HomeChức Tế Lễ ThánhCác Của LễCủa lễ chuộc tội lỗi

Của lễ chuộc tội lỗi

Đức Chúa Trời đã tạo ra chúng ta một cách đặc biệt trong hình ảnh của chính Ngài, và giống như Ngài, với mục đích để chúng ta trở nên con cái của Ngài, những người con trai trưởng thành để quản trị trái đất cho Ngài (Sáng Thế Ký 1:26).Tuy nhiên, con người đã không vâng lời Đức Chúa Trời và sa ngã. Hậu quả là tội lỗi, bản chất của Sa-tan, đã xâm nhập vào con người. Lời Đức Chúa Trời nói rằng ngày nay cả thế giới nằm trong tay của ma quỷ (1.Giăng 5:19). Chúa đã gọi Sa-tan “kẻ cai trị thế giới” (Giăng 12:31;16:11); và Phao-lô còn dùng từ mạnh hơn, gọi Sa-tan là “thần của đời này”, kẻ làm mù lòa tâm trí của những người không tin (2.Cô-rinh-tô 4:4). Đừng nghĩ Sa-tan không có quyền lực. Nhưng nếu Đức Chúa Trời muốn tự mình tiêu diệt Sa-tan, Ngài có thể giải quyết vấn đề này từ lâu chỉ bằng một lời nói! Vậy thì ai sẽ giải phóng thế giới này ra khỏi sự thống trị của Sa-tan và mang vương quốc thiên đàng xuống trái đất? Đức Chúa Trời muốn dùng chúng ta cùng với Đấng Christ để khôi phục lại vương quốc của Đức Chúa Trời trên đất này, để chống lại những quyền thống trị, các thế lực ở trong không trung và tước quyền cai trị của Sa-tan, ném hắn cùng đồng bọn của hắn vào hồ lửa. Vì thế, chúng ta cần của lễ chuộc tội lỗi để được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết.

Vấn đề của tội lỗi

Mặc dù của lễ chuộc tội lỗi và của lễ chuộc sự vấp phạm là hai của lễ được nhắc đến cuối cùng, nhưng chúng rất quan trọng đối với chúng ta. Đối với mục đích của Đức Chúa Trời thì của lễ thiêu là quan trọng nhất, vì Ngài cần một dân để làm theo ý muốn của Ngài. Tuy nhiên, vì tội lỗi ngự trong xác thịt chúng ta, nên chúng ta bị cản trở trong việc thực hiện kế hoạch của Đức Chúa Trời. Vì vậy, của lễ chuộc tội và của lễ chuộc sự vấp phạm rất cần thiết để giải phóng chúng ta khỏi sự thống trị và và nô lệ của tội lỗi.

Sa-tan, con rắn xưa, nó đã lừa dối con người ngay từ ban đầu và gieo bản chất tội lỗi của hắn vào trong con người. Từ đó, loài người bị cắt khỏi cây sự sống, thay vì trở nên một với Đức Chúa Trời, con người lại bị tha hóa, trở nên một với Sa-tan và trở thành kẻ thù của Đức Chúa Trời. Tội lỗi không phải là một vấn đề nhỏ, vì nó cắt đứt mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời. Trên thế giới ngày nay có quá nhiều sự giết chóc, chiến tranh, tham lam, và không công bình, tham nhũng tràn lan khắp nơi, thậm chí có cả trong chính phủ của nhiều quốc gia. Ngày nay, nhiều người, kể cả các chính trị gia, chống lại Đức Chúa Trời. Đây là một vấn đề lớn trong thế giới chúng ta ngày nay. Mặc dù Đức Chúa Trời đã tạo nên con người trong hình ảnh của Ngài, nhưng con người đã trở nên giống ma quỷ. Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng 3.5 năm trước khi Chúa trở lại thì con quái thú, “con người của tội lỗi” hay “kẻ vô luật pháp” (2.Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 8-9) sẽ thống trị thế giới. Lúc đó tội lỗi sẽ đạt đến mức tối đa.

Tội lỗi là một vấn đề thực sự nghiêm trọng ngày nay, không chỉ đối với những người không tin mà còn đối với các tín đồ. Thật không may, nhiều Cơ Đốc nhân ngày nay không coi trọng vấn đề tội lỗi, vì họ nghĩ họ có thể xin Chúa tha thứ. Anh em hãy tự hỏi mình câu hỏi này: anh em có ghét tội lỗi không? Nếu có, tại sao anh em vẫn còn phạm tội? Có lẽ anh em vẫn còn thích tội lỗi. Phao-lô nói “Trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chống cự chưa đến mức đổ máu” (Hê-bơ-rơ 12:4). Anh em có chống lại tội lỗi không? Hay anh em đầu hàng nó? Ai sẽ giải quyết vấn đề tội lỗi này? Chỉ có Đấng Cứu Rỗi Giê-su Christ mới có thể cứu chúng ta một cách toàn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:25). Anh em phải trân trọng vì Đấng Tạo Hóa vĩ đại đã trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, không chỉ để chuộc chúng ta mà còn làm của lễ chuộc tội lỗi cho chúng ta: “Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta” (2.Cô-rinh-tô 5:21). Ngay đầu sách Phúc Âm Giăng, Giăng Báp-tít đã công bố “Kìa, Chiên Con của Đức Chúa Trời, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29). Điều quan trọng cần chú ý ở đây là từ “tội lỗi” ở thể số ít chứ không phải số nhiều. Nó biểu thị chính bản chất của tội lỗi đang cư ngụ trong con người. Sự phạm tội mà con người mắc phải thường bắt nguồn từ gốc rễ của tội lỗi đang ở bên trong. 

Rô-ma 5:12 nói rằng “Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã lan tràn đến mọi người vì mọi người đều đã phạm tội”. Tội lỗi này xâm nhập và sống trong thân thể chúng ta, trong xác thịt chúng ta. Phao-lô gọi thân thể của chúng ta là “thân thể của tội lỗi” (Rô-ma 6:6) và “thân thể của sự chết ” (Rô-ma 7:24). Tội lỗi và sự chết cư ngụ và cai trị trong xác thịt của chúng ta, khiến chúng ta phạm tội và ngăn cản chúng ta làm điều đúng (Rôma 7:19). Phao-lô đã viết về kinh nghiệm riêng của mình: “Khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi khỏi thân thể của sự này” (Rô-ma 7:24). Ông đã khám phá rằng tội lỗi và sự chết không chỉ cư ngụ trong thân thể ông mà còn cai trị trong thân thể ông (Rô-ma 5:17). Đó là lý do ông nói rằng chúng ta là “nô lệ của tội lỗi” (Rô-ma 6:16,17,20). Thật là một điều tồi tệ vì tội lỗi và sự chết cai trị trong chúng ta. 

Sự cứu rỗi mà Chúa đã thực hiện trên thập tự giá không chỉ để tha thứ những tội của chúng ta nhờ huyết báu của Ngài. Nhưng còn nhiều hơn thế, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi bằng cách đóng đinh con người cũ của chúng ta.

Nhiều năm qua, các Cơ Đốc nhân đã nhấn mạnh huyết của Chúa Giê-su Christ đã rửa sạch cho chúng ta khỏi mọi tội lỗi (1.Giăng 1:7, 9). Bất cứ khi nào chúng ta phạm tội, chúng ta có thể xưng tội của mình với Cha và Cha sẽ tha thứ mọi tội cho chúng ta. Nhưng vấn đề là chúng ta lại tiếp tục phạm tội đó nữa. Vậy chúng ta không chỉ cần tha thứ, mà cần sự giải thoát. Con đường để giải thoát nằm trong Rô-ma 8. Không chỉ không còn sự kết án nào cho những ai ở trong Giê-su Christ, nhưng “luật của Linh của sự sống trong Đấng Christ đã giải thoát tôi khỏi luật của tội lỗi và sự chết ”( câu 1-2). Ngợi khen Chúa! Đây là của lễ chuộc tội lỗi có thể giúp chúng ta được tự do.

Con rắn bằng đồng – hình ảnh của Đấng Christ chịu đóng đinh

Con rắn bằng đồng trong Dân Số Ký 21:8-9 là một hình ảnh tuyệt vời về sự đóng đinh của Chúa. Con cái Israel đã nổi loạn chống lại Đức Chúa Trời trong hoang mạc, nên Đức Chúa Trời đã phán xét họ bằng cách sai rắn lửa có độc đến cắn họ, nhiều người trong số họ đã chết. Sau khi nhận ra tội nổi loạn của mình, họ đã thú nhận với Môi-se và xin ông cầu nguyện cho họ. Lúc đó, Chúa bảo Môi-se rằng: “Hãy làm một con rắn lửa rồi treo nó trên một cây sào… Vậy Môi-se làm một con rắn bằng đồng rồi treo lên một cây sào. Người nào bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng thì được sống”. Trong Kinh Thánh, đồng tượng trưng cho sự phán xét. Con rắn bằng đồng ở đây là hình ảnh của Đấng Christ bị treo lên và bị đóng đinh trên cây thập tự giá để chữa lành cho con người. Trong Giăng 3:14-15, Chúa Giê-su đã cho biết điều này nói đến chính Ngài: “Như Môi-se treo con rắn lên trong hoang mạc thể nào thì Con Người cũng phải bị treo lên thể ấy, để ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời”.

Trong vườn Ê-đen, ma quỷ đã tiêm bản chất rắn độc của hắn vào trong loài người, làm cho loài người trở thành những con rắn con. Nên không có gì ngạc nhiên khi cả Giăng Báp-tít và Chúa Giê-su gọi người Pha-ri-si là “dòng dõi rắn lục”. Bây giờ, chúng ta hiểu được lý do tại sao Đức Chúa Trời sai Con của Ngài đến “mang lấy xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, vì cớ tội lỗi…” (Rô-ma 8:3) để trở thành con người. Theo một nghĩa nào đó, Ngài đến giống như con rắn nhưng không có tội, giống như con rắn bằng đồng. Khi Chúa chết trên thập giá, Chúa đã đóng đinh toàn thể nhân loại chung với Ngài, kẻ cả con rắn đã tiêm nhiễm chính nó vào loài người. Khi Đức Chúa Trời phán xét Giê-su Christ trên thập tự giá, Ngài cũng phán xét và tiêu diệt con rắn. Ngài “đã đoán phạt tội lỗi trong xác thịt ” (Rô-ma 8:3) và đã tiêu diệt “kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỷ” (Hê-bơ-rơ 2:14). Thật là một thành tựu! Qua sự chết của Đấng Christ trên thập tự giá, tội lỗi, Sa-tan, con người cũ, tạo vật cũ, thế giới, và sự chết đều bị kết thúc. Điều này có nghĩa Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi của chúng ta!

Hiện thực của báp-tem

Tôi sống, nhưng không phải  tôi sống nữa, mà Đấng Christ sống trong tôi

Ý nghĩa của báp-tem là gì? Nó không phải là một nghi lễ, cũng không chỉ là một chứng nhận rằng anh em là một Cơ Đốc nhân, cũng không phải là cách để trở thành một thành viên của một Hội Thánh. Khi tin vào Chúa Giê-su Christ, anh em tiếp nhận Ngài vào tâm linh của mình. Nhưng anh em cũng cần được làm báp-tem vào trong Ngài để được hoàn toàn hiệp một với Ngài. Rô-ma 6:3 nói rằng “Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu báp-tem trong Christ Jesus, tức là chịu báp-tem vào trong sự chết Ngài”. Khi một tín đồ chịu báp-tem, người đó được ghép vào trong Đấng Christ, vào trong sự chết của Ngài, để hiệp một với Ngài ở trong sự chết cũng như trong sự phục sinh của Ngài (Rô-ma 6:5). Mặc dù Đấng Christ đã chết trên thập giá 2000 năm trước, thông qua báp-tem, các tín đồ chúng ta cũng đã chết và sống lại cùng với Ngài. Đó là một điều mầu nhiệm tuyệt vời. Đây không phải là sự dạy dỗ hay một sự khích lệ của Phao-lô, mà nó là hiện thực của ông “Tôi đã bị đóng đinh với Đấng Christ, tôi sống, nhưng không phải là tôi sống nữa, mà Đấng Christ sống trong tôi” (Ga-la-ti 2:19-20). Rô-ma 6:7 nói rằng: “ai đã chết thì được giải thoát khỏi tội lỗi”. Một người chết không thể phạm tội. Điều này phải là kinh nghiệm mỗi ngày của chúng ta. Không may, dù những câu này là sự thật, chúng ta vẫn sống bởi xác thịt chứ không phải sống bởi Đấng Christ. Chỉ khi nào chúng ta sống bởi Đấng Christ, chúng ta mới được giải phóng khỏi sự thống trị của tội lỗi và sự chết. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta có thể thực hành điều bí mật của Phao-lô “vì Đấng Christ là sự sống của tôi” (Phi-líp 1:21).

Rô-ma 8 cho chúng ta chìa khóa để kinh nghiệm thực tế của báp-tem: những ai trong Giê-su Christ không nên đi theo xác thịt nhưng hãy đi theo Thánh Linh (từ khi chúng ta là một linh với Chúa – 1.Cô-rinh-tô 6:17). Chúng ta nên thực hành để đặt tâm trí chúng ta vào trong Linh (Rô-ma 8:5-6). Nếu chúng ta nhờ Thánh Linh để làm chết việc làm của thân thể thì chúng ta sẽ sống (Rô-ma 8:13). Phao-lô cũng nói như vậy trong Ga-la-ti 5:24: “Những người thuộc về Đấng Christ Giê-su đã đóng đinh xác thịt cùng với những đam mê và ham muốn của nó” và “...hãy bước đi bởi Linh, đừng thỏa mãn những ham muốn của xác thịt” (câu 16).

Tóm lại, của lễ chuộc tội lỗi không phải chủ yếu để tha thứ cho những hành vi tội lỗi của chúng ta (của lễ chuộc sự vấp phạm liên quan đến việc tha thứ tội lỗi), nhưng để giải thoát cho chúng ta khỏi sự thống trị và ách nô lệ của tội lỗi. Chúng ta cần thấy điều này và phải hiểu rõ Đấng Christ là của lễ chuộc tội lỗi của chúng ta. Đấng Christ không chỉ tha thứ tội lỗi và cứu chúng ta khỏi đoán phạt đời đời, mà Ngài còn giải phóng chúng ta khỏi luật của tội lỗi và sự chết. Đó là lý do tại sao Hê-bơ-rơ 7:25 nói rằng “Ngài cũng có thể cứu toàn vẹn…” 

Khi bị cám dỗ, anh em hãy cầu nguyện với Chúa: “Chúa ơi, Ngài là của lễ chuộc tội lỗi của con. Xin hãy cứu con một cách toàn vẹn. Con muốn kinh nghiệm Ngài giải thoát con hoàn toàn khỏi tội lỗi và sự chết”.

(Dịch từ sách “Christ as Spiritual Sacrifices Acceptable to God” của Thechurchinfountainvalley.org)

RELATED ARTICLES
8,443FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
45,400SubscribersSubscribe

Bài mới nhất