HomeĐức TinCơ Đốc nhân có nên mừng lễ Easter không?

Cơ Đốc nhân có nên mừng lễ Easter không?

Lễ Easter (người Việt gọi là lễ Phục Sinh) là thời điểm mà nhiều Cơ Đốc nhân trên khắp thế giới tưởng nhớ đến sự chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su Christ. Nhiều nghi lễ và sự phục vụ khác nhau được thực hiện trong “tuần lễ Thánh”. Một số giáo hội thậm chí còn tổ chức lễ săn trứng Easter và làm các vật liên quan đến lễ Easter. Họ nói đó chỉ là những truyền thống vô hại, chỉ là niềm vui cho trẻ em và người lớn. Như thường lệ, tất cả những điều này được làm “cho Chúa Giê-su”

Cũng như nhiều truyền thống Cơ Đốc khác như lễ Giáng Sinh, Cơ Đốc nhân không nên thờ ơ về nguồn gốc của chúng và chỉ gọi chúng là “vui” và “vô hại”. Chúng ta phải nhận ra rằng không phải mọi việc nhân danh Chúa Giê-su đều được Ngài chấp nhận. Ma-thi-ơ-7:21-23 “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm điều vô luật pháp, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!” Nhiều người làm nhiều việc nhân danh Chúa Giê-su. Họ gọi Ngài là “Chúa”, tuy nhiên những gì họ làm là vô luật pháp.

Nguồn gốc chính xác của lễ Easter rất khó để xác định nhưng mọi lời giải thích về nguồn gốc đều cho thấy nó liên quan đến việc thờ thần tượng.

Hầu hết các nguồn đồng ý rằng lễ Easter dựa trên một nghi lễ cổ xưa của dân ngoại. Cái tên Easter bắt nguồn từ tên của nữ thần Eostre hoặc Ostara, nữ thần về khả năng sinh sản và mùa xuân. Lễ này được tổ chức vào khoảng thời gian mùa xuân để ăn mừng sự đổi mới cuộc sống trong mùa xuân, giống như ngày lễ Saturnalia, là ngày tôn vinh thần Sao Thổ, đã được tổ chức trong mùa đông, rồi sau đó phát triển thành lễ Giáng Sinh. Nữ thần Eostre là người mang ánh sáng sau một mùa đông dài đen tối, thường được miêu tả như một con thỏ rừng, một con vật đại diện cho sự xuất hiện của mùa xuân và khả năng sinh sản của mùa xuân.

Một số câu chuyện về nguồn gốc của lễ Easter đề cập đến Tammuz, con trai của “Nữ hoàng thiên đường”, người này đã sống lại và mọi người ăn mừng sự phục sinh của Tammuz bằng cách thờ cúng “thỏ” và giữ các nghi lễ như tô màu trứng và “săn trứng”. Con thỏ và trứng tượng trưng cho khả năng sinh sản của “Nữ hoàng thiên đường”. Qua việc tham gia nghi lễ này, phụ nữ sẽ thụ thai con cái, gia súc sẽ sinh sôi nảy nở và những cánh đồng sẽ thu hoạch bội thu.

Những nghi lễ của dân ngoại này đã được cử hành trước khi Cơ Đốc giáo đến châu Âu và khi Cơ Đốc giáo lan rộng, các nghi lễ của dân ngoại hòa nhập với niềm tin và thực hành của Cơ Đốc giáo. Vào năm 325 sau CN, Giáo hội Công giáo La Mã, đã loại bỏ tên của Tammuz và thay thế nó bằng Giê-su và do đó lễ Easter trở thành ngày lễ của Cơ Đốc giáo.

Giống như nhiều sự pha trộn khác giữa tôn giáo của dân ngoại và Cơ Đốc giáo, chẳng hạn như Giáng Sinh và Halloween, sức hấp dẫn của lễ Easter đối với trẻ em và tiềm năng thương mại của nó cũng dẫn đến sự chấp nhận rộng rãi của công chúng. Khía cạnh “Cơ Đốc giáo” của những lễ này cũng được hợp pháp hóa, trong khi nguồn gốc ngoại giáo của nó thì bị giảm nhẹ và cuối cùng bị lãng quên. Tuy nhiên điều đó không xóa bỏ sự liên kết của nó với thờ thần tượng. Chúng ta có thể không sống khi những nghi lễ ngoại giáo này xảy ra nhưng Đức Chúa Trời không có sự khởi đầu và kết thúc. Ngài đã thấy và Ngài biết!

Hôm nay thì sao? Vì Lễ Phục sinh là “dành cho Chúa Giê-su”, nên nó ổn, phải không? Chúng ta không thờ thần tượng! Chúng ta chỉ có niềm vui! Bọn trẻ thích nó, chúng hạnh phúc, mọi người đều hạnh phúc. Có gì sai với nó? Mục sư của tôi nói rằng nó ổn nên nó phải ổn! Điều này cho thấy chúng ta dễ dàng dung túng việc thờ hình tượng và quan tâm đến sự hưởng thụ của con người hơn là sự công bình của Đức Chúa Trời. Nó cũng cho thấy chúng ta thiếu hiểu biết như thế nào, chỉ làm theo truyền thống mà không đặt câu hỏi về chúng. Các “nhà lãnh đạo” Cơ Đốc giáo tiếp tục gây ra vấn đề khi họ tổ chức lễ Phục Sinh và Giáng Sinh và đánh lừa những người mù quáng theo họ, thay vì sự thật.

Phao-lô nói đến điều này trong 1.Cô-rinh-tô 10:18-22 “Hãy xem dân Israel theo phần xác; Chẳng phải những kẻ ăn thịt con sinh tế không dự phần với bàn thờ sao? Tôi nói vậy có ý gì? Của cúng thần tượng có giá trị gì, hay chính thần tượng có ra gì không? Không ra gì cả! Những gì người ngoại đạo cúng tế là cúng tế các quỷ, chứ không phải dâng lên cho Đức Chúa Trời. Vậy, tôi không muốn anh em dự phần với các quỷ. Anh em không thể uống chén của Chúa và cũng uống chén của các quỷ. Anh em không thể dự tiệc của Chúa và cũng dự tiệc của các quỷ. Hay chúng ta muốn làm cho Chúa phải ghen tuông? Chúng ta mạnh hơn Ngài sao?”

Đằng sau những thần tượng này là sức mạnh của các quỷ. Tuy lễ Easter không được cử hành như một nghi lễ của dân ngoại nữa, nhưng nguồn gốc của nó là: từ các tà thần, hình tượng, và cuối cùng là Sa-tan.

Phao-lô cũng nói trong Ê-phê-sô 5:8-11: “Trước kia anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng. Hãy bước đi như các con của ánh sáng; vì trái của ánh sáng là mọi điều nhân từ, công chính và chân thật. Hãy xét xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng tham dự vào những công việc vô ích của sự tối tăm; nhưng hãy vạch trần chúng ra thì hơn”. Chúng ta không được khờ dại; chúng ta phải từ chối và phơi bày những việc làm của bóng tối! Chúng ta không thể chạm vào hay liên quan gì đến những việc của Sa-tan!

Như Ô-sê đã nói, dân sự của Đức Chúa Trời đang bị tiêu diệt vì thiếu hiểu biết. Ô-sê 4:6 “Dân Ta bị tiêu diệt vì thiếu hiểu biết. Vì ngươi đã từ chối sự hiểu biết, nên Ta cũng không để ngươi làm thầy tế lễ cho Ta nữa. Vì ngươi đã quên luật pháp của Đức Chúa Trời ngươi, nên Ta cũng sẽ quên con cái ngươi”.

Phao-lô cũng nhấn mạnh đến việc tách biệt ra khỏi những điều xấu xa trong 2.Cô-rinh-tô 6:14-18; 7:1: “Chớ mang ách chung với những kẻ chẳng tin. Vì công chính và gian ác có kết hợp nhau được chăng? Ánh sáng và bóng tối có dung hòa nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an có thể hòa hợp được chăng? Hay người tin có phần gì chung với người không tin chăng? Có thể nào hòa hợp đền thờ của Đức Chúa Trời với các thần tượng không? Vì chúng ta là đền thờ của Đức Chúa Trời hằng sống, như chính Đức Chúa Trời đã phán: Ta sẽ sống trong họ và đi lại giữa họ; Ta sẽ làm Đức Chúa Trời của họ, Và họ sẽ làm dân Ta. Vì vậy, Chúa phán: Hãy ra khỏi chúng nó, Hãy phân rẽ khỏi chúng nó, Đừng đá động đến đồ ô uế, Thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi. Ta sẽ làm Cha các ngươi, Các ngươi sẽ làm con trai, con gái Ta, Chúa Toàn Năng phán vậy. Thưa anh em yêu dấu, vì có những lời hứa nầy, chúng ta hãy thanh tẩy chính mình khỏi mọi vết nhơ của thể xác và tâm linh, cũng hãy làm cho sự thánh hóa được trọn vẹn trong niềm kính sợ Đức Chúa Trời”

Chúng ta không được thông công hay hiệp thông với bóng tối và sự vô luật pháp. Chúng ta hãy rửa sạch mình khỏi mọi sự ô uế và làm trọn vẹn sự thánh khiết trong sự kính sợ Đức Chúa Trời! Hãy đi ra và phân rẽ! Chúng ta là dân thánh của Đức Chúa Trời và là những người được thánh hóa, là các thánh của Ngài! Chúng ta không được pha trộn với rác rưởi của thế giới này.

Trong Kinh Thánh, chúng ta chỉ thấy những lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời để giữ sự thánh khiết và không liên quan gì đến việc thờ hình tượng và các con quỷ đằng sau chúng. Chúng ta không thấy gì về các nghi lễ hay kỷ niệm các sự kiện cụ thể trong sách Tân Ước như sự ra đời, sự chết, sự sống lại hoặc sự thăng thiên của Đấng Christ. Thay vào đó, Chúa bảo chúng ta phải ghi nhớ sự chết của Ngài và sự hiệp thông của chúng ta với Ngài trong Giao ước Mới qua việc bẻ bánh và chén trong Bàn của Chúa (Ma-thi-ơ 26:26-30; 1.Co-rinh-tô 10:16-21; 1.Cô-rinh-tô 11: 23-26). Trong sách Công vụ, chúng ta thấy các môn đồ giữ Bàn tiệc Chúa vào ngày Chúa Nhật, là ngày thứ nhất của tuần (Công vụ 20:7).

Nhưng quan trọng hơn ghi nhớ chính là bản chất và hiện thực của sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ. Có ích gì nếu mối liên hệ duy nhất của chúng ta với sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ chỉ là một hình ảnh trong tâm trí và một số cảm xúc buồn bã nhất thời? Chúa muốn những gì Ngài đã hoàn thành trên thập tự giá và Ngài chiến thắng sự chết PHẢI là một phần trọn vẹn trong cuộc sống của chúng ta!

Trước tiên, điều này đạt được khi chúng ta chịu báp-tem; có nghĩa là chúng ta làm một với Đấng Christ trong sự chết của Ngài, sự chôn cất và sự phục sinh của Ngài. Con người cũ của chúng ta, tạo vật cũ đã chết và bị chôn, còn chúng ta đang sống và bước đi trong sự sống phục sinh mới. Chúng ta không còn có thể bị giam cầm bởi sự chết thuộc linh và tội lỗi vì chúng ta có sự sống của Đấng Christ đã chiến thắng sự chết. Ngay cả sự chết và âm phủ cũng không thể ngăn chặn sự sống này hiện đang ở trong chúng ta! (Rô-ma 6:4-5)

Phao-lô cũng có thực tế của sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ khi ông tuyên bố: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong thể xác, tức là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi và phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20)

Anh em có thể ghi nhớ những gì Chúa Giê-su đã làm cho anh em, nhưng còn trải nghiệm việc bị đóng đinh với Chúa Giê-su Christ thì sao? Trong cuộc sống của anh em, mục tiêu, sở thích, sự hưởng thụ, quan điểm của riêng của anh em,… có quan trọng đối với anh em hay anh em hoàn toàn sống cho Chúa và dâng mình cho Ngài? Bản chất con người cũ của anh em có khiến anh em bị giam cầm trong vòng xoáy tội lỗi, trong sự chết và sự khô hạn thuộc linh không? Nếu vậy thì anh em không sống bằng sự sống phục sinh của Đấng Christ. Vì nếu sự sống này ngự trị trong chúng ta thì KHÔNG THỂ có bất kỳ sự chết và sự khô hạn thuộc linh nào vì sự sống này đã chiến thắng sự chết!

Công việc của Đấng Christ trên thập tự giá thật đầy ý nghĩa và quan trọng đối với chúng ta! Chẳng hạn, Ngài là Chiên Con của Lễ Vượt Qua đã được hiến tế để giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ ở Ai Cập (tượng trưng cho thế gian); Ngài là Bánh không men đích thực đã bị tan vỡ vì chúng ta và để nuôi chúng ta. Ngài là của lễ thiêu thực sự vì Ngài đã hy sinh chính mình trên thập tự giá như một hương thơm dịu dàng dâng lên Đức Chúa Trời vì Ngài hoàn toàn vâng phục Cha. Ngài là của lễ thức ăn vì Ngài là hạt lúa mình gieo xuống đất và chết (Giăng 12:24), rồi được nghiền thành bột mịn. Tất cả những điều này đã được hoàn thành trên thập tự giá và được chứa đựng trong sự sống mới mà chúng ta đã nhận được khi chúng ta tiếp nhận Ngài và được báp-tem vào trong Ngài!

Chúng ta phải biết ý nghĩa thực sự của sự chết và sự phục sinh của Đấng Christ và đừng để bị lừa dối để tuân giữ những truyền thống vô nghĩa, trống rỗng thuộc về ma quỷ. Các ý nghĩa này có thể được áp dụng trực tiếp vào đời sống Cơ Đốc nhân của chúng ta. Điều này quan trọng đối với sự trưởng thành thuộc linh của Cơ Đốc nhân, chứ không phải các nghi lễ, sản phẩm lễ Easter, trứng, thỏ và các bữa tiệc, và “ghi nhớ” bằng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta! Hãy thức dậy! Sa-tan đã lừa dối rất nhiều Cơ Đốc nhân!

Chúng ta cần bỏ việc thờ hình tượng này, ngay cả khi gặp phải sự phản đối của những người thân yêu của mình và các tín đồ khác. Chúng ta cũng nên cảnh báo anh em trong Chúa nên bỏ những thực hành này, tìm kiếm lẽ thật và ngừng tuân theo các truyền thống. Nếu nhóm của chúng ta không chịu dừng lại ngay sau khi được cảnh báo, thì chúng ta nên cắt đứt mối tương giao với họ hoặc chúng ta sẽ phải chịu sự phán xét của Đức Chúa Trời. Ngài sẽ phán xét tất cả các thực hành sai trái và chết chóc của Cơ Đốc giáo. Hãy nhớ rằng “sự phán xét bắt đầu trong nhà của Đức Chúa Trời!” (1 Phi-e-rơ 4:17).

Hãy tìm kiếm mối tương giao với những anh chị em muốn theo đuổi lẽ thật và sự công bình! “Đó là điều tốt đẹp và hài lòng Đức Chúa Trời, Cứu Chúa chúng ta, là Đấng muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết lẽ thật” (1.Ti-mô-thê 2:3-4). Nguyện xin Chúa cho mọi người trong dân Ngài nhận biệt được lẽ thật!

(Dịch từ bài “Should Christians Celebrate Easter?” )

RELATED ARTICLES
8,446FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
45,400SubscribersSubscribe

Bài mới nhất