HomeChức Tế Lễ ThánhCác của lễ trong lễ phong chức thầy tế lễ

Các của lễ trong lễ phong chức thầy tế lễ

Thật là một đặc ân lớn lao khi được phục vụ Đức Chúa Trời thánh khiết, công bình và vinh hiển với tư cách là thầy tế lễ. Chức tế lễ không bắt đầu bằng việc học thần học hay một hội thảo thờ phượng, mà bắt đầu với quá trình phong chức thầy tế lễ. Trong đó, Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy những gì cần phải xem xét để phục vụ Ngài một cách đẹp lòng: áo thầy tế lễ, việc xức dầu và các của lễ của việc phong chức tế lễ. Nếu không trải nghiệm được thực tại của nó qua Chúa Giê-su Christ, chúng ta sẽ phục vụ Đức Chúa Trời theo ý riêng của mình và cuối cùng Ngài không thể chấp nhận nó được (xem Ma-thi-ơ 7:23). Bài vừa rồi mô tả việc mặc áo thầy tế lễ, qua việc chúng ta được thánh hóa cho Đức Chúa Trời bằng cách rửa bằng nước, mặc lấy Đấng Christ, thắt đai lưng và đội nón (xem TẠI ĐÂY).

Phần thứ hai của việc phong chức tế lễ bao gồm ba của lễ: một con bò đực dùng làm của lễ chuộc tội lỗi, một con chiên đực làm của lễ thiêu và một con chiên đực làm lễ hòa bình để phong chức. Nếu bỏ qua phần này, chúng ta sẽ rơi vào bẫy của ma quỷ. Ban đầu, chúng ta có thể đầy lòng hiến dâng cho Chúa và giữ mình trong sạch, nhưng một lúc nào đó những khó khăn và thử thách sẽ đến. Nếu chúng ta không có nền tảng của của lễ phong chức thì sẽ sa ngã. Đó là lý do tại sao Đức Chúa Trời đã quy định sự khởi đầu này cho các thầy tế lễ và chúng ta phải trải nghiệm hiện thực của quá trình này bởi Chúa Giê-su Christ (xem Cô-lô-se 2:16-17).

1. Một con bò đực dùng làm của lễ chuộc tội lỗi (Lê-vi Ký 8:14-17)

Của lễ đầu tiên và lớn nhất trong lễ phong chức thầy tế lễ không phải là của lễ thiêu mà là của lễ chuộc tội lỗi. Có lẽ chúng ta sẽ đặt của lễ thiêu lên hàng đầu, vì chúng ta muốn hoàn toàn tuyệt đối cho Chúa và học vâng lời Ngài. Tại sao đối với Đức Chúa Trời, của lễ chuộc tội lỗi lại lớn hơn và quan trọng hơn?

Khi phục vụ Đức Chúa Trời và làm điều này điều kia cho Ngài, thật nguy hiểm nếu chúng ta quên rằng mình từ đâu đến và tội lỗi có thể len lỏi vào bằng cách nào đó. Chúng ta nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng và làm tốt hơn rất nhiều so với những người khác. Theo thời gian, chúng ta thậm chí có thể coi thường người khác vì chúng ta làm nhiều việc cho Chúa hơn họ, rồi trở nên kiêu ngạo mà không hề nhận ra. Trái lại, Phao-lô luôn ý thức rằng chính ông cần của lễ chuộc tội lỗi lớn nhất: “Christ Giê-su đã đến trong thế gian để cứu những người tội lỗi, trong đó ta là người đầu tiên (hoặc: lớn nhất)” (1 Ti-mô-thê 1:15, xem Ê-phê-sô 3:8; Rô-ma 7:18; 2 Phi-e-rơ 1:9). 

Một nguyên nhân khác của nhiều vấn đề là sự tận tâm của chúng ta thường bị lẫn lộn với những điều thông thường, thuộc về tâm hồn. Chúng ta muốn phục vụ Chúa, nhưng lại bị ảnh hưởng và bị phân tâm bởi sở thích riêng của mình. Ví dụ, con người cũ của chúng ta có thể thích đi du lịch hoặc thích nói trước mặt nhiều người. Nếu không trải nghiệm Chúa Giê-su làm của lễ chuộc tội lỗi để giải thoát chúng ta khỏi cái tôi của mình, chúng ta sẽ luôn tìm kiếm một cách để làm hài lòng chính mình. Như vậy, thật khó để nhận biết và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, chúng ta không thể để điều gì khác thống trị chúng ta, dù là cái tôi của mình cũng không được.

Nếu chúng ta phục vụ Đức Chúa Trời với tư cách là thầy tế lễ, ma quỷ sẽ liên tục cố gắng làm chúng ta sa ngã. Hắn có thể sử dụng nhiều cách: tội lỗi trong xác thịt của chúng ta, bản ngã chúng ta, cũng như thế gian và tôn giáo. Có thể lúc đầu chúng ta mạnh mẽ và chống lại hắn, nhưng theo thời gian, chúng ta trở nên bất cẩn và không còn cảnh giác nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta cần kinh nghiệm liên tục về của lễ chuộc tội lỗi, để không mệt mỏi trong việc chống trả tội lỗi và ma quỷ (xem Hê-bơ-rơ 12:3-4). Phao-lô đã viết về một người anh em đã rời bỏ ông vì anh ta yêu thời đại hiện tại (2 Ti-mô-thê 4:10). Làm thế nào một người cộng tác với Phao-lô như Đê-ma lại có thể đi theo thế gian? Bởi vì, theo thời gian, anh ta đã quên mất con bò đực dùng làm của lễ chuộc tội lỗi. Nếu không cảnh giác và không ngừng xử lý lòng của mình, điều tương tự có thể xảy ra với chúng ta

Đó là sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời vì của lễ chuộc tội lỗi là của lễ đầu tiên và lớn nhất trong lễ phong chức chức thầy tế lễ. Nguyện xin Chúa cho chúng ta trải nghiệm được thực tế rằng Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi mọi điều thống trị hoặc kéo chúng ta ra xa Chúa. Như vậy, chức tế lễ của chúng ta sẽ làm đẹp lòng Ngài.

2. Một con chiên đực làm của lễ thiêu (Lê-vi Ký 8:18-21)

Sau khi được giải thoát khỏi sự thống trị của tội lỗi, chúng ta cần một của lễ thiêu để sống cho Đức Chúa Trời ngay bây giờ. Rô-ma 6 nói rất đúng: “Vậy anh em cũng hãy coi mình như chết về tội lỗi và như sống cho Ðức Chúa Trời trong Đấng Christ. […] Nhưng bây giờ anh em đã được giải phóng khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời…” (câu 11, 22a). Của lễ thiêu bị cắt thành từng miếng, bộ lòng và giò được rửa sạch, rồi được thiêu cháy hoàn toàn trên bàn thờ cho Đức Chúa Trời. Đó là một của lễ toàn thiêu, giống như Đấng Christ đã sống hoàn toàn vì ý muốn của Cha và vâng lời Cha trong mọi lúc. Là thầy tế lễ, chúng ta cần Chúa Giê-su làm của lễ thiêu này, để chúng ta cũng hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời và vâng phục mọi sự theo ý muốn Ngài. Nếu không, chúng ta sẽ sớm bắt đầu để dành một số phần cho chính mình. Chúng ta vẫn thực hiện nhiệm vụ và tiếp tục phục vụ, nhưng lại để dành một phần thời gian và sức lực cho những việc khác. Chúng ta hãy học cách dâng tất cả cho Ngài và không giữ lại bất kỳ phần nào (xem Phi-líp 2:20, 30).

3. Một con chiên đực làm của lễ phong chức (Lê-vi Ký 8:22-29)

Của lễ thứ ba là một con chiên đực dùng làm của lễ của lễ phong chức. Của lễ phong chức này là một của lễ hòa bình đặc biệt. Trước khi mỡ và thận trên bàn thờ được dâng lên Đức Chúa Trời, Môi-se đã lấy một ít huyết và bôi nó lên trái tai phải, ngón cái tay phải và ngón cái chân phải. Từ giờ trở đi, các thầy tế lễ thậm chí còn mang một dấu hiệu hữu hình rằng họ đã được thánh hóa và hoàn toàn thuộc về Đức Chúa Trời. Nhiều Cơ Đốc nhân coi trọng huyết của Chúa Giê-su để tha thứ tội lỗi. Nhưng chúng ta có nhớ rằng Ngài cũng đã chuộc chúng ta bằng huyết của Ngài không? Chúng ta không còn thuộc về chính mình nữa, nhưng thuộc về Đức Chúa Trời. Nhưng điều này trông như thế nào trong thực tế? 

Trước hết chúng ta nghĩ xem mình có thể làm gì cho Chúa bằng đôi tay của mình hoặc chúng ta nên đi đâu bằng đôi chân mình. Tuy nhiên, huyết của của lễ phong chức phải được bôi lên tai trước tiên. Trước hết, chúng ta phải học cách nghe Chúa phán trong mọi việc và không hành động một cách tự phụ. Tự phụ có nghĩa là chúng ta làm điều gì đó cho Ngài mà Ngài không hề nói. Trong Ma-thi-ơ 7:21-23, Chúa Giê-su nói về những tín đồ đã làm nhiều điều tốt cho Ngài, nhưng đó không phải là ý muốn của Cha. Chúa Giê-su không những không công nhận những việc đó mà còn đuổi họ đi! Nếu tai của chúng ta không được thánh hóa thì mọi điều chúng ta làm cho Ngài cũng sẽ trở nên vô giá trị. Khi nảy ra một ý tưởng tốt hay muốn giúp đỡ giải quyết một vấn đề, chúng ta nhanh chóng nhấc điện thoại, hành động và đi đi lại lại cho đến khi việc đó được hoàn thành. Nhưng Lời Chúa dạy: “Mỗi người cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19).

Thầy tế lễ không nhìn thấy được dấu huyết trên tai mình, nhưng dấu huyết trên ngón tay cái và bàn chân thì có thể nhìn thấy rõ ràng. Đức Chúa Trời biết chúng ta cần một lời nhắc nhở liên tục rằng chúng ta thuộc về Ngài và đại diện cho Ngài. Một thầy tế lễ không được phép phản ứng dưới bất kỳ hình thức nào và làm những gì mình muốn. Ma-la-chi 2:6-7 nói về các thầy tế lễ, “người đã kính sợ Ta, và run sợ trước danh Ta. Luật pháp của sự chân thật đã ở trong miệng người, trong môi người chẳng có một sự không công bình nào; người đã bước đi với Ta trong sự bình an và ngay thẳng […] vì người là sứ giả của CHÚA các đạo binh”.

Để phục vụ CHÚA các đạo binh như vậy, chúng ta cần có toàn bộ của lễ phong chức cùng với của lễ đưa qua đưa lại và giỏ đầy bánh không men, bánh dẹt không men và bánh ngọt không men. Các thầy tế lễ đã nhận được rất nhiều thức ăn từ của lễ này, đó là cả một bữa tiệc. Nếu chúng ta dâng mình hoàn toàn cho Cha, Ngài cũng sẽ cung cấp cho chúng ta, cả về mặt thuộc linh lẫn thuộc thể. Sẽ không tốt nếu chúng ta phục vụ mà không trải nghiệm sự cung cấp dồi dào của Thánh Linh. Tất cả những gì chúng ta cần để phục vụ Đức Chúa Trời, toàn bộ sự giàu có của Đấng Christ được chứa đựng trong của lễ hòa bình này. Nguyện xin Chúa cho chúng ta có thể trải nghiệm hiện thực của toàn bộ sự phong chức thầy tế lễ này!

Dịch từ bài ‘Die Opfer zur Priesterweihe’ của Himmlisches-Jerusalem.de)

RELATED ARTICLES
8,444FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
45,400SubscribersSubscribe

Bài mới nhất