HomeChức Tế Lễ ThánhCác Của LễCủa lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm...

Của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm để tha thứ và xử lý tội lỗi

Tội lỗi ngăn cách loài người chúng ta khỏi Đức Chúa Trời và khiến chúng ta vô dụng đối với Ngài. Là Cơ Đốc nhân, có thể chúng ta muốn phục vụ Đức Chúa Trời và làm nhiều điều cho Ngài. Nhưng Đức Chúa Trời muốn thấy trước hết rằng chúng ta phải thánh hóa chính mình và tách biệt mình ra khỏi tội lỗi. Chúng ta không thể vừa chấp nhận tội lỗi trong chúng ta và vừa phục vụ Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời sẽ không chấp nhận một sự phục vụ như vậy. Ngài thậm chí sẽ khinh thường nó.

Phân biệt giữa của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm

Nhưng để chúng ta có thể đứng trước mặt Đức Chúa Trời và làm thầy tế lễ phục vụ Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta trong Đấng Christ một cách để xử lý tội lỗi triệt để. Trong Lê-vi Ký 4-5, Lời Chúa cho chúng ta thấy cách đối phó với tội lỗi và sự vấp phạm của chúng ta. Đức Chúa Trời cần đến hai chương để xử lý điều này. Qua đó, chúng ta thấy tội lỗi là một vấn đề lớn đối với loài người chúng ta. Của lễ chuộc sự vấp phạm được mô tả trong Lê-vi Ký 5. Chúng ta cần của lễ này khi chúng ta phạm một tội nào đó. Của lễ chuộc sự vấp phạm được dâng bằng một con chiên đực. Đấng Christ là con chiên này, Ngài đã cất đi tội lỗi của thế gian (xem Giăng 1:29). Tuy nhiên, sự tha thứ tội lỗi bởi huyết Chúa chỉ là một phần của việc xử lý tội lỗi trong chúng ta. Phần khác chính là của lễ chuộc tội lỗi. Của lễ chuộc tội lỗi xử lý gốc rễ của tội lỗi trong chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta cai trị tội lỗi ở trong xác thịt của mình. Chúng ta cần của lễ chuộc tội lỗi để cai trị nó. Của lễ này sẽ giữ cho chúng ta khỏi sống tội lỗi.

Xử lý tội lỗi một cách triệt để

Những ai có lương tâm và tấm lòng ngay thẳng đều phải chịu đựng khi mình phạm tội. Trong những tình huống như vậy, chúng ta có thể dùng huyết của Đấng Christ để rửa sạch chúng ta khỏi tội lỗi. Nhưng thực tế là chúng ta đã phạm tội cũng cho thấy điều gì đang ở trong chúng ta. Cho nên, chúng ta không được thỏa mãn khi dùng đến huyết Chúa, nhưng phải hỏi Chúa xem gốc rễ của tội lỗi là gì và tại sao nó lại ở đó. Điều quan trọng là chúng ta cho phép Chúa dò xét lòng của mình và bày tỏ những điều giấu kín bên trong, làm chúng ta phạm tội (xem Thi thiên 139:23-24). Việc phạm tội chỉ là kết quả của những gì ẩn giấu ở trong lòng. Đó là lý do tại sao chúng ta cần một sự điều trị sâu sắc và toàn diện. Chúa là bác sĩ của chúng ta. Ngài không chỉ muốn làm sạch chúng ta, mà Ngài cũng muốn xử lý nguyên nhân và lòng của chúng ta. Đó là lý do tại sao bác sĩ này đến thế gian (xem Ma-thi-ơ 9:12). Trong Lê-vi Ký 5:1-14, chúng ta thấy của lễ chuộc sự vấp phạm và của lễ chuộc tội lỗi được dâng cùng với nhau. Khi chúng ta đã nhận ra một tội, chúng ta không được thờ ơ mà phải để Chúa xử lý nguyên nhân của nó. Nếu một tội không được xử lý, nó sẽ phát triển và có thể gây thiệt hại lớn.

Xử lý nhanh chóng và triệt để ngay cả những tội “nhỏ”

Nếu chúng ta nhận thấy những điều không đúng với Đức Chúa Trời, thì chúng ta không nên trì hoãn việc xử lý những điều đó. Thường thì người ta có khuynh hướng thờ ơ đối với những điều nhỏ bé. Nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta được điều trị tất cả ngay lập tức. Do đó, của lễ chuộc tội lỗi cũng có những kích cỡ khác nhau: từ con bò tơ đến bột mịn. Lu-ca 16:10 nói đến điều này: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ cũng trung tín trong việc lớn, ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ cũng bất nghĩa trong việc lớn”.

Ghét tội lỗi

Đức Chúa Trời muốn ban cho chúng ta ý thức về điều gì sạch, điều gì ô uế ngày càng nhiều hơn. Điều quan trọng là chúng ta cần phải bắt đầu ghét và ghê tởm tội lỗi. Thi Thiên 101:3 nói rằng: “Tôi sẽ chẳng để điều gì xấu xa trước mắt tôi; tôi ghét công việc kẻ bất trung: chúng sẽ không dính líu gì đến tôi”. Chúng ta cần sự ác cảm như vậy với tội lỗi. Chúng ta không muốn bất kỳ điều gì của nó dính líu với chúng ta nữa. Phao-lô cũng đã rất gớm ghiếc tội lỗi. Đó là lý do tại sao ông ấy nói trong Rô-ma 7:24: “Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ giải cứu tôi khỏi thân thể chết chóc nầy?” Nếu không có thái độ như vậy, chúng ta sẽ không muốn quyết tâm để đoán xét tội lỗi trong cuộc sống của chúng ta. Thư Hê-bơ-rơ nói đến chúng ta: “ Anh em chống cự với tội lỗi còn chưa đến nỗi phải đổ máu” (Hê-bơ-rơ 12:4).

Nguyện xin Chúa làm nên một thái độ như vậy trong chúng ta và giúp chúng ta trong cuộc chiến chống tội lỗi.

(www.Himmlisches-Jerusalem.de)

RELATED ARTICLES
8,443FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
45,400SubscribersSubscribe

Bài mới nhất