HomeChúa tái lâmGót và Ma-gót trong sách Ê-xê-chi-ên: Mô tả về Ha-ma-ghê-đôn

Gót và Ma-gót trong sách Ê-xê-chi-ên: Mô tả về Ha-ma-ghê-đôn

Gót và Ma-gót

Gót và Ma-gót là khái niệm nói đến chiến tranh và thời kỳ cuối cùng trong Kinh thánh. Tiên tri Ê-xê-chi-ên là người đầu tiên nói tiên tri về Gót và Ma-gót. Hầu hết mọi người đều tin rằng lời tiên tri này không liên quan gì đến thời đại chúng ta ngày nay. Nhưng trong video này, chúng tôi sẽ cho bạn thấy lý do tại sao Gót và Ma-gót rất thời sự với chúng ta hiện nay.

Gót và Ma-gót xuất hiện hai lần trong Kinh thánh. Một lần trong Cựu Ước, cụ thể là trong sách Ê-xê-chi-ên chương 38 và 39 và sau đó trong sách Khải Huyền của Tân Ước. Trước tiên chúng ta hãy đọc chỗ trong sách Ê-xê-chi-ên.

“Hỡi con người, hãy xây mặt hướng về Gót ở đất Ma-gót là vua của Rô-sơ, Mê-siếc và Tu-banh mà nói tiên tri chống lại nó” (Ê-xê-chi-ên 38 câu 2).

Còn đây là chỗ trong Khải Huyền 20: “Khi ngàn năm mãn hạn, Sa-tan sẽ được thả ra khỏi ngục tù của nó; nó sẽ đi lừa dối các nước ở bốn phương trên đất, là Gót và Ma-gót, để tập hợp chúng cho chiến tranh. Quân số của chúng đông như cát bờ biển. Chúng kéo quân tràn ra khắp đất, bao vây doanh trại của các thánh đồ và thành yêu dấu. Nhưng lửa từ trời giáng xuống và thiêu rụi chúng” (Khải Huyền 20:7-9).

Rõ ràng cả hai chỗ đều nói về Gót và Ma-gót.  Nhưng câu hỏi đặt ra là có phải cả hai đều nói về cùng một sự kiện? Câu trả lời là không. Làm thế nào có thể nhận ra điều này?

Chúng ta hãy xem thời gian diễn ra các sự kiện. Thời đại tiếp theo là Vương quốc ngàn năm hòa bình của Đấng Christ. Khi nào Gót và Ma-gót xảy ra trong Khải Huyền 20?  Câu trả lời có ngay trong câu 7. Khi 1000 năm chấm dứt. Vậy là vào cuối Vương quốc ngàn năm.

Gót và Ma-gót trong sách Ê-xê-chi-ên xảy ra khi nào? Ê-xê-chi-ên cũng đề cập đến một thời điểm, nhưng thời điểm này khác với trong Khải Huyền 20. Ông nói đến thời đại của chúng ta, chứ không phải lúc kết thúc Vương quốc ngàn năm. Nhưng Gót và Ma-gót trong Ê-xê-chi-ên 38 nói đến chiến tranh nào? Nói đến Ha-ma-ghê-đôn. Ha-ma-ghê-đôn là chiến tranh cuối cùng của thời đại chúng ta.

Khải Huyền chương 16 nói về quân đội của antichrist (kẻ chống Chúa). “Chúng quy tụ họ tại một chỗ mà tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Ha-ma-ghê-đôn”. Chiến tranh ở Ha-ma-ghê-đôn diễn ra trước vương quốc 1000 năm chứ không phải sau đó.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét bảy lý do chứng minh rằng Ê-xê-chi-ên quả thực đang nói đến Ha-ma-ghê-đôn chứ không nói đến Gót và Ma-gót vào cuối Vương quốc 1000 năm.

Lý do thứ 1: Sự quy tụ của người Do Thái

Trước hết, chúng ta hãy đọc Ê-xê-chi-ên 38:8. Ở đó nói về Gót rằng: “Sau nhiều ngày, ngươi sẽ được triệu tập. Trong những năm sau cùng, ngươi sẽ đến một xứ đã thoát khỏi gươm đao, và được tập hợp từ nhiều dân tộc về vùng núi đồi Israel, là nơi lâu nay vẫn hoang phế. Dân ấy được đem ra từ các dân và tất cả đang sống yên lành”.

Những câu này có phù hợp với thời gian sau Vương quốc ngàn năm không? Sau Vương quốc ngàn năm, Đức Chúa Trời có gọi Israel như là nước đã thoát khỏi gươm đao và được quy tụ trở lại không?  Chắc chắn là không! Israel đã được quy tụ từ 75 năm trước sau  khi bị bỏ hoang trong một thời gian dài, cụ thể là gần 1900 năm.  Mãi đến năm 1948, Israel mới trở thành một quốc gia và sống an toàn kể từ đó.  Vì vậy, những sự kiện này đã xảy ra trong thời đại của chúng ta từ lâu và không liên quan gì đến Vương quốc ngàn năm.

Lý do thứ 2:  Sự than khóc của người Do Thái về Đấng Mê-si

 Ê-xê-chi-ên 39:26 nói về người Do Thái: “Chúng sẽ mang lấy xấu hổ và mọi sự bất trung của mình mà chúng đã phản bội Ta, khi chúng sống an toàn trong nước và không ai làm cho chúng sợ hãi”.

Như đã trình bày ở lý do 1, người Do Thái đã sống an toàn ở đất nước của họ kể từ năm 1948. Nhưng khi Đấng Christ đến lần thứ hai, họ sẽ mang lấy sự xấu hổ và tội bất trung. Họ sẽ than vãn và khóc lóc đắng cay về Đấng Mê-si. Tại sao? Bởi vì họ đã chối bỏ Ngài gần 2.000 năm. Và bây giờ họ mới nhận ra Ngài.

Tiên tri Xa-cha-ri đã xác nhận chính sự kiện này. Ông nói về Đấng Mê-si như sau: “Chúng sẽ nhìn xem Ta là Đấng chúng đã đâm, rồi chúng sẽ than khóc Ngài như người ta than khóc đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc Ngài như người ta thương tiếc con đầu lòng” (Xa-cha-ri 12:10). Khải Huyền 1:7 xác nhận đoạn Kinh Thánh này và cho thấy rằng điều này sẽ xảy ra khi Chúa Giê-su đến lần thứ hai. Vì vậy, giống như Xa-cha-ri và Khải Huyền, Ê-xê-chi-ên nói về thời gian trước vương quốc 1000 năm.

Lý do thứ 3: Sự tuôn đổ Thánh Linh trên Israel

 Ê-xê-chi-ên 39:29 cho chúng ta biết rằng: “Ta sẽ không còn ẩn mặt Ta khỏi chúng nó nữa, vì Ta sẽ đổ Linh của Ta trên nhà Israel, CHÚA Giê-hô-va phán”. Xa-cha-ri cũng nói đến cùng một sự tuôn đổ Thánh Linh trên dân Israel: “Ta sẽ đổ Linh của ân điển và nài xin trên nhà Đa-vít, và trên cư dân Giê-ru-sa-lem” (Xa-cha-ri 12:10). Đức Chúa Trời sẽ không đổ Thánh Linh trên Israel sau vương quốc 1.000 năm.  Không, đúng hơn, Đức Chúa Trời sai Thánh Linh của ân điển và sự nài xin để cứu Israel trước giai đoạn vương quốc 1000 năm chứ không phải sau đó.

Lý do thứ 4: Những bát thạnh nộ

Trong Ê-xê-chi-ên 38 chúng ta thấy: “Thật trong ngày đó sẽ có cơn động đất lớn xảy ra ở xứ Israel…  Núi non sụp đổ, các vách đá bị vỡ và mọi thành lũy đều sụp đổ xuống đất… Ta sẽ phán xét nó bằng dịch bệnh và máu. Ta sẽ khiến mưa như trút nước, mưa đá, lửa và diêm sinh ập xuống trên nó” (Ê-xê-chi-ên 38:19-22).

Mô tả này làm chúng ta nhớ đến bảy bát thạnh nộ mà Đức Chúa Trời sẽ trút xuống Kẻ chống Chúa và vương quốc của hắn. Dưới đây là một số đoạn trong Khải Huyền 16: ”Thiên sứ thứ nhất đi đổ bát mình xuống đất thì có những ung nhọt độc và đau nhức xuất hiện trên những người có dấu con thú và thờ lạy hình tượng nó… Biển trở nên như máu người chết; và tất cả sinh vật trong biển đều chết hết… Mặt trời được phép dùng lửa thiêu đốt loài người… Và động đất lớn; động đất lớn đến nỗi từ khi có loài người trên đất chưa từng có như vậy. Những cục mưa đá lớn, nặng bằng một ta-lâng, ở trên trời rớt xuống trên loài người”. Một cục mưa đá nặng bằng 1 ta-lâng, có nghĩa là khoảng 40 kg. 

 Những bát thịnh nộ không được trút xuống sau Vương quốc ngàn năm, mà là trước đó.  Vì vậy, Ê-xê-chi-ên đang viết về thời đại của chúng ta.

Lý do thứ 5: Gươm của người này chống lại người kia

Ê-xê-chi-ên 38 câu 21 nói về Gót như sau: “Ta sẽ gọi gươm đến chống lại Gót trên mọi núi của Ta. Gươm của mỗi người sẽ chống lại anh em mình”. Gót và đội quân của hắn sẽ bị đánh bại như thế nào? Ê-xê-chi-ên cho biết họ sẽ giết hại lẫn nhau.

Xa-cha-ri xác nhận điều này khi nói về Ha-ma-ghê-đôn như sau: “Trong ngày ấy, CHÚA sẽ khiến chúng hoảng loạn vô cùng; ai nấy trong chúng sẽ túm lấy kẻ lân cận mình, và tay người này sẽ giơ lên nghịch cùng tay người kia”.  Sự nhầm lẫn và hỗn loạn sẽ nổ ra giữa các đội quân, do đó chúng sẽ tự hủy diệt lẫn nhau. 

 Còn Gót và Ma-gót vào cuối Vương quốc ngàn năm, họ không tự tiêu diệt nhau, nhưng lửa của Chúa sẽ thiêu đốt chúng.

Lý do thứ 6:  Bữa tiệc lớn của Đức Chúa Trời dành cho các loài chim

Chuyện gì sẽ xảy ra với Gót và quân đội của hắn ta sau khi chúng tự giết hại lẫn nhau?

Trong Ê-xê-chi-ên 39:17-20, Đức Chúa Trời phán với loài chim và mọi thú đồng: “Hãy nhóm lại, hãy đến, từ bốn phương hãy quy tụ lại chỗ sinh tế mà Ta đã dọn cho các ngươi, tức là một sinh tế lớn trên các núi Israel; các ngươi sẽ ăn thịt và uống máu. Các ngươi sẽ ăn thịt các dũng sĩ, uống máu các thủ lãnh trên đất”. Như vậy quân đội của Gót sẽ bị các loài chim và thú đồng ăn thịt. 

Điều này nghe có vẻ quen thuộc phải không? Khải Huyền 19 cũng nói tương tự. Tuy nhiên, không phải Gót và Ma-gót trong Khải Huyền 20, mà nói đến đội quân của antichrist tại Ha-ma-ghê-đôn. Lúc đó, một thiên sứ gọi tất cả các loài chim: “Hãy đến, hãy tập họp lại để dự tiệc lớn của Đức Chúa Trời,

để ăn thịt các vua, thịt các tướng lĩnh, thịt những người có thế lực…Tất cả chim chóc đều ăn thịt của họ no nê” (Khải Huyền 19:17-18, 21).

Như tôi đã trình bày, Gót và Ma-gót sẽ hoàn toàn bị thiêu cháy bởi lửa vào cuối Vương quốc ngàn năm. Chẳng còn lại gì nhiều cho những loài chim trời.

Lý do thứ 7: Trình tự các chương

Trình tự các chương trong sách Ê-xê-chi-ên cũng cho thấy Gót và Ma-gót chỉ có thể nói đến Ha-ma-ghê-đôn. Chương 36 tiên tri về giao ước mới, là giao ước được lập bởi sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Thời gian ngắn sau đó, Jerusalem bị người La Mã phá hủy, rồi người Do Thái phải tản lạc khắp nơi.

Sau đó đến chương 37. Chương này nói tiên tri về sự tập hợp của người Do Thái và sự hồi sinh của quốc gia Israel, đó là lời tiên tri về xương của những người chết được sống lại. Điều này xảy ra vào năm 1948.

Tiếp theo là các chương 38 và 39. Như chúng ta vừa thấy, các chương này nói về cuộc chiến ở Ha-ma-ghê-đôn vào cuối thời đại chúng ta.

Trong các chương 40 đến 48, Ê-xê-chi-ên mô tả chi tiết đền thờ của Đức Chúa Trời trong Vương quốc 1000 năm. Đền thờ này sẽ được xây dựng vào đầu Vương quốc ngàn năm chứ không phải vào cuối vương quốc. Tóm lại, chúng ta thấy rằng Ê-xê-chi-ên chương 38 đến 39 không đề cập đến sự kết thúc của Vương quốc ngàn năm, mà nói đến Ha-ma-ghê-đôn, tức là thời đại của chúng ta.

Tại sao việc hiểu điều này lại quan trọng như vậy?

  Lý do là, không giống như các nhà tiên tri khác, Ê-xê-chi-ên cho chúng ta thấy những chi tiết quan trọng về cuộc chiến ở Ha-ma-ghê-đôn. Chẳng hạn, ông tiết lộ cho chúng ta biết quốc gia nào sẽ tấn công Israel. Nếu chúng ta hiểu được điều này, nhiều điều đang xảy ra ở Israel hiện nay sẽ trở nên rõ ràng đối với chúng ta. Qua Ê-xê-chi-ên, chúng ta nhận ra rằng cuộc chiến hiện tại ở Israel là sự chuẩn bị cho Ha-ma-ghê-đôn. Đây là một dấu hiệu cho thấy thời điểm Chúa Giê-su tái lâm đã gần kề.

Trong video tiếp theo, bạn sẽ biết Ê-xê-chi-ên nói đến các quốc gia nào và điều này có ý nghĩa gì đối với tình hình hiện tại ở Israel. Các bạn hãy theo dõi! Chúa Giê-su sắp đến!

(Dịch từ bài “Gog und Magog im Buch Hesekiel: Eine Beschreibung von Harmageddon” của Himmlisches-Jerusalem.de)

RELATED ARTICLES
8,444FansLike
303FollowersFollow
7FollowersFollow
45,400SubscribersSubscribe

Bài mới nhất