách hỗn độn, rồi sau đó cần vài tỷ năm để sự sống phát triển trên trái đất. Thật ra không phải như vậy! Ê-sai 45:18 cho chúng ta thấy Đức Chúa Trời đã không tạo ra trái đất một cách hoang tàn mà Ngài đã tạo ra nó để ở. Gióp 38:4-7 đề cập đến lúc Ngài tạo ra trái đất “Khi Ta đặt nền trái đất, thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi thông sáng, hãy tỏ bày đi. Ai đã ấn định kích thước của nó, ngươi có biết không? Và ai đã giăng thước dây để đo nó? Nền nó đặt trên chi? Ai có đặt hòn đá góc của nó? Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng”. Đức Chúa Trời như một kiến trúc sư đại tài đã thiết kế rất tỉ mỉ khi tạo ra trái đất. Ngài đã ấn định kích thước, đo đạc, và đã đặt nền móng cho cho trái đất. Ngài còn đặt hòn đá góc cho nó nữa. Nếu Ngài đã thiết kế và đo đạc như vậy thì làm sao kết quả là một sự hỗn độn được? Chiếc xe hơi đầu tiên mà hãng Mercedes tạo ra có phải là một sự lộn xộn không? Nếu loài người chúng ta không tạo ra sự hỗn độn thì Đức Chúa Trời càng không thể. Gióp 38:7 cho biết các thiên sứ đã cất tiếng reo mừng hân hoan khi Ngài tạo xong trái đất một cách tuyệt vời. Tôi không tin các thiên sứ có thể vui mừng hân hoan khi nhìn thấy một đống hỗn độn.

Như vậy, đã có một điều gì đó đã xảy ra giữa câu 1 và câu 2 của Sáng Thế Ký 1. Trong Ê-xê-chi-ên 28 và Ê-sai 14, chúng ta thấy Chúa đã tạo ra Lu-xi-phe (“ngôi sao mai”), là thiên sứ có bậc cao nhất, đẹp đẽ và khôn ngoan nhất chỉ sau Đức Chúa Trời. Rồi Ngài đã giao quyền cai trị trái đất cho Lu-xi-phe và các thiên sứ khác. Nếu lúc đó trên trái đất không có sinh vật nào thì các thiên sứ sẽ cai trị cái gì? Rồi lúc nào đó trong lòng của Lu-xi-phe nổi lên sự kiêu ngạo, hắn đã khích động nhiều thiên sứ khác nổi loạn hòng thay thế vị trí của Đức Chúa Trời. Hậu quả là Đức Chúa Trời đã phán xét sự nổi loạn này: Lu-xi-phe trở thành Sa-tan và trái đất đã trở nên hỗn độn và trống không. Mời các bạn đọc bài viết “Tuổi của trái đất” (www.angospel.com/duc-tin/96-tuoitraidat.html [1]) để hiểu rõ hơn về giai đoạn đầu tiên của trái đất.

Chương trình của Đức Chúa Trời đối với loài người

Sau khi phán xét trái đất, Đức Chúa Trời đã dùng sáu ngày để khôi phục lại trái đất. Vào ngày thứ sáu, Ngài tạo ra loài người, “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người theo như hình ảnh chúng ta và giống như chúng ta, để cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả trái đất” (Sáng Thế Ký 1:26-27). Đức Chúa Trời đã tạo nên loài người theo hình ảnh Ngài và giao cho loài người nhiệm vụ cai trị trái đất. Hê-bơ-rơ 2:5 cũng khẳng định quyền cai trị trái đất được Đức Chúa Trời giao cho chúng ta “Thật, Đức Chúa Trời không đặt thế giới tương lai mà chúng ta đang nói đó phục dưới quyền các thiên sứ”. Qua câu này, chúng ta cũng hiểu được rằng trước khi có con người, thì quyền cai trị trái đất đã được giao cho các thiên sứ. Điều này cũng công bằng thôi, vì Đức Chúa Trời đã tạo ra các thiên sứ trước loài người. Tuy nhiên trước khi tạo nên trái đất và giao quyền làm chủ cho các thiên sứ, trong lòng Đức Chúa Trời đã nghĩ đến loài người và Ngài đã chọn loài người để giao quyền cai quản trái đất. Ê-phê-sô 1:4-6 nói rằng “trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để được thánh khiết không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời, bởi sự thương yêu của Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên con của Ngài bởi Giê-su Christ, theo ý tốt của Ngài, để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!” Ngợi khen Chúa! Anh em hãy đọc thêm Hê-bơ-rơ 2:5-8 và Thi Thiên 8 để thấy con người có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong chương trình của Đức Chúa Trời.

Nhưng quyền cai trị này lại đang nằm trong tay Sa-tan. Đức Chúa Trời muốn dùng loài người để tiêu diệt Sa-tan và để dành lại trái đất này. Chính vì vậy, Sa-tan đã tìm cách ngăn chặn bằng cách làm hủy hoại con người và mang con người vào trong sự thống trị của hắn. Loài người không còn khả năng cai trị trên trái đất nữa và cả trái đất vẫn tiếp tục nằm dưới quyền thống trị của Sa-tan như 1.Giăng 5:19 cho biết “Chúng ta biết mình thuộc về Đức Chúa Trời, còn cả thế giới đều phục dưới quyền ma quỉ”. Hơn nữa trong Phúc Âm Giăng, chính Chúa Giê-su đã gọi Sa-tan bằng danh hiệu “thủ lãnh của thế giới” (xem Giăng 12:31, 14:30, 16:11). Từ lúc A-đam và E-va phạm tội, Đức Chúa Trời phải luôn bận bịu với việc phán xét tội lỗi do Sa-tan gây ra. Ngay trong thế hệ thứ hai của loài người, Sa-tan đã cám dỗ Ca-in giết A-bên. Vào thời Nô-ê, loài người sa ngã đến nỗi Đức Chúa Trời không chịu được nữa phải phán xét cả trái đất bằng trận lụt đại hồng thủy. Ngay sau đó, loài người lại sa ngã khi làm tháp Ba-bên cao đến tận trời. Đức Chúa Trời phải buộc lòng phán xét bằng cách làm cho con người rối loạn ngôn ngữ. Thay vì cai trị trên Sa-tan, loài người đã bị Sa-tan thống trị. Chúng ta phải thấy rõ đây là một cuộc chiến khốc liệt giữa Sa-tan và loài người, xoay quanh quyền làm chủ trái đất.

Vương quốc thuộc trái đất

Nhưng Đức Chúa Trời không bao giờ từ bỏ kế hoạch xây dựng vương quốc của Ngài trên trái đất. Ngài đã bắt đầu kế hoạch này với với Áp-ra-ham. Ngài đã hiện ra với Áp-ra-ham và kêu gọi ông ra khỏi nhà cha và quê hương để đi đến một miền đất mới. Qua Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời có được một dân thuộc quyền sở hữu của Ngài (Xuất Ai Cập Ký 19:5-6), một dân tộc trên trái đất mà qua đó Ngài có thể trị vì được. Và dân này sẽ cai trị trên tất cả các dân tộc khác trên trái đất. Chúng ta thấy có một sự tương phản trong sự kêu gọi của Áp-ra-ham: ông phải rời bỏ nhà cha mình và quê hương để đi đến một xứ sở mới. Nghĩa là ông phải từ bỏ những gì cũ kỹ. Trong toàn bộ lịch sử của Israel, lúc nào cũng có sự đối lập cả. Đức Chúa Trời đã không đặt họ vào một lãnh thổ không có sự đối lập nào mà Đức Chúa Trời đã dùng dân Israel để phán xét dân ngoại trong lãnh thổ đó. Họ phải chiến đấu để đẩy lùi kẻ thù và dành quyền cai trị về cho Chúa. Vua Đa-vít là một chiến binh của Đức Chúa Trời, ông đã chiến đấu trong suốt cuộc đời. Có chỗ trong Kinh Thánh nói rằng tay ông đã đầy máu. Trái lại, cuộc sống của vua Sa-lô-môn rất tốt, nhẹ nhàng và đơn giản hơn cha mình. Nhưng cuối cùng Sa-lô-môn đã đầu hàng cuộc chiến, ông đã rời bỏ Đức Chúa Trời, làm cho dân Israel phạm tội thờ thần của dân ngoại. Hậu quả nghiệm trọng đến nỗi là vương quốc Israel bị chia rẽ làm hai và Israel đánh mất sự cai trị của Đức Chúa Trời. Nghĩa là Israel không còn khả năng để cai trị trên các dân tộc khác trên trái đất nữa. Từ đó quyền cai trị trái đất thuộc về tay dân ngoại, bắt đầu là đế chế Ba-by-lôn [2].

Vương quốc thiên đàng

Tuy nhiên, Chúa cũng biết rằng những người xác thịt phạm tội thì không thể nào trị vì ở trên trái đất được. Vì vậy Đức Chúa Trời đã hủy bỏ vương quốc thuộc đất của Ngài là Israel để tạo nên một vương quốc mới trên trái đất: đó là vương quốc thiên đàng. Từ “vương quốc thiên đàng” nói đến vương quốc thuộc về trời, để phân biệt với nước Israel là vương quốc thuộc về trái đất. Khi Giăng Báp-tít đi giảng thì ông nói rằng: “Các ngươi phải ăn năn, vì vương quốc thiên đàng đã đến gần!” (Ma-thi-ơ 3:2). Điều thú vị là Chúa Giê-su cũng giảng như vậy trong Ma-thi-ơ 4:17. Và khi sai các môn đồ đi giảng, Ngài cũng bảo họ giảng như vậy (Ma-thi-ơ 10:7). Như thế Phúc Âm mà Giăng Báp-tít, Chúa Giê-su và các môn đồ giảng khác với Phúc Âm mà ngày này chúng ta giảng rất nhiều. Họ không nói “hãy ăn năn để được lên thiên đàng hay hãy ăn năn để thoát khỏi hỏa ngục đời đời” mà họ đã giảng rằng “Hãy ăn năn vì vương quốc của Chúa sắp đến!”. Đây chính là Phúc Âm về vương quốc. Dĩ nhiên sự cứu rỗi bởi tin nơi Chúa Giê-su là một phần của Phúc Âm về vương quốc.

Ma-thi-ơ 16:18 cho biết rõ ý muốn của Chúa Giê-su khi đến trái đất “Ta muốn xây dựng Hội Thánh [3] của Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được Hội Thánh đó”. Trong câu kế Ngài lại nói với Phi-e-rơ “Ta sẽ giao chìa khóa vương quốc thiên đàng cho ngươi; hễ điều gì mà ngươi buộc dưới đất, thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà ngươi mở dưới đất, thì cũng sẽ mở ở trên trời” (câu 19). Nếu nhận được ánh sáng [4] của Chúa về hai câu này, chúng ta sẽ thấy Hội Thánh chính là vương quốc thiên đàng. Ngay trong câu 18, Chúa cũng cho biết rằng xây dựng Hội Thánh là một cuộc chiến khốc liệt với các cửa âm phủ, nghĩa là với các thế lực và chủ quyền của bóng tối. Chính vì vậy, chúng ta cần phải biết dùng chìa khóa của vương quốc để đánh bại các cửa âm phủ. Ngoài ra, Hê-bơ-rơ 12:22-23 nói rõ thêm về điểm này “Nhưng anh em đã tới núi Si-ôn, thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức là Giê-ru-sa-lem thuộc trời,…, Hội Thánh của những con trưởng được ghi tên trong các từng trời”. Phao-lô nói với các thánh đồ trong Hội Thánh rằng họ đã đến với núi Si-ôn, nghĩa là đến với Giê-ru-sa-lem thuộc trời và Hội Thánh của các con trưởng. Nghĩa là Hội Thánh trong thời Tân Ước chính là Giê-ru-sa-lem thuộc trời (xem Khải Huyền 21:1-3). Núi Si-ôn cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho vương quốc của Đức Chúa Trời, nơi Ngài là Vua (Thi Thiên 2:6). Như vậy, Hội Thánh chính là vương quốc thiên đàng. Tuy nhiên không phải nhóm Cơ Đốc nhân nào cũng là vương quốc thiên đàng cả. Những “Hội Thánh” mà có con người làm lãnh đạo thì đó chắc chắn không phải. Ê-phê-sô 5:23 cho biết rõ Đấng Christ phải là cái đầu của Hội Thánh nghĩa là Đấng Christ phải là lãnh đạo và là Vua của Hội Thánh. Không phải con người mà chỉ mình Đấng Christ mới có quyền quyết định mọi việc trong Hội Thánh, là vương quốc thiên đàng. Vua Giê-su phải là nội dung của Hội Thánh, và các chi thể trong Hội Thánh phải nghe được tiếng của Vua Giê-su một cách trực tiếp.

Cuộc chiến thuộc linh khốc liệt

Trong Ma-thi-ơ 11:12 có chép rằng “từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, vương quốc thiên đàng bị hãm ép, và những kẻ hãm ép đó chiếm lấy”. Từ lúc Giăng Báp-tít loan báo về vương quốc thiên đàng thì có nhiều sự tranh chiến đã diễn ra với vương quốc thiên đàng. Chúng ta có thể thấy rằng từ ngay trước khi Chúa được sinh ra đã có một cuộc chiến. Hê-rốt đã ra lệnh giết tất cả các trẻ em từ hai tuổi trở xuống, cũng bởi vì Sa-tan muốn ngăn chặn quyền thế của Ngài đến trên trái đất. Trong cả cuộc đời, Chúa luôn phải chiến đấu. Chúa không có sự yên nghỉ mà kẻ thù của Ngài ở khắp mọi nơi và chúng đã thường tìm cách để ám sát Ngài. Ngay cả các môn đồ cũng đã ở trong cuộc chiến này. Sứ đồ Phao-lô cũng vậy, lúc nào cũng phải chiến đấu, ông đã bị bắt bớ, bị tống vào ngục, bị đánh đập và cuối cùng đã chết vì Danh Chúa. Những điều này cho chúng ta thấy rằng vương quốc thiên đàng có liên quan đến một cuộc chiến. Chúng ta cũng phải ý thức được địa vị của mình. Chúng ta là những người thừa kế của vương quốc Đức Chúa Trời và chúng ta phải chiến đấu với các chủ quyền và thế lực của bóng tối để dành lại quyền thừa kế này. Chúng ta phải có thấy được như vậy đó vì cuộc chiến này không chỉ diễn ra lúc trước mà kéo dài suốt cả thời gian. Chúng ta không được nghĩ rằng Hội Thánh, vương quôc thiên đàng, thì không có cuộc chiến nào cả. Đó chính là vấn đề của đa số Cơ Đốc nhân, họ không ý thức rằng mình đang đứng ở trong một cuộc chiến. Ngay cả chúng ta là những người đang ở trong Hội Thánh cũng không ý thức được điều này. Chúng ta biết mình cần sự sống của Chúa và sống bởi Chúa, nhưng chúng ta lại không ý thức rằng chúng ta phải chiến đấu để dành lại vương quốc về cho Chúa.

Ngày nay cuộc chiến này không còn lộ liễu như trước nữa. Khi xưa, khi Hội Thánh bị bắt bớ thì các Cơ Đốc nhân ý thức rõ rằng mình đang ở trong một cuộc chiến. Nhưng ngày nay, ý thức chiến đấu này đã bị mất, vì các Cơ Đốc nhân không còn bị bắt bớ nhiều như trước nữa. Phao-lô đã nói là “chúng ta chiến đấu, không phải với thịt và huyết mà với các chủ quyền và các thế lực, với những kẻ thống trị thế giới của bóng tối này, cùng với các linh ác độc ở trên trời” (Ê-phê-sô 6:12). Phao-lô nói câu này với Hội Thánh, nghĩa là ngày nay ở trong Hội Thánh có một cuộc chiến thuộc linh. Chúng ta phải thấy rõ rằng chúng ta đang ở trong cuộc chiến này. Ma quỷ muốn che mắt chúng ta, nên chúng ta không ý thức được. Hắn âm thầm sử dụng những mưu kế của hắn để lôi cuốn chúng ta. Nếu ma quỷ tấn công một cách rõ ràng như trước thì chúng ta đã ý thức được. Nhưng mà hắn đã thay đổi chiến lược, mà chúng đã cám dỗ chúng ta một cách có hệ thống để tấn công Hội Thánh. Chính vì vậy, chúng ta cũng phải nhận dạng và lột trần các quỷ kế của Sa-tan, như Phao-lô nói trong 2 Cô-rinh-tô 2:11 “đừng để cho Sa-tan có lợi thế hơn chúng ta, vì chúng ta không phải là không biết gì về các mưu chước của hắn”. Điều này rất quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta không được phép không ý thức gì về mưu chước của Sa-tan và đừng đến hắn lấn áp. Nếu không ý thức được Sa-tan đang làm gì với chúng ta thì làm sao chúng ta có thể đánh trả lại hắn được?

Nhận dạng mưu chước của Sa-tan

Do đó, chúng ta phải vạch rõ các âm mưu của Sa-tan và nhận biết các đặc điểm của hắn. Ngay từ đầu, hắn là một kẻ nói dối, đồng thời cũng là một kẻ sát nhân. Hắn là kẻ tố cáo các anh em trong chúng ta. Hắn là một con rắn và là con rồng. Hơn nữa, hắn không chỉ có một mình mà cùng với hắn có các chủ quyền và các thế lực của bóng tối. Ma quỷ luôn muốn dành quyền thống trị ở trong suy nghĩ của chúng ta. Tôi rất ấn tượng khi nghĩ đến vườn Ê-đen. Thật ra, cây hiểu biết [5] điều thiện điều ác đã có ở đó ngay từ đầu. Nhưng ma quỷ đã làm gì? Ma quỷ đã đến và nói dối vào trong tư tưởng của E-va rằng Đức Chúa Trời đã không nói vậy vậy sao? Dần dần E-va đã thay đổi cách nhìn của mình. Đối với chúng ta cũng vậy. Chúng ta đang rất can đảm và muốn làm chứng về Chúa, ma quỷ lại tấn công vào trong suy nghĩ của chúng ta. Hắn nói: “mày không có sẵn sàng, mày không có đủ tốt để làm chứng” và hắn cho chúng ta thấy những sai lầm trong quá khứ. Chúng ta phải thấy rõ rằng ma quỷ tác động đến suy nghĩ, và cảm xúc và ước muốn của chúng ta. Hắn thường thống trị trong tâm hồn của chúng ta. Hắn làm cho chúng ta luôn nghĩ tới cái tôi của mình, và nhìn vào bản ngã của mình. Không phải đối với những việc của Chúa thì chúng ta thường nhìn đến cái tôi của mình hay sao? Thay vì nhìn lên Chúa thì chúng ta thường nhìn vào tình trạng thuộc linh của mình. Hậu quả là chúng ta không được tự do để hỗ trợ các anh em khác chiến đấu.

Ngoài ra, ma quỷ làm chúng ta vướng víu với thế giới này và chăm với những việc vô nghĩa của cuộc đời Ví dụ như chúng ta thường bị cầm tù bởi công việc nhiều như thế nào. Trong trường học hay là trong gia đình cũng vậy. Chúng ta phải thấy rõ là ma quỷ có tham gia ở trong đó. Chúng ta đừng chấp nhận mà phải thấy rằng đó là một mưu kế của ma quỷ để hắn làm chúng ta trở nên vô dụng với vương quốc của Đức Chúa Trời. Thay vì chúng ta đầu tư thời gian vào vương quốc, thì ma quỷ làm cho lòng chúng ta nguội lạnh. Ban đầu chúng ta rất nóng cháy cho Chúa vì chạm được tâm linh của mình. Nhưng theo thời gian, lòng chúng ta bị hâm hẩm vì bị vướng bận với các việc của thế giới này. Ngay cả Đa-vít cũng đã bị mắc mưu kế của Sa-tan. Đa-vít là một chiến binh mạnh mẽ của Đức Chúa Trời, luôn chiến đấu. Nhưng một ngày kia ông ở nhà vì muốn nghỉ ngơi. Một buổi chiều, ông bước ra khỏi giường và đi dạo trong cung điện, và ông nhìn thấy một người phụ nữ đẹp đang tắm. Sau đó ông phạm tội nặng (2 Sa-mu-ên 11). Chúng ta phải ý rằng đó là một trong những mưu kế của ma quỷ là làm cho chúng ta nguội lạnh. Đáng lẽ chúng ta ở trong vương quốc là phải luôn chiến đấu, nhưng ma quỷ luôn tìm cách làm chúng ta nguội lạnh như hắn đã làm ở Đa-vít vậy. Hắn nói với chúng ta rằng bây giờ hãy nghỉ ngơi đi.

Sử dụng chiến thắng của Chúa đã ban

Ngoài việc nhận dạng mưu kế của Sa-tan, chúng ta cũng phải thấy được sự chiến thắng của Chúa. Bên trong Ngài không có gì của kẻ thù cả. Trong Giăng 14:30, Chúa nói rằng “thủ lãnh của thế giới này đang đến nhưng hắn không có gì trong Ta cả”. Khi làm người, Chúa luôn bị cám dỗ đủ mọi mặt như chúng ta nhưng Ngài đã không phạm tội nào. Kẻ thù hoàn toàn không thể tác động hay ảnh hưởng đến Ngài. Qua sự chết của Chúa, Ngài đã hủy diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ (Hê-bơ-rơ 2:14). Chúng ta cũng phải dùng đến chiến thắng của Chúa. Khi ma quỷ tấn công chúng ta, chúng ta phải đáp trả hắn rằng “Sa-tan! ngươi đã bị tiêu diệt bởi sự chết của Chúa rồi!” Chúng ta phải thấy rằng trong chúng ta có một sự chiến thắng như thế nào! Bởi thập giá, “Ngài đã tước vũ khí của các chủ quyền và các thế lực và phô bày chúng cho cả thế giới xem” (Cô-lô-se 2:15). Đây cũng là nhiệm vụ của chúng ta ở trong Hội Thánh.

Ngày nay, Chúa muốn ban chiến thắng của Ngài cho Hội Thánh. Thi Thiên 91:13 cho biết sự ấn định dành cho chúng ta “Ngươi sẽ bước đi trên sư tử và rắn hổ mang; còn sư tử tơ và con rắn, ngươi sẽ giẫm đạp dưới chân”. Chúng ta sẽ giẫm đạp sư tử con và rắn độc. Chiến thắng này Chúa đã ban cho chúng ta và chúng ta phải dùng đến nó. Trong Lu-ca 10:19, Chúa cũng nói rằng “Ta đã ban quyền cho các ngươi giày đạp rắn, bò cạp, và mọi quyền của kẻ thù dưới chân; không gì làm hại các ngươi được”. Một mặt, chúng ta có kẻ thù, nhưng mặt khác, chúng ta có một chiến thắng tuyệt vời của Chúa trong chúng ta, chiến thắng này mạnh hơn kẻ thù nhiều. Anh em ơi, từ bây giờ chúng ta hãy đánh trả lại ma quỷ. Lời Chúa trong Gia-cơ 4:7 nói rằng “Hãy đánh trả ma quỷ, hắn sẽ chạy trốn anh em”. Đó chính là nhiệm vụ của Hội Thánh, nếu chúng ta phải đánh trả lại ma quỷ thì hắn sẽ phải chạy trốn thôi.

Ngoài ra, chúng ta còn một vũ khí lợi hại là thanh gươm của Thánh Linh, chính là Lời của Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 6:17). Lời của Ngài là lời sống và linh nghiệm, sắc bén hơn gươm hai lưỡi. Khi miệng chúng ta nói Lời Chúa và ngợi khen Ngài thì ma quỷ sẽ xấu hổ. Chúng ta hãy sử dụng thanh gươm này để đánh bại Sa-tan và các thế lực của hắn như Chúa làm trong Khải Huyền 19:15 “Từ miệng Ngài ra một thanh gươm sắc bén, Ngài dùng nó mà đánh phạt các dân”.